Thủy đậu là một bệnh do nhiễm virus gây ra các nốt đỏ trên bề mặt da, tiến triển thành mụn nước ngứa và cuối cùng các nốt mụn sẽ đóng vảy. Căn bệnh này thường gặp nhiều nhất ở trẻ em và đa phần đều có triệu chứng nhẹ. Nhưng cũng có một nhóm người bao gồm cả người lớn và trẻ em có hệ miễn dịch yếu, dễ gặp các biến chứng của bệnh thủy đậu.
Các biến chứng của bệnh thủy đậu có thể có nhiều dạng, bao gồm từ nhiễm trùng da thứ cấp nhẹ đến viêm não đe dọa tính mạng người bệnh. Bệnh thủy đậu ở phụ nữ đang mang thai cũng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho em bé; đặc biệt nếu thai phụ bị nhiễm bệnh trong giai đoạn đầu của thai kỳ hoặc trước khi sinh một thời gian ngắn.
Các nhóm có nguy cơ cao bị biến chứng của bệnh thủy đậu bao gồm:
- Trẻ sơ sinh
- Thanh thiếu niên
- Người lớn tuổi
- Phụ nữ mang thai
- Những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch (do tình trạng sức khỏe hoặc điều trị y tế)
- Những người dùng thuốc steroid, đặc biệt là trẻ em bị hen suyễn
Do đó, khi các nhóm đối tượng kể trên mắc thủy đậu, cần đưa người bệnh đến thăm khám bác sĩ để có phác đồ điều trị hợp lí; tránh tối đa sự ảnh hưởng sức khỏe do biến chứng của bệnh thủy đậu.
Đối với những người có sức khỏe tốt, bệnh thủy đậu không có khả năng dẫn đến bất kỳ biến chứng nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, có khoảng 14.000 người phải nhập viện tại Hoa Kỳ mỗi năm do biến chứng của bệnh thủy đậu và 100 người trong số đó đã tử vong.
Dưới đây là các biến chứng của bệnh thủy đậu được ghi nhận:
Biến chứng phổ biến nhất của bệnh thủy đậu là nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn ở các vết tổn thương do bệnh thủy đậu. Các nhiễm trùng thường do Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) hoặc Streptococcus pyogenes gây ra, dẫn đến nhiễm trùng da như: chốc lở, mụn nhọt, viêm mô tế bào, viêm quầng, cũng như nhiễm trùng các hạch bạch huyết được gọi là viêm hạch.
Những bệnh nhiễm trùng này hầu hết là bề ngoài và dễ dàng điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, có nguy cơ vi khuẩn có thể lây lan vào máu, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết. Những người bị nhiễm khuẩn huyết có nguy cơ bị viêm phổi do vi khuẩn cũng như các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn khác; bao gồm viêm màng não, viêm khớp, viêm tủy xương và nhiễm trùng huyết.
Nhóm biến chứng của bệnh thủy đậu phổ biến thứ hai liên quan đến hệ thần kinh. Một trong những rối loạn thần kinh nghiêm trọng hơn liên quan đến bệnh thủy đậu là mất điều hòa và rối loạn chức năng vận động tiểu não. Các triệu chứng của tình trạng này bao gồm sốt, khó chịu ngày càng nhiều hơn, đi lại khó khăn và suy giảm khả năng nói. May mắn là tình trạng này thường tự khỏi.
Một biến chứng thần kinh tiềm ẩn khác của bệnh thủy đậu là viêm não do varicella, một bệnh nhiễm trùng khiến màng bao quanh và bảo vệ các cấu trúc trong hệ thần kinh bị sưng và viêm.
Các triệu chứng của viêm não do varicella bao gồm: đau đầu, nhạy cảm với ánh sáng, cứng cổ, mê sảng và co giật. Những người có nguy cơ mắc bệnh viêm não cao nhất sau khi bị nhiễm virus varicella là những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu, chẳng hạn như bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối.
>> Tìm hiểu về Varicella Zoster Virus nguyên nhân chính gây ra bệnh thuỷ đậu
Viêm phổi do varicella là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh liên quan đến varicella, thậm chí gây tử vong ở người lớn. Bệnh phát triển khi virus di chuyển đến phổi qua đường máu. Khoảng 1/400 người lớn mắc bệnh thủy đậu sẽ phải nhập viện vì căn bệnh này.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm phổi do varicella bao gồm:
- Người cao tuổi mắc thủy đậu
- Phát ban nặng nề
- Hệ thống miễn dịch bị tổn thương
- Mang thai (đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba)
- Hút thuốc
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Một biến chứng phổ biến của bệnh thủy đậu là viêm gan, một tình trạng viêm gan tạm thời và thường không gây ra triệu chứng; viêm gan do biến chứng của bệnh thủy đậu thường có xu hướng thuyên giảm mà không cần điều trị.
