Các biến chứng ghép tủy trong điều trị ung thư máu

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Các biến chứng ghép tủy trong điều trị ung thư máu
Ghép tủy là phương pháp điều trị ung thư máu hiệu quả nhất. Tuy nhiên những biến chứng ghép tủy để lại cũng khiến bệnh nhân gặp không ít khó khăn. Cùng tìm hiểu những biến chứng của 2 phương pháp ghép tủy đồng loại và ghép tủy tự thân.

1. Biến chứng ghép tủy đồng loại

1.1. Biến chứng sớm

- Tổn thương nội mô mạch máu: là biến chứng ghép tủy nguy hiểm nhất. Nó thường xảy trong trong khoảng 30 - 60 ngày sau khi ghép tủy. Tổn thương nội mô mạch máu thường bao gồm: Viêm tắc tĩnh mạch trên gan, rò rỉ mao mạch, hội chứng mọc mảnh ghép, chảy máy phế nang lan tỏa, bệnh huyết khối vi mạch, viêm phổi vô căn, suy đa phủ tạng,....

- Biến chứng đường tiêu hóa: Phần lớn các bệnh nhân ghép tủy đều xuất hiện các biến chứng đường tiêu hóa như nôn, buồn nôn, viêm loét niêm mạc miệng, viêm loét niêm mạc họng, tiêu chảy, viêm ruột,...

- Xuất huyết: Là biến chứng ghép tủy xảy ra do tình trạng giảm tiểu cầu sau ghép. Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị xuất huyết nội tạng hoặc xuất huyết não. Bác sĩ thường truyền tiểu cầu để khắc phục và dự phòng xuất huyết.

- Bệnh ghép chống vật chủ: Là biến chứng ghép tủy đồng loại thường gặp nhất. Nó có thể xảy ra ngay cả khi tủy hoàn toàn tương thích và bệnh nhân đã dự phòng bằng thuốc ức chế miễn dịch. Bệnh ghép chống vật chủ thường gây ra các triệu chứng như phát ban da, đau và ngứa da, phỏng nước, hoại tử da, sốt cao, vàng da, tắc mật,  suy gan, nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa, khô mắt, đau bụng, biếng ăn,....

- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng là biến chứng ghép tủy gây tử vong chính. Bệnh nhân ghép tủy thường bị suy tủy, ức chế chức năng tế bào T, suy giảm miễn dịch nên thường dễ bị virus, vi khuẩn và nấm tấn công, gây ra các bệnh nhiễm trùng.

- Thải ghép: Thải ghép có thể là do ghép không phù hợp về giới tính và không phù hợp về HLA, cũng có thể do các tác nhân khác tác động như thuốc, tế bào gốc từ người hiến có liều thấp, do tình trạng của người nhận,....

1.2. Biến chứng muộn

Khi được ghép tủy thành công, đa số các bệnh nhân đều có cuộc sống khỏe mạnh và bình thường nhiều năm sau đó. Nhưng tỷ lệ bị biến chứng muộn do ghép tủy cũng không hề nhỏ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ của bệnh nhân. Biến chứng ghép tủy muộn thường bao gồm ác tính và không ác tính.

Biến chứng muộn ác tính phổ biến nhất chính là ung thư thứ phát sau ghép, thường là bệnh bạch cầu cấp, rối loạn tăng sinh lympho và u tạng đặc.

Biến chứng muộn không ác tính thường gây ra tổn thương ở các bộ phân như:

- Mắt: Đục thủy tinh thể, viêm kết mạc, viêm giác mạc.

- Phổi: Viêm tiểu phế quản tắc nghẽn, bệnh phổi hạn chế thông khí, tắc nghẽn phổi.

- Xương khớp: Hoại tử vô khuẩn của xương, loãng xương.

- Nội tiết: Suy giáp trạng, suy tuyến sinh dục, thiếu hụt hormone tăng trưởng. 

- Thận: Suy thận, cầu thận, rối loạn chức năng ống thận.

2. Biến chứng ghép tủy tự thân

2.1. Biến chứng sớm

- Biến chứng ghép tủy tự thân sớm hay gặp nhất là viêm loét niêm mạc miệng và giảm các tế bào máu. Viêm loét niêm mạc miệng phổ biến đến mức, có khoảng 75 - 100% bệnh nhân ghép tủy bị. Trong những trường hợp viêm loét nặng, bệnh nhân cần phải ăn qua sonde hoặc đường tĩnh mạch.

- Nhiễm trùng cũng là biến chứng ghép tủy tự thân phổ biến, do sự suy giảm miễn dịch.

- Hội chứng mọc mảnh ghép là biến chứng ghép tủy với các dấu hiệu như sốt, phát ban đỏ, phù và viêm phổi.

Ngoài ra ghép tủy tự thân còn có các biến chứng sớm như xuất huyết giảm tiểu cầu, tim mạch, tổn thương nội mạch,...

2.2. Biến chứng muộn

- Thường gặp nhất là giảm chức năng của các tuyến nội tiết như giảm chức năng tuyến sinh dục (suy giảm chức năng tình dục, giảm lượng tinh trùng, giảm hormone sinh dục, không rụng trứng) và suy tuyến giáp trạng.

- Bệnh nhân thường bị viêm phổi kẽ sau nhiều năm ghép tủy.

- Tăng tỷ lệ mắc ung thư thứ phát như bệnh bạch cầu cấp, rối loạn sinh tủy, u lympho.


Tác giả: Mai Nhung