Các bước vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ đúng cách để nhanh khỏi bệnh và phòng ngừa biến chứng

Các bước vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ đúng cách để nhanh khỏi bệnh và phòng ngừa biến chứng
Đối với người bị đau mắt đỏ, ngoài việc chú ý tới ăn uống và nghỉ ngơi thì việc vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ đúng cách sẽ góp phần giúp bệnh nhanh khỏi hơn và tránh khỏi nguy cơ bị biến chứng do vệ sinh sai cách.

Nếu không điều trị, đau mắt đỏ có thể lan rộng và biến chứng gây tổn thương đến mắt. Điều quan trọng là bạn cần được chẩn đoán và chỉ định điều trị từ bác sĩ mắt. Ngoài ra, tuân thủ các bước vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ cũng giúp bệnh nhanh chóng cải thiện.

1. Các bước vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ đúng chuẩn

Khi bị các nhiễm trùng về mắt như đau mắt đỏ, chất nhầy (hay còn gọi là ghèn) có thể tiết nhiều và đóng trên khóe mắt, nhất là khi bạn vừa thức dậy vào buổi sáng. Ghèn thường có màu vàng nhạt hoặc trắng đục ở những người mới bị đau mắt đỏ, nhiều trường hợp ghèn còn khiến 2 mí mắt người bị đau mắt đỏ dính vào nhau.

Các bước vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ đúng chuẩn nhất - Ảnh 1.

Tuân thủ các bước vệ sinh khi bị đau mắt đỏ cũng giúp bệnh nhanh chóng cải thiện - Ảnh: Maplegroveeye

1.1. Vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ ở người lớn

Thay vì dụi hoặc gỡ ghèn đóng dính trên mí mắt, bạn cần có các bước vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ đúng cách; giúp loại bỏ ghèn, bụi bẩn và giúp mắt dễ chịu hơn.

Dưới đây là hướng dẫn các bước vệ sinh mắt đúng cách mà bạn nên tham khảo:

- Nhẹ nhàng phủi nhẹ phần ghèn khô trên mí mắt, chú ý thao tác nhẹ nhàng, không dụi mạnh khiến mắt bị tổn thương nặng hơn. Tốt nhất, nên nhờ sự trợ giúp từ người thân.

- Tiếp theo, dùng một chiếc khăn đã nhúng vào nước ấm để đắp lên mắt trong khoảng 5 -10 phút.

- Nếu thấy các mảng chất nhầy, ghèn đã mềm ra. Nhúng khăn vào nước ấm 1 lần nữa và đắp lên mắt thêm vài phút.

- Bước tiếp theo, dùng tăm bông y tế hoặc bông gòn đã thấm nước ấm, nhẹ nhàng lau đi phần ghèn trên mí mắt từ góc trong ra ngoài. Lưu ý nước ấm phải là nước sạch, dụng cụ chứa nước phải đảm bảo vệ sinh.

- Lặp lại các bước vệ sinh ghèn trên mí mắt đến khi mắt thật sự sạch là được.

Các bước vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ đúng chuẩn nhất - Ảnh 2.

Vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ ở người lớn cần nhẹ nhàng phủi phần ghèn khô trên mí mắt - Ảnh: Medicalnewstoday

Nếu bạn bị chảy dịch tiết ở mắt nhiều, tốt nhất nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất tình trạng. Tuy nhiên, trước đó bạn cũng phải đảm bảo vệ sinh đôi mắt, tránh nhiễm trùng nặng hơn. Thực hiện vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ cần lưu ý:

- Đảm bảo rửa tay thật sạch trước khi lau mỗi bên mắt. Nếu nhờ người thân, đảm bảo người đó thực hiện vệ sinh tay thật sạch trước và sau khi vệ sinh mắt cho người bệnh.

- Bất kỳ dịch tiết nào ở mắt cũng nên được làm sạch nhẹ nhàng khỏi vùng mắt - sử dụng một miếng bông gòn thấm nước riêng cho mỗi mắt và luôn lau từ khóe mắt (gần mũi nhất) ra ngoài để tránh lây nhiễm sang mắt còn lại.

- Không dùng chung máy rửa mặt, khăn tắm hoặc đồ trang điểm với bất kỳ ai khác vì bạn có thể lây bệnh đau mắt đỏ cho họ.

- Nếu bạn đeo kính áp tròng, hãy tháo chúng ra và đeo kính thường cho đến khi các triệu chứng của bạn biến mất.

