Các loại bệnh giao mùa thường gặp

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Các loại bệnh giao mùa thường gặp
Nhiệt độ và độ ẩm không khí có nhiều biến động là thời điểm lý tưởng để virus, vi khuẩn phát triển mạnh, gây ra các loại bệnh giao mùa. Dưới đây là một số loại bệnh giao mùa thường gặp và cách phòng tránh

Thời tiết nóng lạnh, nắng mưa thất thường, kết hợp với độ ẩm không khí thay đổi liên tục, khiến cơ thể trở nên nhạy cảm hơn với các loại vi khuẩn, virus gây bệnh. 

Những người có sức đề kháng không tốt với khả năng thích nghi với thời tiết thường là đối tượng tấn công đầu tiên của virus gây ra các loại bệnh giao mùa.


Các loại bệnh giao mùa thường gặp:

1. Cảm cúm

Cảm cúm là bệnh dễ xảy ra vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là khoảng thời gian chuyển giao từ hè sang thu. Lúc này, độ ẩm trong không khí có nhiều biến động, lúc ẩm, lúc hanh khô, là điều kiện lý tưởng để virus cảm cúm sinh sôi và phát triển mạnh. 

Ngoài ra, đây cũng là thời điểm cơ thể khó có thể thích ứng kịp với thời tiết, làm hệ miễn dịch bị yếu đi rõ ràng.

Ảnh 2.

Cảm cúm là bệnh giao mùa rất phổ biến (Ảnh: Internet)

Các triệu chứng thường gặp của loại bệnh giao mùa này là chảy nước mắt, nước mũi, ho, hắt hơi liên tục, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,... Tuy nhiên, các dấu hiệu này cũng có thể là của một số loại bệnh giao mùa khác như sốt siêu vi, viêm đường hô hấp trên,...

Biện pháp tốt nhất là bảo vệ sức khỏe trước các loại bệnh giao mùa này là là kết hợp nhiều biện pháp phòng bệnh. Trong thời điểm này, cần tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, tập luyện thể dục thể thao đều đặn, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng ở nhiều thời điểm trong ngày, đeo khẩu trang khi ra ngoài,...

2. Viêm phổi

Viêm phổi là loại bệnh giao mùa khá phổ biến, đặc biệt là trong thời điểm nhiệt độ và độ ẩm giảm thấp, thời tiết chuyển lạnh đột ngột. Trẻ em là đối tượng mắc viêm phổi trong thời điểm này rất cao.

Triệu chứng thường gặp ở bệnh viêm phổi là các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường hô hấp như ho khan, ho có đờm màu xanh, vàng hoặc trắng đục…, thậm chí là ho ra máu. Ngoài ra, người bị viêm phổi còn có các biểu hiện như thở khò khè, khó thở, tim đập nhanh, tức ngực, sốt,...

Ảnh 3.

Viêm phổi là loại bệnh giao mùa khá phổ biến (Ảnh: Internet)

Khi có các biểu hiện trên, đặc biệt là trong thời điểm thời tiết có nhiều biến động, cần tới ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Viêm phổi là loại bệnh giao mùa nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời thì rất dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm và dẫn đến tử vong. Khi phế nang bị tổn thương, dưỡng khí sẽ không thể đi vào máu, dẫn tới hiện tượng thiếu dưỡng khí ở nhiều vùng trên cơ thể, bao gồm cả hệ thần kinh.

3. Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ cũng là loại bệnh thường gặp lúc giao mùa. Bệnh do vi khuẩn, virus gây ra, chúng thường tranh thủ thời điểm cơ thể chưa kịp thích nghi để xâm nhập, tấn công.

Ảnh 4.

Đau mắt đỏ là bệnh do virus gây ra, người bệnh có khả năng lây nhiễm cho người khác (Ảnh: Internet)

Các triệu chứng thường gặp của bệnh đau mắt đỏ là cảm giác cộm, khó chịu vùng mắt, mắt đỏ ngầu, chảy nhiều nước mắt, sưng, nhức bên trong mắt… Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly tới khi bệnh khỏi hẳn để hạn chế lây lan.

4. Dị ứng

Dị ứng cũng là một bệnh giao mùa thường gặp, đặc biệt là ở những người có làn da nhạy cảm. Nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn kết hợp với độ ẩm không khí thấp là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh về da liễu như khô nẻ, bong tróc, dị ứng da, mẩn đỏ…

Các loại bệnh này thường gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, mất thẩm mĩ cho người bệnh. Để phòng bệnh, cần đảm bảo giữ cơ thể luôn sạch sẽ, sử dụng các loại kem dưỡng ẩm phù hợp, giữ ấm cơ thể,... Khi có các dấu hiệu dị ứng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.

5. Đau nhức xương khớp

Đây là một loại bệnh giao mùa phổ biến, đặc biệt thường gặp ở người cao tuổi. Thời tiết thay đổi có thể làm viêm, sưng tấy các khớp xương, dẫn tới đau nhức, đi lại khó khăn. Tại các vùng khớp bị viêm, có thể xuất hiện sưng to, nóng, đỏ, khó cử động,...và kéo dài nhiều giờ.

Ảnh 5.

Đau nhức xương khớp thường xảy ra vào thời điểm giao mùa (Ảnh: Internet)

Người bị đau nhức xương khớp cần nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, giữ ấm cho cơ thể, không nên tắm bằng nước lạnh.

6. Viêm xoang

Viêm xoang là bệnh giao mùa khá phổ biến ở nước ta. Đặc biệt, khi độ ẩm trong không khí thấp, tình trạng hanh khô kéo dài có thể khiến niêm mạc mũi bị bong, dẫn đến viêm mũi, sổ mũi, hắt hơi, đau nhức vùng xoang, đau, ngứa, rát họng.

Ảnh 6.

Tình trạng hanh khô kéo dài có thể khiến niêm mạc mũi bị bong, dẫn đến viêm mũi, sổ mũi (Ảnh: Internet)

Viêm xoang không phải là một bệnh lý quá nguy hiểm, nhưng có thể kéo dài dai dẳng và rất dễ tái phát. Nếu không điều trị dứt điểm, bệnh giao mùa này có thể gây ra nhiều phiền toái và đau đớn cho bệnh nhân. Khi được chẩn đoán viêm xoang, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý thêm bớt hoặc ngưng sử dụng khi các dấu hiệu bệnh giảm nhẹ.

7. Suy tim

Các bệnh lý về tim mạch, đặc biệt là suy tim rất dễ tái phát vào mùa thu. Khi cơ thể phải làm việc liên tục để thích nghi với thời tiết, hệ thống tim mạch rất dễ bị quá tải, dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Để bảo vệ sức khỏe trước các loại bệnh giao mùa trên, cần hướng đến một lối sống khoa học với một lịch sinh hoạt hợp lý, một chế độ ăn lành mạnh, không thiếu hay thừa chất và một thói quen tập luyện thể dục thể thao đều đặn, vừa sức.


Tác giả: Thảo Ngân