Các biện pháp giảm ho tự nhiên cho mẹ bầu không ảnh hưởng đến thai nhi

Các biện pháp giảm ho tự nhiên cho mẹ bầu không ảnh hưởng đến thai nhi
Ho là tình trạng các mẹ bầu thường gặp phải, có thể do các bệnh lý hô hấp, ảnh hưởng từ thời tiết, môi trường ô nhiễm, … Nếu tình trạng ho ở mẹ bầu kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Ho là triệu chứng mẹ bầu gặp phải có thể do bệnh lý hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, hen suyễn, dị ứng, … hoặc cũng có thể do thời tiết thay đổi, yếu tố từ môi trường. Khi bị ho, các mẹ bầu thường lo lắng tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Vậy thực hư điều này như thế nào? Để cải thiện triệu chứng ho cho mẹ bầu nên làm gì?

1. Mẹ bầu bị ho có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Theo các chuyên gia, các cơn ho do cảm lạnh hoặc cảm cúm bình thường, mức độ nhẹ, ho không kéo dài thì hầu như không ảnh hưởng đến thai nhi.

Tuy nhiên, nếu triệu chứng ho kéo dài dai dẳng, khiến cho mẹ bầu mệt mỏi, chán ăn, suy nhược cơ thể, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, có thể khiến thai bị thiếu chất.

Ngoài ra, nếu cơn ho có cường độ mạnh, liên tục thì có thể gây động thai sớm hoặc dọa sinh non.

Đặc biệt, nếu ho là triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng thì mẹ bầu cần được điều trị phù hợp, tránh gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai, giảm nguy cơ mất tim thai đột ngột.

Các biện pháp giảm ho tự nhiên cho mẹ bầu không ảnh hưởng đến thai nhi - Ảnh 2.

Mẹ bầu ho dai dẳng, mệt mỏi, suy nhược có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

Tăng huyết áp thai kỳ làm tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ

Biểu hiện cúm A ở bà bầu là gì? Bà bầu mắc cúm A nguy hiểm không?

2. 6 biện pháp giảm ho tự nhiên cho mẹ bầu

Đối với phụ nữ mang thai, việc dùng thuốc không đúng cách có thể sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi. Vì vậy, khi điều trị ho cho mẹ bầu, các biện pháp tự nhiên thường được ưu tiên.

Sau khi áp dụng các phương pháp điều trị tự nhiên mà không thuyên giảm, lúc này các mẹ bầu nên đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn.

2.1. Sử dụng mật ong

Mật ong thường được sử dụng để làm giảm tình trạng ho nhờ tính kháng khuẩn, kháng viêm.

Một số nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng của mật ong trong quá trình điều trị ho. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu năm 2021, các nhà nghiên cứu đã so sánh mật ong với dextromethorphan, một loại thuốc giảm ho phổ biến.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cả mật ong và dextromethorphan đều có tác dụng giảm ho, điều đặc biệt là mật ong đem lại kết quả tốt hơn so với thuốc giảm ho.

Các biện pháp giảm ho tự nhiên cho mẹ bầu không ảnh hưởng đến thai nhi - Ảnh 2.

Mật ong có tính kháng khuẩn nên có thể làm giảm ho hiệu quả (Ảnh: Internet)

Các mẹ bầu có thể ngậm một thìa mật ong nguyên chất hoặc pha với nước ấm để thưởng thức. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, phụ nữ có thai chỉ nên dùng 3 đến 4 muỗng vừa mật ong mỗi ngày.

2.2. Sử dụng gừng

Gừng có thể làm giảm ho khan hoặc hen suyễn vì có đặc tính chống viêm. Gừng cũng có thể làm giảm cảm giác buồn nôn ở bà bầu nhờ 2 hợp chất gingerols (có nhiều trong gừng tươi) và shogaols (có nhiều trong gừng khô).

