Các biện pháp giúp giảm triệu chứng viêm kết mạc dị ứng

Các biện pháp giúp giảm triệu chứng viêm kết mạc dị ứng
Viêm kết mạc dị ứng thường gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để làm giảm triệu chứng viêm kết mạc dị ứng, có thể sử dụng thuốc kết hợp cùng các biện pháp hỗ trợ tại nhà.

Viêm kết mạc (đau mắt đỏ) là bệnh lý về mắt phổ biến. Nguyên nhân gây viêm kết mạc có thể do vi khuẩn, virus hoặc các chất gây dị ứng.

Nói về tình trạng viêm kết mạc do dị ứng, đây là tình trạng viêm mắt do phản ứng dị ứng với các chất như phấn hoa hoặc bào tử nấm mốc. Bên trong mí mắt và nhãn cầu của bạn có một màng gọi là kết mạc. Kết mạc dễ bị kích thích bởi các chất gây dị ứng, đặc biệt là trong mùa Xuân, khi lượng phấn hoa, cỏ, nấm mốc tăng cao.

1. Triệu chứng nhận biết viêm kết mạc do dị ứng

Hầu hết những người bị viêm kết mạc dị ứng đều có vấn đề ở cả hai mắt. Các triệu chứng có thể xuất hiện nhanh chóng, ngay sau khi mắt tiếp xúc với chất gây dị ứng. Một số triệu chứng phổ biến khi bị viêm kết mạc dị ứng như:

- Đỏ, ngứa, chảy nước mắt

- Cảm giác nóng rát trong mắt

- Khó chịu, có thể đau ở một hoặc cả 2 bên mắt

- Nhạy cảm với ánh sáng

- Mí mắt sưng

- Mắt sưng húp vào buổi sáng

Các triệu chứng xảy ra do hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá khiến cơ thể giải phóng histamin và các hoạt chất khác thông qua tế bào mast. Các mạch máu giãn ra hoặc mở rộng và điều này kích thích các đầu dây thần kinh. Kết quả là tăng tiết nước mắt.

Nếu thấy xuất hiện tình trạng này, mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra và điều trị theo lời khuyên từ bác sĩ.

Các biện pháp giúp giảm triệu chứng viêm kết mạc dị ứng - Ảnh 1.

Viêm kết mạc do dị ứng thường gây đỏ, đau, ngứa hoặc chảy nước mắt (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Khô mắt mùa lạnh: Khi nào cần tới gặp bác sĩ?

Đỏ mắt khi ngồi máy tính nhiều phải làm sao?

2. Viêm kết mạc do dị ứng có nguy hiểm không?

Các biến chứng khi viêm kết mạc dị ứng là rất hiếm. Thông thường tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tuy nhiên, về lâu dài, một số người có thể bị tổn thương giác mạc và điều này có thể ảnh hưởng đến thị lực của họ. Việc sử dụng một số loại thuốc điều trị viêm kết mạc dị ứng cũng có thể làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể. Hoặc nếu người bệnh không điều trị đúng cách và kiểm soát các triệu chứng của bệnh, có thể dẫn tới tình trạng khô mắt, nhiễm trùng hoặc sẹo giác mạc.

Do đó, mọi người nên chủ động phòng ngừa bệnh bằng một số biện pháp dưới đây để bảo vệ sức khoẻ của mắt:

- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, chẳng hạn phấn hoa, cỏ, bào tử nấm mốc, bụi bẩn, …

- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, nhất là chăn ga, gối, thảm, ... 

- Khi ra ngoài nên đeo khẩu trang và kính mắt

- Rửa mắt với nước muối sinh lý thường xuyên

- Bổ sung những thực phẩm giàu vitamin A, C, E để tăng cường sức khoẻ tổng thể và mắt

- Không nên dụi mắt. Nếu mắt bị ngứa, trước tiên bạn nên rửa tay sạch với xà phòng, sau đó dùng khăn sạch để lau mắt.

3. Một số biện pháp giúp giảm triệu chứng viêm kết mạc dị ứng

Để giúp giảm các triệu chứng viêm kết mạc dị ứng, mọi người có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà như:

- Rửa mắt với nước muối sinh lý, bạn nên nhỏ 2 đến 3 lần/ngày, mỗi lần nhỏ 2 đến 3 giọt. Lưu ý, nước muối sinh lý chỉ nên sử dụng trong khoảng 15 ngày kể từ khi mở nắp.

- Chườm mát để giảm viêm và sự khó chịu. Bạn có thể đắp một miếng bông gòn thấm nước lạnh lên mí mắt để làm dịu mắt.

- Đội mũ và đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi phấn hoa, bụi bẩn, …

- Tránh dụi mắt vì điều này có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn

- Rửa tay trước khi chạm vào mắt, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với vật nuôi hoặc các tác nhân gây dị ứng

- Sau khi từ bên ngoài trở về nhà, bạn nên tắm rửa hoặc lau mắt, mũi với khăn sạch

- Không nên đeo kính áp tròng hoặc trang điểm mắt

Các biện pháp giúp giảm triệu chứng viêm kết mạc dị ứng - Ảnh 2.

Khi bị viêm kết mạc dị ứng, bạn nên nhỏ nước muối sinh lý từ 2 đến 3 lần/ngày (Ảnh: Internet)

Để giúp quá trình điều trị hiệu quả hoặc tình trạng viêm kết mạc dị ứng nặng, bạn có thể kết hợp với thuốc. Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị viêm kết mạc do dị ứng, chẳng hạn:

- Thuốc nhỏ mắt kháng histamine OTC để giảm hoặc ngăn chặn giải phóng histamine

- Thuốc nhỏ mắt dị ứng theo toa, chẳng hạn như bepotastine (Bepreve)

- Thuốc nhỏ mắt chống viêm hoặc chống viêm

- Thuốc nhỏ mắt để thu nhỏ các mạch máu bị tắc nghẽn

- Thuốc nhỏ mắt steroid

Tuy nhiên, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc sử dụng để đảm bảo an toàn. 

Viêm kết mạc dị ứng bao lâu thì khỏi?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), các triệu chứng viêm kết mạc dị ứng thường cải thiện sau khi ngừng tiếp xúc với chất gây dị ứng. Thuốc dị ứng và thuốc nhỏ mắt có thể giúp làm giảm các triệu chứng và giúp quá trình khỏi bệnh nhanh hơn.

Nhìn chung, viêm kết mạc dị ứng thường không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu tình trạng không thuyên giảm khi đã dùng thuốc và các biện pháp tại nhà, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra kịp thời, phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Nguồn tham khảoAllergic Conjunctivitis


Tác giả: Vân Anh