Các loại chất béo từ thực vật giúp giảm nguy cơ tử vong

Các loại chất béo từ thực vật giúp giảm nguy cơ tử vong
Acid alpha-linolenic là một loại chất béo từ thực vật. Cơ thể của chúng ta không thể tự tổng hợp nó mà buộc phải thu nạp nó từ các loại thức ăn. Nghiên cứu mới đây đã chứng minh rằng, ăn nhiều Acid alpha-linolenic có thể giúp giảm nguy cơ tử vong chung.

Để duy trì sự sống, cơ thể con người cần có nhiều chất dinh dưỡng khác nhau. Nhưng không phải mọi chất dinh dưỡng đều khả năng được cơ thể tự tổng hợp. Vì vậy, chúng ta thường xuyên phải tìm kiếm các chất dinh dưỡng không tự tổng hợp được này từ các nguồn thức ăn bên ngoài.

Chất béo là một chất dinh dưỡng đa lượng có nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể. Một phần chất béo có thể được cơ thể tự tổng hợp, phần còn lại được bổ sung từ các loại thức ăn (chất béo từ động vật và chất béo từ thực vật). Trong các loại chất béo từ thực vật hay được sử dụng, omega-3 là một đại diện thường được nhắc tới.

Một nghiên cứu mới đây được đăng tải trên BMJ đã được thực hiện để tìm hiểu mối liên hệ giữa Acid alpha-linolenic (một loại Omega-3 có nguồn gốc thực vật ) với nguy cơ tử vong. Kết quả cho thấy rằng, chế độ ăn giàu chất béo từ thực vật như Acid alpha-linolenic giúp giảm nguy cơ tử vong chung ở những người tham gia.

Các loại chất béo từ thực vật giúp giảm nguy cơ tử vong - Ảnh 1.

Ăn nhiều chất béo từ thực vật làm giảm nguy cơ tử vong (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

- Tập thể dục trong thời tiết lạnh có thể đốt cháy nhiều chất béo hơn

- Chất béo là gì? Chất béo có ở đâu, có nguồn gốc và giá trị dinh dưỡng như thế nào?

Nhu cầu sử dụng chất béo từ thực vật và Acid alpha-linolenic

Theo Phòng chế phẩm bổ sung thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa kỳ, Omega-3 có nhiều vai trò khác nhau đối với cơ thể như cung cấp năng lượng và là nguyên liệu để cấu trúc tế bào. Omega-3 có thể được tìm thấy ở nhiều loại thức ăn khác nhau. Nhưng chủ yếu trong đó là đến từ những thức ăn có nguồn gốc thực vật.

Các khuyến cáo từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cũng cho rằng thực vật là nguồn cung cấp chủ yếu Omega-3 và các loại chất béo không no khác. Các nguồn chất béo từ thực vật nổi bật phải kể đến là các loại dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu hạt cải), quả hạch (quả óc chó), các loại hạt (hạt lanh),...

AHA khuyên rằng, các nguồn chất béo từ thực vật trên đều có chứa Acid alpha-linolenic. Vì vậy, để tăng hàm lượng Acid alpha-linolenic trong chế độ ăn thì mọi người nên ưu tiên sử dụng các loại chất béo không no từ các nguồn kể trên.

Theo chuyên gia dinh dưỡng và là nhà nghiên cứu - Tiến sĩ Anastasia Kalea, "Acid alpha-linolenic là một loại chất béo Omega-3, có nguồn gốc từ thực vật. Cơ thể của chúng ta không thể tự tổng hợp nó mà cần thu nạp từ việc ăn uống. Nó thường được tìm thấy từ các nguồn như hạt lanh (45%-50% là Acid alpha-linolenic), dầu đậu nành và quả óc chó (5%-10% là Acid alpha-linolenic). Ngược lại, nó có hàm lượng nghèo nàn trong các loại như dầu ngô hay dầu hướng dương."

Các loại chất béo từ thực vật giúp giảm nguy cơ tử vong - Ảnh 2.

Các nguồn chất béo từ thực vật như hạt óc chó, đậu nành, hạt lanh,... chứa nhiều Acid alpha-linolenic (Ảnh: Interenet)

Sử dụng chất béo từ thực vật giúp giảm nguy cơ tử vong

Để tìm hiểu mối liên hệ giữa việc sử dụng chất béo từ thực vật (đại diện là Acid alpha-linolenic) với nguy cơ tử vong, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích 41 nghiên cứu trong quá khứ. Các nghiên cứu được lựa chọn phải là những nghiên cứu thuần tập tương lai. Điều này giúp có thể kiểm chứng được sự liên quan giữa sử dụng Acid alpha-linolenic và nguy cơ tử vong.

Trong nghiên cứu, tỷ lệ tử vong của đối tượng tham gia được xem xét một cách toàn diện, bao gồm tử vong do bệnh mạch vành, do tim mạch hay do ung thư,... Đồng thời, hàm lượng Acid alpha-linolenic có trong chế độ ăn và nồng độ Acid alpha-linolenic trong máu cũng là những thông số được quan tâm và ghi nhận.

Tiến sĩ Kalea cho rằng, "Sự thú vị của nghiên cứu ở chỗ, các nhà nghiên cứu đã không chỉ đánh giá hàm lượng Acid alpha-linolenic trong chế độ ăn, nó dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố và có nhiều hạn chế. Thay vào đó, họ lựa chọn công cụ khách quan hơn để đánh giá tình trạng Acid alpha-linolenic là nồng độ Acid alpha-linolenic ở trong máu, huyết thanh và mô mỡ.

