Các loại bức xạ làm tăng nguy cơ mắc ung thư máu

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Các loại bức xạ làm tăng nguy cơ mắc ung thư máu
Phơi nhiễm phóng xạ liều cao làm tăng nguy cơ mắc ung thư máu. Tiếp xúc với phóng xạ mức độ thấp, đặc biệt là từ khi nhỏ cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư máu.

Một số loại bức xạ được biết đến là yếu tố là tăng nguy cơ mắc ung thư máu. Có 2 loại bức xạ chính là:

- Bức xạ không ion hóa: Loại bức xạ này khá yếu, bao gồm loại phát ra từ điện thoại di động hoặc màn hình máy tính. Trong khi một số lo ngại đã được nêu ra, chẳng hạn như nguy cơ khối u não từ sóng điện thoại di động, thì rủi ro của bức xạ không ion hóa được coi là tương đối nhỏ.

- Bức xạ ion hóa: Ngược lại với bức xạ không ion hóa, bức xạ ion hóa có liên quan mật thiết với nguy cơ mắc ung thư máu. Loại bức xạ này có nhiều năng lượng hơn, đủ để phá vỡ các liên kết hóa học nhất định, loại bỏ các electron khỏi nguyên tử và làm hỏng DNA trong các tế bào.

Có 1 số loại bức xạ được cho là có liên quan đến bệnh ung thư máu, bao gồm:

1. Bức xạ bom nguyên tử

Thực tế cho thấy, những người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki - Nhật Bản có nguy cơ mắc ung thư máu cao hơn đáng kể.

2. Tai nạn hạt nhân

Những người sống sót sau thảm họa lò phản ứng hạt nhân Chernobyl năm 1986 có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu từ 2 - 5 năm sau cuộc khủng hoảng. Những người bị phơi nhiễm cao có nguy cơ mắc ung thư máu cao gấp 2 lần so với những người không phơi nhiễm.

3. Bức xạ trong y tế

- Bức xạ trong các xét nghiệm chẩn đoán

Bức xạ ion hóa được phát hiện là có khả năng gây ung thư chỉ vài năm sau khi tia X được phát hiện, đặt ra mối lo ngại về những nguy cơ phóng xạ trong y tế, đặc biệt là đối với trẻ em.

Các xét nghiệm y tế khác nhau sẽ dẫn đến nguy cơ khác nhau. Những bức xạ trong y tế cần lưu tâm thường là các xét nghiệm hình ảnh như quét CT, quét xương và quét PET. Chúng liên quan đến bức xạ nhiều hơn so với tia X thông thường. Quét MRI sử dụng nam châm và không liên quan đến phơi nhiễm phóng xạ.

- Xạ trị ung thư

Phương pháp xạ trị điều trị 1 căn bệnh ung thư trước đó có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư máu sau này. Nguy cơ cao nhất là từ 5 - 9 năm sau khi kết thúc xạ trị. Mức độ nguy cơ thay đổi theo vị trí bức xạ cũng như liều lượng sử dụng.

3.3. Liệu pháp iot phóng xạ

Iot phóng xạ thường được dùng trong điều trị bệnh cường giáp hoặc ung thư tuyến giáp, được cho là có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư máu. Theo thống kê, những bệnh nhân tiếp nhận liệu pháp iot phóng xạ có nguy cơ mắc ung thư máu cao hơn 80% so với những người không trải qua liệu pháp này.

4. Bức xạ không gian

Những chuyến bay trên không, đặc biệt là ở xa nơi phía Bắc địa cầu được cho là liên quan đến việc tiếp xúc với bức xạ vũ trụ, nhưng lượng bức xạ ion hóa này tương đối nhỏ và chưa được quan tâm nhiều. Tuy nhiên, nguy cơ mắc ung thư máu do ảnh hưởng từ các tia bức xạ không gian trong du hành vũ trụ là chủ đề rất được quan tâm bởi những người đang tìm kiếm du lịch đến những nơi như Sao Hỏa trong tương lai.

5. Vật liệu phóng xạ làm tăng nguy cơ mắc ung thư máu

Những công nhân khai thác Uranium có nguy cơ mắc ung thư máu tăng cao. Hiện nay, các nhà khoa học cũng quan tâm tới việc tiếp xúc với các chất phóng xạ trong sản phẩm thuốc lá. Chúng được tìm thấy ở trong đất, nơi nguyên liệu sản xuất thuốc lá được trồng ở đó.

6. Bức xạ Radon

Radon là một dạng bức xạ ion hóa thường gặp ở trong nhà. Radon là một loại khí không mùi, không màu, được tạo ra bởi sự phân hủy bình thường của uranium được tìm thấy trong đất và đá bên dưới nhà. Các nhà khoa học nhận định, Radon có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư máu dạng bạch cầu lympho bào mãn tính.

Cách duy nhất để biết nơi bạn sống có nguy cơ nhiễm Radon hay không là làm xét nghiệm Radon. Mặc dù mối liên quan giữa radon và bệnh ung thư máu là không chắc chắn, một số nhà nghiên cứu cho rằng Radon có thể dẫn đến bệnh ung thư máu theo cách tương tự như cách nó làm tăng nguy cơ ung thư phổi.

Nguồn dịch: https://www.verywellhealth.com/leukemia-causes-risk-factors-2252385


Tác giả: Mai Nhung