- Đảm bảo khăn tắm, máy rửa mặt, khăn trải giường được giặt thường xuyên và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

1.2. Vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ ở trẻ em

Trẻ em thường có đôi mắt nhạy cảm hơn người lớn, vì vậy khi thấy trẻ có dấu hiệu đau mắt đỏ, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà; hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ để được điều trị, nhất là đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh. Việc điều trị và vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ ở trẻ em vô cùng quan trọng, bởi nó ảnh hưởng đến sức khỏe và thị lực về sau của trẻ.

Các bước vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ đúng chuẩn nhất - Ảnh 3.

Khi nhà có trẻ em bị đau mắt đỏ, bạn có thể dùng nước muối sinh lý (dung dịch nước muối 0,9% chuẩn y tế) để nhỏ mắt cho bé - Ảnh: Parenting.firstcry

Khi nhà có trẻ em bị đau mắt đỏ, bạn có thể dùng nước muối sinh lý (dung dịch nước muối 0,9% chuẩn y tế) để nhỏ mắt cho bé; có thể nhỏ nhiều lần mỗi ngày. Khi chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ, người thân cũng nên nhỏ nước muối để làm sạch mắt, phòng ngừa bệnh lây lan.

Ngoài ra, cha mẹ có thể thực hiện vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ cho trẻ theo các bước dưới đây:

- Đầu tiên, thực hiện rửa tay sạch với xà phòng trước khi thực hiện vệ sinh mắt cho bé.

- Chuẩn bị 2 miếng gạc vô trùng hoặc bông gòn y tế để sử dụng cho 2 bên mắt và dung dịch nước muối sinh lý

- Dùng gạc đã thấm nước muối sinh lý nhẹ nhàng lau mắt cho trẻ theo hướng từ đầu đến đuôi mắt. Thao tác thực hiện nhẹ nhàng, dứt khoát; tránh tình trạng chà sát nhiều gây tổn thương thêm cho mắt của trẻ.

- Thực hiện vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ cho trẻ nhỏ 3 lần mỗi ngày, tốt nhất là lúc bé vừa ngủ dậy. Sau cùng, lau toàn thể mặt bằng khăn ấm (cũng là khăn sạch vô khuẩn).

Lưu ý rằng, nước muối dùng cho mỗi thành viên gia đình là riêng biệt. Khăn mặt và đồ dùng của trẻ bị đau mắt đỏ cần được sử dụng riêng và vệ sinh kỹ sau mỗi lần sử dụng.

2. Lưu ý khi vệ sinh mắt cho người bị đau mắt đỏ

Người bị đau mắt đỏ có thể sẽ muốn dụi mắt vào buổi sáng để loại bỏ ghèn đóng trên khóe mắt nhưng điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Dịch ở mắt tiết khi bị đau mắt đỏ là hoàn toàn bình thường, không nên quá lo lắng khi thấy ghèn đóng nhiều ở mí mắt. Vì vậy, nên nhẹ nhàng rửa mặt với nước ấm hoặc nước muối sinh lý như các bước hướng dẫn vệ sinh khi bị đau mắt đỏ ở trên.

Giữ tay sạch sẽ, không nên trang điểm, đeo kính áp tròng, dụi mắt khi bị đau mắt đỏ. Nếu bạn lo lắng về dịch tiết từ mắt, ngay cả vào buổi sáng, hãy nhúng khăn sạch vào nước ấm, sau đó lau vùng quanh mắt, mí mắt và lông mi. Điều này giúp loại bỏ cặn bã ở mắt và giúp bạn cảm thấy thư giãn.

Các bước vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ đúng chuẩn nhất - Ảnh 4.

Giữ tay sạch sẽ, không nên trang điểm, đeo kính áp tròng, dụi mắt khi bị đau mắt đỏ - Ảnh: Spokesman-recorde

Một lượng nhỏ dịch tiết ra ở mắt, đặc biệt là khi bạn thức dậy là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu ghèn tiết ra từ mắt bạn thay đổi màu sắc, số lượng, độ đặc hoặc tần suất; bạn có thể trao đổi ngay với bác sĩ để được tư vấn cụ thể hoặc sau 2 ngày không thấy tình trạng tiết dịch khả quan hơn.

Nếu chảy dịch mắt kèm theo đau, đỏ, viêm, thay đổi cấu trúc da quanh mắt, khó nhìn rõ hoặc có máu, hãy đến gặp chuyên gia y tế ngay lập tức. Lúc này, vấn đề vệ sinh mắt sẽ được chuyên gia y tế thực hiện, đồng thời kèm theo chỉ định thuốc cho mỗi trường hợp khác nhau.

Nguồn dịch tham khảo:

1. https://health.clevelandclinic.org/why-your-eyes-are-crusty-in-the-morning/

2. https://www.nvisioncenters.com/conditions/eye-discharge/

3. https://www.healthdirect.gov.au/eye-discharge


Tác giả: Tiểu Quyên