Các đối tượng đặc biệt cần lưu ý gì về chế độ ăn trong mùa COVID-19?

Các đối tượng đặc biệt cần lưu ý gì về chế độ ăn trong mùa COVID-19?
Các đối tượng đặc biệt theo Bộ Y Tế và Viện dinh dưỡng là nhóm người già, trẻ em và người mắc các bệnh mãn tính. Trong việc ngăn ngừa và phòng tránh COVID-19 thì chế độ ăn góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức đề kháng giúp phòng bệnh hiệu quả.

Tính đến 7h sáng ngày 18/3, Việt Nam đã ghi nhận 66 ca dương tính với virus COVID-19. Trong tình hình dịch bệnh phát triển phức tạp và có nhiều diễn biến mới như hiện tại, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ những khuyến cáo của Bộ Y tế thì Viện dinh dưỡng cũng đề nghị người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc dinh dưỡng khoa học góp phần tăng sức đề kháng và phòng chống dịch.

Theo như bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết, khi cơ thể được cung cấp đủ dưỡng chất, các cơ quan, trong đó có hệ miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động hiệu quả hơn để chống lại tác nhân gây bệnh. 

Chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng phòng bệnh cần tập trung vào cung cấp đủ năng lượng, chất đạm, chất bột đường; kiểm soát chất béo; tăng cường vitamin A, E, D, C; kẽm, selen, sắt và probiotic. Để có thể nâng cao sức đề kháng nhất thiết thì phải phối hợp đồng bộ các dinh dưỡng với ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, cần hạn chế bia rượu, vận động thể lực tập luyện hàng ngày, ngủ đủ giấc và tiêm phòng.

1. Chế độ ăn uống của các đối tượng đặc biệt cần đảm bảo gì?

Trong khuyến nghị của mình, Viện dinh dưỡng đã lưu ý chế độ ăn uống của các đối tượng đặc biệt bao gồm người cao tuổi, trẻ em và người đang mắc các bệnh mãn tính như sau:

- Đối với người cao tuổi:

+ Chế độ ăn cần bổ sung đầy đủ những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng chẳng hạn như thịt bò, thịt gà, trứng,... Người chăm sóc cần lưu ý tới khẩu vị cũng như sở thích của người cao tuổi để đáp ứng đủ số lượng dinh dưỡng cần thiết.

+ Trong trường hợp không ăn đủ thì có thể bổ sung các loại sữa dinh dưỡng, từ 1 - 2 cốc/ngày.

- Đối với trẻ em:

+ Trẻ dưới 6 tháng tuổi: cho bú 100% sữa mẹ để phòng chống lây nhiễm tốt nhất

Sau đó cần cho trẻ tiếp tục bú mẹ tới khi đủ 24 tháng tuổi, lúc này mẹ nên cho trẻ có chế độ ăn bổ sung đủ chất dinh dưỡng và hợp lý theo thể chất của trẻ.

+ Trẻ đang tuổi mẫu giáo, trẻ học sinh: có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, điều độ. Nếu trẻ bị biếng ăn thì nên bổ sung những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Cho trẻ ăn nhiều rau xanh, uống nước thường xuyên, ăn các loại quả chính; đồng thời giữ ấm họng cho trẻ để ngăn ngừa sự xâm nhập của virus và vi khuẩn.

- Đối với những người đang bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, Parkinson:

+ Cần uống thuốc đúng giờ, đúng liều theo chỉ định của bác sĩ

+ Tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng và có kế hoạch bổ sung dinh dưỡng phù hợp theo thể chất, bệnh lý của người bệnh.

2. Một số nhóm đối tượng khác

Người đang mắc bệnh ung thư

GS.TS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K cho biết, trong một nghiên cứu mới đây được các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện và công bố trên tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới The Lancet Oncology tháng 3/2020 cho thấy:

- Người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm Covid-19 (SARS-CoV-2) cao hơn so với người không ung thư.

- Người bệnh ung thư đang hoặc vừa được điều trị phẫu thuật hay hóa chất, khi nhiễm Covid-19 có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng (cần điều trị ICU – Hồi sức tích cực hoặc tử vong) cao hơn so với người không ung thư.

Các thuốc điều trị ung thư, đặc biệt là các thuốc sử dụng trong hóa trị có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch nên nếu người bệnh bị sốt khi điều trị nhưng không có yếu tố dịch tễ hay tiếp xúc gần với người nghi nhiễm Covid-19 thì không có gì phải lo lắng. Nếu biểu hiện bất thường, người bệnh hãy liên lạc với bác sĩ điều trị và tuân thủ các hướng dẫn.

GS. Thuấn khuyến cáo, nguyên tắc và các phương pháp dự phòng Covid-19 không có gì khác biệt so với người bình thường, nhưng người bệnh ung thư cần lưu ý, thận trọng thực hiện chúng một cách triệt để và nghiêm ngặt hơn.

Phụ nữ mang thai

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Mỹ, việc cơ thể phải trải qua những thay đổi trong quá trình mang thai có thể khiến người phụ nữ gia tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Hướng dẫn của WHO lưu ý, "chưa có chứng cứ về việc phụ nữ mang thai có dấu hiệu hoặc triệu chứng hay có nguy cơ bị bệnh cao hơn. Cho tới nay, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy lây nhiễm từ mẹ sang con ở giai đoạn thứ ba [của thai kỳ]".

Tuy nhiên, hướng dẫn cũng kêu gọi các bà mẹ đang mang thai từng có liên hệ với người nhiễm bệnh, cần phải được giám sát chặt chẽ. 

Theo CẨM NANG HỎI ĐÁP VỀ COVID-19 CỦA BỘ Y TẾ thì: "Người dân ở mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc chủng mới của vi rút Corona. Tuy nhiên, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính (như hen phế quản, tiểu đường, bệnh tim mạch,…) sẽ dễ bị mắc và bệnh thường nặng hơn.

Trong buổi họp báo hôm thứ hai (16/3), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Đây là một bệnh nghiêm trọng. Mặc dù các chứng cứ chúng tôi có được cho thấy những người trên 60 tuổi phải đối mặt với nguy cơ cao hơn, nhưng người trẻ, bao gồm cả trẻ em cũng đã tử vong".

Bài viết có tham khảo các tư liệu từ Viện Dinh dưỡng và Trang thông tin điện tử Bộ Y tế.

Cập nhật nhanh những khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế TẠI ĐÂY.

Các đối tượng đặc biệt cần lưu ý gì về chế độ ăn trong mùa COVID-19? - Ảnh 5.


Tác giả: Kim Phụng