Theo Mayo Clinic, một số trẻ em và thanh thiếu niên trong quá trình hồi phục sau nhiễm virus - đặc biệt là bệnh thủy đậu hoặc cúm - có nguy cơ phát triển hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp gây sưng gan và não.
Một người sau khi bị nhiễm bệnh thủy đậu, virus không được đào thải hoàn toàn khỏi cơ thể. Thay vào đó, nó di chuyển đến các điểm trong hệ thống thần kinh được gọi là hạch, nơi các nhánh của dây thần kinh kết hợp với nhau; chúng không hoạt động và tiềm ẩn bên trong.
Một số tác nhân bao gồm bệnh thủy đậu có thể buộc virus đang bất hoạt đột nhiên hoạt động trở lại, thường là nhiều thập kỷ sau lần lây nhiễm đầu tiên. Khi điều này xảy ra, virus sẽ di chuyển ngược xuống dây thần kinh đến da, gây ra các vết phồng rộp trên da đau đớn, bỏng rát dọc theo nhánh thần kinh - tình trạng này được gọi là bệnh zona.
Tìm hiểu thêm về bệnh Zona thần kinh TẠI ĐÂY.
Một số dạng biến chứng của bệnh thủy đậu thường thấy ở những người có tình trạng sức khỏe sau:
Một người bị suy giảm hệ thống miễn dịch vì tình trạng sức khỏe hoặc do điều trị y tế thường có nguy cơ mắc một tình trạng nghiêm trọng, trong đó các cơ quan nội tạng bị nhiễm virus thủy đậu. Nhiễm trùng ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng có thể dẫn đến viêm phổi, viêm gan, sưng não; và một tình trạng gọi là đông máu nội mạch lan tỏa, làm ảnh hưởng đến khả năng đông máu.
Những người trong nhóm này cũng có thể bị nhiều vết loét thủy đậu hơn và họ có thể bị bệnh lâu hơn bình thường. Các vết loét mới có thể kéo dài hơn một tuần và chúng có thể xuất hiện trên lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân của người mắc bệnh thủy đậu.
Khi trẻ em nhiễm HIV bị thủy đậu, các vết loét mới có thể phát triển trong nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng. Các vết loét thủy đậu có thể bình thường, hoặc chúng có thể biến thành vết loét không lành gây khó chịu cho trẻ.
Một biến chứng khác có thể xảy ra ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên nhiễm HIV là viêm võng mạc, trong đó thành sau của mắt bị viêm.
Một số nghiên cứu đã cho kết quả rằng các biến chứng liên quan đến các cơ quan nội tạng ít phổ biến hơn ở trẻ em nhiễm HIV so với những người khác có hệ miễn dịch suy yếu, theo CDC.
Nhiễm thủy đậu trong ba tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra một số vấn đề ở trẻ sơ sinh, bao gồm nhẹ cân và bất thường ở chân tay. Ngoài ra, phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu trong khoảng 1 tuần trước khi sinh hoặc ngay sau khi sinh, có thể gây nhiễm trùng đe dọa tính mạng của trẻ sơ sinh.
Trước đây, số trẻ sơ sinh tử vong do mắc bệnh thủy đậu lên đến 30%. Tuy nhiên, nhờ vào sự tiến bộ trong phác đồ điều trị, tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong đã giảm xuống 7%. Phụ nữ mang thai cũng có nhiều nguy cơ gặp các biến chứng của bệnh thủy đậu, chẳng hạn như viêm phổi. Nếu tình trạng viêm phổi nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ.
Một nghiên cứu cho rằng, phụ nữ mang thai có khả năng cao bị viêm phổi nếu mắc thủy đậu trong tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ.
Mặc dù khi phát hiện mắc bệnh thủy đậu, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám. Thế nhưng, điều quan trọng không kém đó là phải theo dõi các dấu hiệu biến chứng của bệnh thủy đậu.
Khi gặp bất kỳ một dấu hiệu nào dưới đây, hay đến bác sĩ để được theo dõi sớm nhất:
- Sốt kéo dài hơn 4 ngày hoặc cao hơn 38,8 độ C
- Ho dữ dội hoặc khó thở
- Vết loét do thủy đậu chảy ra mủ (chất dịch đặc, màu vàng) hoặc đỏ hơn nhiều
- Chóng mặt hoặc lú lẫn
- Tim đập loạn nhịp
- Mất phối hợp cơ, đi lại khó khăn
- Nôn ói
- Cơ thể run (rung lắc nghiêm trọng)
- Cổ cứng
- Đau đầu dữ dội
- Buồn ngủ bất thường hoặc khó thức dậy
- Nhạy cảm khi nhìn vào đèn sáng.
Nguồn dịch:
1. https://www.verywellhealth.com/symptoms-of-chicken-pox-2634340
2. https://www.everydayhealth.com/chickenpox/complications/