Các cấp độ của bệnh loãng xương

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Các cấp độ của bệnh loãng xương
Ngày nay thì số người mắc bệnh loãng xương ngày càng tăng trong cộng đồng tương đương với tần suất mắc bệnh tim mạch và ung thư.

1. Bệnh loãng xương đang ngày càng phổ biến

Bệnh loãng xương đang là vấn đề xã hội được mọi quốc gia quan tâm. Bởi ngày nay thì số người mắc bệnh loãng xương ngày càng tăng trong cộng đồng tương đương với tần suất mắc bệnh tim mạch và ung thư.

- Loãng xương diễn biến thầm lặng nhưng lại gây ra hậu quả nặng nề 

Căn bệnh này diễn biến thầm lặng nhưng lại gây ra hậu quả nặng nề đối với người bệnh: gãy xương, tàn phế, giảm tuổi thọ, mất khả năng lao động…

Ở nước ta khoảng 20% phụ nữ Việt Nam trên 60 tuổi có triệu chứng loãng xương - từ đó cho thấy, hậu quả của bệnh loãng xương là khá nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, kinh tế - xã hội của toàn cộng đồng.

- Định nghĩa về bệnh loãng xương

Loãng xương chính là một tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương từ đó sẽ làm giảm sức mạnh của xương dẫn đến làm tăng nguy cơ gãy xương. Sức mạnh của xương được phản ánh thông qua hai yếu tố: khối lượng xương và chất lượng xương.

Chỉ cần đo mật độ xương sẽ cho ta biết lượng chất khoáng trong 1 đơn vị diện tích hoặc thể tích của xương và phát hiện ra căn bệnh này sớm nhất. Còn muốn đánh gia được chất lượng thì sẽ qua các thông số: cấu trúc của xương, tốc độ chuyển hóa của xương, độ khoáng hóa, mức độ tổn thương tích lũy, tính chất của các chất cơ bản của xương.

2. Phân loại cấp độ của bệnh loãng xương

Loãng xương nguyên phát

Loãng xương nguyên phát chính là loại loãng xương không tìm thấy căn nguyên nào khác ngoài tuổi tác và hoặc tình trạng mãn kinh ở phụ nữ. Cơ chế của bệnh loãng xương nguyên phát là do quá trình lão hóa của tạo cốt bào gây nên tình trạng mất cân bằng giữa hủy xương và tạo xương, kết quả là thiểu sản xương.

- Loãng xương nguyên phát bao gồm 2 loại:

Loãng xương sau mãn kinh: chính là do giảm nội tiết tố oestrogen, ngoài ra còn có sự giảm tiết hormon tuyến cận giáp trạng, tăng thải calci niệu.

Những phụ nữ trong độ tuổi 50 – 55, đã mãn kinh thường mắc phải. Trong đo tổn thương chủ yếu là mất chất khoáng ở xương xốp, biểu hiện là sự lún của các đốt sống hoặc gãy xương.

Loãng xương do tuổi già: Chính là liên quan tới tuổi và tình trạng mất cân bằng tạo xương - loại này thì đều xuất hiện ở cả nam và nữ, độ tuổi khoảng trên 70.

Đặc điểm của loại loãng xương ở tuổi già này là mất chất khoáng toàn thể cả ở xương xốp (xương bó) và xương đặc (xương vỏ). Thường là bệnh nhân hay bị gãy cổ xương đùi.

Loãng xương thứ phát

Loãng xương thứ phát là loại loãng xương tìm thấy được nguyên nhân liên quan đến một số bệnh mạn tính, liên quan đến sử dụng một số loại thuốc....

- Nguyên nhân gây loãng xương thứ phát:

Do nội tiết: Những bệnh như cường giáp, đái tháo đường, bệnh to đầu chi...

Bệnh tiêu hóa: Xảy ra với những người cắt dạ dày, thiếu dinh dưỡng, bệnh gan mạn tính.Bệnh khớp: Viêm khớp dạng thấp, bệnh lý cột sống...

Bệnh ung thư: Kahler...

Bệnh di truyền: bệnh nhiễm sắc tố sắt...

Những trường hợp sử dụng corticoid, heparin, dùng lợi tiểu kéo dài…

3. Phụ nữ có nguy cơ mắc loãng xương nhiều hơn nam giới

Tổ chức Y tế Thế giới đã khảo sát thì cứ 2 phụ nữ trên 85 tuổi sẽ có 1 người bị gãy xương và tương tự cứ 3 nam giới ở cùng độ tuổi có 1 người bị gãy xương - nguyên nhân là do:

Cấu trúc xương của phụ nữ nhỏ và mỏng hơn nam giớinên khi mất cùng một lượng xương thì mật độ xương của nữ giới sẽ giảm mạnh hơn từ đó làm tăng nguy cơ loãng xương.

Và cơ ở nam giới có nhiều hơn, trong khi đó cơ đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa xương.

Bên cạnh đó phụ nữ còn hay mắc các bệnh về tuyến giáp: Khi đó sẽ thường gây ra sự mất cân bằng hormon, làm giảm khả năng hấp thụ cũng như tái hấp thụ canxi của cơ thể. Không chỉ vậy, các bệnh về tuyến giáp cũng làm giảm lượng vitamin D trong cơ thể. Chính do 2 yếu tố này kết hợp làm nguy cơ loãng xương tăng vọt.

Thay đổi nội tiết trong các giai đoạn khác nhau ở phụ nữ (khi mang thai, nuôi con bú, tiền mãn kinh, mãn kinh...) cũng là một nguyên nhân gây loãng xương sớm. Do đó, phụ nữ càng sinh nở nhiều lần, lượng canxi trong xương mất đi càng nhiều, nguy cơ loãng xương càng cao.

Đa phần phụ nữ vận động ít hơn: Thực tế thì nam giới thường vận động thể lực nhiều hơn nữ giới - mà sự vận động này lại giúp bộ xương phát triển tốt hơn và chắc khỏe hơn.


Tác giả: Thanh Lê Thanh