Gừng có thể được sử dụng theo nhiều cách như làm trà gừng, chế biến với các món ăn hoặc ăn tươi. Tuy nhiên, đối với những mẹ bầu có tiền sử sảy thai, chảy máu âm đạo hay các vấn đề đông máu nên tránh xa các sản phẩm từ gừng, nếu muốn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

2.3. Súc miệng bằng nước muối

Muối có tác dụng kháng viêm, ngăn ngừa virus và vi khuẩn nên rất hữu ích trong việc làm giảm tình trạng đau họng, ho.

Các mẹ bầu nên súc miệng và họng bằng nước muối sáng và tối đều đặn. Điều này còn giúp bảo vệ răng miệng và ngăn ngừa các bệnh lý về đường hô hấp hiệu quả.

Lưu ý, khi pha nước muối để súc miệng, nên dùng khoảng ½ muỗng cà phê muối với 250ml nước ấm. Không nên nuốt nước muối khi súc miệng vì có thể gây dư thừa lượng muối trong cơ thể.

2.4. Uống nhiều nước ấm

Mất nước sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, suy yếu, khiến thời gian hồi phục sức khỏe lâu hơn. Do đó, uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm sẽ giảm kích ứng ở họng, làm giảm ho, đau họng, ớn lạnh, hồi phục sức khỏe nhanh.

Các biện pháp giảm ho tự nhiên cho mẹ bầu không ảnh hưởng đến thai nhi - Ảnh 3.

Uống nhiều nước ấm sẽ giúp giảm kích ứng họng, làm dịu các cơn ho ở mẹ bầu (Ảnh: Internet)

2.5. Sử dụng máy tạo độ ẩm

Nếu độ ẩm không khí thấp sẽ làm tình trạng ho trở nên trầm trọng hơn, nhất là vào ban đêm. Vì vậy, các mẹ bầu nên trang bị cho gia đình một chiếc máy tạo độ ẩm, giúp giữ độ ẩm cho không khí, hỗ trợ làm giảm tình trạng ho.

2.6. Chế độ dinh dưỡng phù hợp

Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp các mẹ bầu nhanh chóng hồi phục sức khỏe, từ đó làm giảm tình trạng ho một cách nhanh chóng. Các mẹ bầu nên chú trọng vào các nguồn thực phẩm hỗ trợ tăng sức đề kháng, kháng viêm, chẳng hạn như:

- Thực phẩm giàu vitamin C, A như ổi, hoa quả họ cam quýt, ớt chuông, cà rốt, bắp cải, …

- Thực phẩm chứa nhiều Omega-3 như cá hồi, cá thu, hàu, hạt chia, óc chó, …

- Thực phẩm giàu Kẽm như hải sản, ngũ cốc, khoai tây, cải xoăn, …

Thêm vào đó, khi bị ho các mẹ bầu nên hạn chế ăn những món cay nóng, chiên rán, tôm, cua, đồ ăn lạnh.

3. Một số cách ngăn ngừa tình trạng ho ở bà bầu

Xây dựng một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh là bước đầu tiên để ngăn ngừa bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào trong thai kỳ. Để thực hiện được điều này, các mẹ bầu nên:

- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung những thực phẩm giàu vitamin và các dưỡng chất thiết yếu khi mang thai như acid folic, kẽm, sắt, omega-3, …

- Vận động nhẹ nhàng, các mẹ bầu có thể đi bộ xung quanh nhà, làm một vài công việc nhà đơn giản

- Ngủ nghỉ đủ giấc

- Rửa tay thường xuyên, hạn chế cho tay lên mắt, mũi, miệng để ngăn ngừa các loại vi khuẩn, virus xâm nhập

- Uống nhiều nước

Có thể nói, ho là tình trạng khiến nhiều mẹ bầu khó chịu, mệt mỏi. Nếu các cơn ho nhanh chóng được kiểm soát thường sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, nếu ho kéo dài dai dẳng, điều quan trọng là các mẹ nên đến bệnh viện thăm khám, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc mà cần tuân thủ theo nhưng chỉ định từ bác sĩ. 

Nguồn tham khảo: 

1. What can I do to make my cough go away?

2. What Can I Take for a Cough While Pregnant?


Tác giả: Vân Anh