Các dấu hiệu của bệnh sởi theo từng giai đoạn như thế nào?

Các dấu hiệu của bệnh sởi theo từng giai đoạn như thế nào?
Việc hiểu rõ dấu hiệu của bệnh sởi theo từng giai đoạn có thể giúp bệnh nhân chủ động trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

Bệnh sởi là một loại bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan. Nó có thể được phát hiện sớm nhờ các triệu chứng bên ngoài da rất rõ rệt và điển hình. Việc hiểu rõ những dấu hiệu của bệnh sởi theo từng giai đoạn sẽ giúp bệnh nhân chủ động trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Dấu hiệu của bệnh sởi theo từng giai đoạn

Các giai đoạn của bệnh sởi có thể được kể đến bao gồm giai đoạn ủ bệnh với các biểu hiện lâm sàng rất khó phát hiện ra, giai đoạn tiền triệu với dấu hiệu bên trong cơ thể hay còn gọi là hạt Koplik, giai đoạn cuối xuất hiện phát ban và sốt cao.

1. Giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn này thường kéo dài từ 10 đến 12 ngày, tính từ sau khi cơ thể bị nhiễm virus đến khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của giai đoạn tiền triệu. Thông thường bệnh nhân ở giai đoạn này không biểu hiện triệu chứng gì, nhưng đôi khi có một số trường hợp có thể sốt nhẹ, mắt hơi đỏ. Trẻ em sẽ biểu hiện rõ ràng hơn người lớn và có thể sốt cao hơn.

Đốm Koplik ở bệnh nhân mắc bệnh sởi (Ảnh: Internet)

Đốm Koplik ở bệnh nhân mắc bệnh sởi (Ảnh: Internet)

2. Giai đoạn tiền triệu

Giai đoạn này thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Ở thời điểm này, người bệnh sẽ có một số triệu chứng ban đầu đặc trưng như sốt nhẹ hoặc vừa, ho khan, chảy nước mũi hay viêm kết mạc mắt. Sau đó những đốm Koplik xuất hiện dần phía trong niêm mạc miệng. Đốm Koplik là một dấu hiệu điển hình giúp xác định chính xác bệnh sởi, có kích cỡ chỉ nhỏ bằng hạt cát, màu trắng ngà, xung quanh có viền đỏ. Chúng thường xuất hiện và biến mất rất nhanh trong vòng từ 12 đến 24 giờ.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị viêm đỏ ở kết mạc mắt và có dấu hiệu sợ ánh sáng. Ho khan, ho không có đờm cũng là một trong những dấu hiệu của bệnh sởi ở giai đoạn tiền triệu này. Đôi khi bệnh nhân có thể có những triệu chứng nặng nề như sốt cao, co giật hoặc thậm chí là viêm phổi.

3. Giai đoạn phát ban

Đây là giai đoạn cuối, cũng là giai đoạn điển hình nhất của bệnh sởi với các triệu chứng phát ban, nổi sần đỏ trên da. Ban đầu, các nốt đỏ thường xuất hiện ở vùng chân tóc phía sau tai, sau đó di chuyển xuống mặt và lan dần tới toàn thân chỉ trong vòng 24 đến 48 giờ.

Khác với các bệnh khác, nốt ban sởi có dạng dát - sẩn hơi nổi lên trên bề mặt da. Dùng tay sờ sẽ thấy mịn và không đau đớn, không hoặc ít khi ngứa, không có mủ. Nếu bệnh ở thể nhẹ, các nốt ban sẽ mọc riêng rẽ và gần nhau. Nếu ở thể nặng, chúng có thể hợp với nhau thành những nốt ban lớn hơn và thậm chí có từng mảng xuất huyết (sởi đen).

Các nốt phát ban ở bệnh nhân sởi thường riêng rẽ và không có mủ (Ảnh: Internet)

Các nốt phát ban ở bệnh nhân sởi thường riêng rẽ và không có mủ (Ảnh: Internet)

Khi nốt ban lan đến chân thì các cơn sốt cũng giảm dần nếu không có biến chứng. Sau đó các vết ban sẽ nhạt dần và biến mất theo thứ tự xuất hiện. Sau khi ban mất đi sẽ để lại trên da những dấu màu sậm lốm đốm.

Những đối tượng nào dễ mắc bệnh sởi?

Trên thực tế, tất cả mọi người chưa có miễn dịch với bệnh sởi đều có khả năng mắc bệnh. Đặc biệt là trẻ em vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn non yếu. Cụ thể hơn, dưới đây là những đối tượng dễmắc bệnh hơn cả:

- Những người không được tiêm chủng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn cả.

- Những người thường xuyên đi du lịch, đặc biệt là đi đến những khu vực có điều kiện thuận lợi cho virus sởi phát triển.

- Những người bị thiếu hụt vitamin A. Thêm vào đó, khi bị thiếu vitamin A, các dấu hiệu bệnh sởi cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và dễ dàng tạo tiền đề cho những biến chứng của bệnh sởi xuất hiện.


Tác giả: Anh Dũng