U thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

U thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Tình trạng khàn tiếng, mất tiếng là một triệu chứng phổ biến thường gặp ở mọi lứa tuổi. Nhiều người thường bỏ qua dấu hiệu này mà không hề biết rằng đó có thể là biểu hiện của một trong những loại bệnh u thanh quản thường gặp.

1. Các dạng polyp, hạch và u nang

Polyp, hạch, và u nang là 3 dạng tăng trưởng phổ biến nhất ở thanh quản:

- Polyp nếp gấp thanh quản: dấu hiệu đặc trưng là chỉ xảy ra trên một nếp gấp thanh quản.

- Hạch nếp gấp thanh quản: cả hai nếp gấp thanh quản xuất hiện hạch dày lên trên

- U nang nếp gấp thanh quản : xuất hiện khối u dạng túi chứa chất lỏng ở phía dưới bề mặt của nếp gấp thanh quản.

2. Nguyên nhân bệnh u thanh quản

Một số thói quen sinh hoạt có thể khiến bạn mắc phải các dạng bệnh u thanh quản như:

2.1. La hét và nói quá nhiều

Những chấn thương lặp đi lặp lại lên thanh quản gây ra tình trạng polyp và hạch nếp gấp thanh quản có thể do thói quen liên tục nói nhiều, nói lớn hoặc gào thét trong thời gian dài. Lời khuyên của các chuyên gia đó là không nên nói quá nhiều, nói với mức độ vừa phải, độ lớn đủ nghe.

Ảnh 1.

La hét và nói nhiều là nguyên nhân gây ra chứng bệnh u thanh quản. Ảnh: Internet

2.2. Uống quá nhiều rượu và hút thuốc lá 

Thường xuyên sử dụng các chất kích thích độc hại như khói thuốc lá, lạm dụng rượu bia hoặc tình trạng trào ngược axit dạ dày lên thanh quản (laryngopharyngeal reflux) cũng góp phần vào việc hình thành nên polyp và hạch nếp gấp thanh quản. 

Lạm dụng thuốc lá và rượu bia là nguyên nhân chính gây nên các khối u trên nếp gấp thanh quản. Chúng có thể là tác nhân gây ra những vấn đề về giọng nói.

2.3. Lười uống nước

Nước giúp bôi trơn thanh quản và hạn chế những tổn thương do ma sát gây ra. Do đó, những người có thói quen lười uống nước sẽ khiến cổ họng bị khô rát, lâu dần sẽ có cảm giác đau rát và ảnh hưởng đến thanh quản. Ngoài ra, do tính chất công việc nhiều dân văn phòng thường xuyên ngồi trong phòng máy lạnh, đây được xem là tác nhân khiến cơ thể bạn bị thiếu nước.

Do đó, mỗi ngày hãy chăm chỉ uống nước từ 1.5 -2 lít mỗi ngày. Nếu phải làm những công việc nặng nhọc dưới thời tiết nóng bức thì bạn cần bổ sung nhiều hơn so với mức bình thường này nhé.

3. Triệu chứng bệnh u thanh quản

Một số dấu hiệu thường gặp ở bệnh u thanh quản đó là khàn tiếng, mất tiếng, bị hụt hơi và nói không ra hơi. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi khi nói hoặc hát và không thể hát được nốt cao như trước. Ngoài ra, thường xuyên đằng hắng họng là một trong những dấu hiệu thường gặp ở bệnh u thanh quản.

Ảnh 2.

Khàn giọng, hụt hơi là những dấu hiệu thường gặp của bệnh u thanh quản. Ảnh: Internet

4. Chẩn đoán bệnh u thanh quản

Việc chẩn đoán được các bác sĩ thực hiện bằng cách kiểm tra thể chất và xem xét lịch sử bệnh lý của bệnh nhân về các vấn đề về giọng nói. Nhân viên y tế có thể đưa ống nội soi thông qua đường mũi xuống dưới thanh quản để kiểm tra cục bộ.

Trong trường hợp cần phải kiểm tra kỹ lưỡng hơn, các chuyên gia sẽ có thể sử dụng phương pháp soi video hoạt nghiệm thanh quản. Phương pháp này sử dụng một ống kính cứng có gắn thiết bị chiếu sáng hoạt nghiệm thông qua đường miệng (bệnh nhân sẽ được gây tê cổ họng trước đó) để kiểm tra tình trạng thanh quản.

Ngoài ra, các tình trạng bệnh lý khác có khả năng ảnh hưởng đến giọng nói như viêm mũi dị ứng (nhạy cảm mũi), viêm xoang hay tình trạng trào ngược axit từ dạ dày lên thanh quản có thể cần phải được kiểm tra riêng lẻ.

5. Điều trị bệnh u thanh quản

Quá trình điều trị trước tiên sẽ xác định và xử lý triệt để các nguyên nhân làm cho tình trạng bệnh nặng thêm (ví dụ như viêm mũi dị ứng, viêm xoang hoặc trào ngược acid dạ dày lên thanh quản). Sau đó bệnh nhân cần phải dưỡng giọng và trong một số trường hợp, các chuyên gia sẽ áp dụng âm ngữ trị liệu để phục hồi giọng nói cho bệnh nhân.

Các khối u lành tính ở thanh quản có thể được chữa trị bằng phương pháp quản lý thụ động. Trong trường hợp khối u tiếp tục phát triển hoặc có nghi ngờ về bản chất của nó, các bác sĩ có thể áp dụng phương pháp vi phẫu thanh quản để loại bỏ nó.

Vi phẫu thanh quản sử dụng các dụng cụ và kỹ thuật vi phẫu, và đôi khi, tia laser để tiến hành phẫu thuật ở nếp gấp thanh quản. Nếu tổn thương thuộc dạng ung thư, cần được tiếp tục điều trị. Phẫu thuật này có thể được sử dụng để hồi phục giọng nói hoặc lấy mẫu tế bào bằng thủ thuật sinh thiết để phân tích cụ thể hơn. Nếu khối u thanh quản là dạng ung thư, bệnh nhân cần được tiếp tục điều trị chuyên sâu hơn



Tác giả: Huyền Trang