Ngoài ra, mối liên hệ giữa hàm lượng Acid alpha-linolenic được sử dụng đối với nguy cơ tử vong trên các đối tượng tham gia cũng là điều được quan tâm trong nghiên cứu."

Để tiến hành đánh giá, các nhà nghiên cứu đã phân chia các đối tượng tham gia thành hai nhóm bao gồm nhóm ăn nhiều Acid alpha-linolenic và nhóm ăn ít Acid alpha-linolenic. Sau đó, họ tiến hành đối chiếu nguy cơ tử vong chung ở hai nhóm này.

Kết quả cho thấy rằng, chế độ ăn giàu Acid alpha-linolenic làm giảm nguy cơ tử vong chung do mọi nguyên nhân. Trong đó bao gồm cả giảm tỷ lệ tử vong do bệnh mạch vành hoặc tử vong do bệnh tim mạch. Mỗi khi tăng thêm 1g Acid alpha-linolenic trong khẩu phần ăn, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sẽ giảm đi 5%.

Bên cạnh đó, họ cũng nhận ra chế độ ăn giàu Acid alpha-linolenic dường như làm tăng nhẹ nguy cơ tử vong do ung thư. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ để đưa ra một khuyến cáo về việc sử dụng Acid alpha-linolenic làm tăng tử vong do ung thư. Sẽ cần có nhiều nhiều nghiên cứu hơn để làm rõ vấn đề này trước khi khuyến cáo chính thức được đưa ra.

Tiến sĩ Kalea nói, "Nghiên cứu này có thể đang bị sa vào tình trạng thiếu khách quan trong phân loại. Nó chỉ tìm kiếm các phân tích cơ bản về lượng ăn vào thấp nhất và cao nhất. Có nhiều lý do khiến điều đó trở thành một vấn đề.

Mấu chốt hơn, ngay từ khi bắt đầu thì các bảng câu hỏi đã được sử dụng để theo dõi lượng ăn vào của một thức ăn được tiêu thụ với số lượng thấp trong trong chế độ dinh dưỡng. Nhưng các dấu ấn sinh học của ALA lại không phản ánh được sự khác biệt giữa lượng ăn vào thấp và cao này ở các đối tượng. "

Đồng thời kết quả cũng cho thấy, nồng độ Acid alpha-linolenic trong máu cao chỉ liên quan đến giảm nguy cơ tử vong chung và tử vong do bệnh lý tim mạch. Còn mối liên hệ giữa nguy cơ tử vong do ung thư và nồng độ Acid alpha-linolenic là không đáng kể.

Các loại chất béo từ thực vật giúp giảm nguy cơ tử vong - Ảnh 3.

Giảm nguy cơ tử vong do tim mạch nhờ ăn nhiều Acid alpha-linolenic (ẢNh: Internet)

Nói chung, nghiên cứu này đã cho thấy các lợi ích của việc sử dụng chất béo từ thực vật chưa được biết đến trước kia. Đồng thời, cần thêm nhiều nghiên cứu mới được thực hiện để có thể đưa ra khuyến cáo về hàm lượng Acid alpha-linolenic có hiệu quả nhất.

Các hạn chế của nghiên cứu và những điều cần làm trong tương lai

Dù đã có những kết quả tích cực, nhưng nghiên cứu vẫn còn có nhiều hạn chế khác nhau.

Các nghiên cứu thành phần được sử dụng đều là những nghiên cứu quan sát. Vì vậy, mối liên hệ nhân quả giữa Acid alpha-linolenic và tỷ lệ tử vong không thể được xác định. Ngoài ra, kết quả của nghiên cứu còn có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như sai số trong thống kê lượng thức ăn, sự khác biệt về thời gian, bất đồng kết quả trong đánh giá của các nghiên cứu thành phần,...

Ngoài ra, hầu hết các nghiên cứu thành phần đều tiến hành dựa trên một ngưỡng Acid alpha-linolenic khi bắt đầu. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu thì các đối tượng có thể thay đổi lượng Acid alpha-linolenic nhập vào. Sự thiếu tuân thủ này có thể dẫn đến sự sai sót trong kết quả.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Kristin Kirkpatrick, không phải lúc nào cũng có thể chỉ quan tâm một yếu tố dinh dưỡng duy nhất khi thực hiện nghiên cứu về dinh dưỡng. Vì vậy chúng ta cần phải đánh giá toàn diện nguồn thực phẩm sử dụng. Tuy vậy, cần khẳng định lợi ích của chế độ ăn giàu thực vật đối với sức khỏe và tính bền vững trong kết quả mà nó mang lại.

Do đó, bà khuyên những bệnh nhân của mình tăng cường sử dụng các loại thực phẩm toàn diện như quả óc chó, đậu nành, hạt lanh,...

Cuối cùng Tiến sĩ Kalea cho rằng, nghiên cứu này đã cho thấy mối liên hệ giữa chất béo từ thực vật (đại diện là Acid alpha-linolenic) với tỷ lệ tử vong chung. Từ đó nhấn mạnh tầm quan trọng và ủng hộ sử dụng các chế độ ăn lành mạnh, cân bằng, đa dạng và ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Chỉ sử dụng một hoặc một số nhóm thực phẩm khiến chúng ta bỏ qua nhiều nguồn dinh dưỡng cần thiết khác.

Nguồn tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/high-intake-of-fatty-acids-from-plants-may-lower-death-risk?fbclid=IwAR3CTRZy25LtPU2MdmsfG6uHr6PNcX0MbZdU2sJk5l4DuLNry2Kc1e4DXPM


Tác giả: QN