Yoga có rất nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể con người. Tuy nhiên nó cũng có thể gây nhiều chấn thương nếu bạn tập sai tư thế hay chọn tư thế quá khó. Vậy những bộ phận cơ thể nào dễ bị chấn thương trong yoga và làm sao để tránh những chấn thương này?
Dưới đây là một số bộ phận dễ gặp chấn thương trong quá trình luyện tập Yoga:
- Xương sườn rất dễ bị căng và chấn thương khi bạn thực hiện các động tác vặn xoắn người. Nếu thực hiện không đúng cách, chúng còn có thể gây bầm tím ở các cơ liên sườn nằm ở giữa xương sườn.
- Khuỷu tay cũng rất dễ gặp các chấn thương như căng khớp khuỷu tay. Điều này là do việc thực hiện tư thế chống đẩy không đúng hoặc không khởi động trước khi tập yoga.
- Cổ tay có nguy cơ bị thương khi người tập thực hiện các tư thế trồng cây chuối bằng cổ tay. Tập sai động tác hoặc quá sức có thể ảnh hưởng tới cả xương và khớp cổ tay.
- Lưng dưới cũng là nơi thường bị chấn thương trong yoga. Người tập có thể gặp những chấn thương tại vùng này khi thực hiện những tư thế tạo áp lực lên cột sống.
- Vai cũng là bộ phận có thể gặp tổn thương nghiêm trọng nếu luyện tập không đúng cách. Chấn thương vai thường xảy ra khi nâng cao vai trong một số tư thế yoga nhất định khiến cơ vai bị tổn thương do bị kéo căng quá nhiều.
- Đầu gối có thể gặp chấn thương do tập tư thế hoa sen không đúng cách hoặc quá sức.
- Kéo gân khoeo quá mức có thể là nguyên nhân dẫn đến các chấn thương ở vùng gân khoeo.
- Hông rất dễ bị căng quá mức khi tập 1 số động tác khiến rách cơ đùi trong và háng.
- Cổ cũng dễ bị tăng áp lực do đặt cổ không chính xác. Điều này sẽ dấn đến chấn thương khớp cổ, gãy xương và cổ cũng không còn linh hoạt.
Các chấn thương trong yoga có thể khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì vậy, người tập cần bảo vệ mình, phòng ngừa các chấn thương có thể xảy ra bằng cách tuân thủ nghiêm túc những điều sau:
- Không nên tự tập các tư thế khó tại nhà mà cần có sự trợ giúp của huấn luyện viên. Một người hướng dẫn thực sự có nhiều kinh nghiệm và không ép bạn phải tập những tư thế quá sức. Đặc biệt, huấn luyện viên cũng sẽ kiên nhẫn chỉnh sửa các động tác sai, nhất là ở những người mới bắt đầu tập yoga.
- Không bỏ qua phần khởi động trước khi tập. Các bài tập khởi động sẽ làm nóng cơ thể, giúp cơ thể sẵn sàng cho các động tác khó hơn. Nếu không khởi động trước khi tập yoga, nguy cơ gặp chấn thương sẽ cao hơn rất nhiều.
- Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ quá trình tập yoga. Các dụng cụ này sẽ giúp cơ thể ít chịu áp lực hơn. Ngoài ra, chúng còn có thể giúp người tập hình dung tư thế đúng.
- Lựa chọn trang phục gọn gàng, phù hợp để có thể tập luyện được thoải mái, tránh những chấn thương không đáng có. Có thể sử dụng thêm băng bảo vệ đầu gối nếu đã từng gặp chấn thương.
- Không nên tập những tư thế quá khó khi chưa thực sự quen với các động tác cơ bản. Nếu muốn tập các động tác đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, hãy nhờ huấn luyện viên giúp làm quen từ từ, không nên quá ép cơ thể tập quá sức.
- Hầu hết các chấn thương đều là do thực hiện không đúng tư thế. Do vậy, hãy quan sát thật kỹ trước khi tập luyện bất kỳ tư thế nào.
- Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia trước về tình hình sức khỏe của mình trước khi bắt đầu luyện tập. Việc nắm bắt tình trạng sức khỏe sẽ giúp huấn luyện viên lựa chọn những bài tập thực sự với cơ thể, tránh những chấn thương không đáng có xảy ra.