Cảnh báo mới: Di chứng tay chân miệng có thể gây liệt chân hoàn toàn!

Cảnh báo mới: Di chứng tay chân miệng có thể gây liệt chân hoàn toàn!
Nếu không được chăm sóc tốt, bệnh tay chân miệng rất dễ bị biến chứng. Các biến chứng của bệnh tay chân miệng có thể đe dọa gây liệt chi hoàn toàn thậm chí là tử vong!

Tay chân miệng tuy rất nhanh khỏi bệnh nhưng nếu không có chăm sóc hay can thiệp y tế đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó, biến chứng của bệnh tay chân miệng có thể gây tử vong cho trẻ. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.

Vào ngày 1/11, bệnh nhi T.T.A.D. (19 tháng tuổi, trú tại Minh Đức, Ứng Hòa, Hà Nội) xuất hiện sốt, nôn, nổi ban phỏng nước tay chân. Các triệu chứng diễn tiến rầm rộ, sau 2 ngày, bệnh nhi sốt cao liên tục, giật mình nhiều, li bì nhập viện với chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4. Đây là phân độ nặng nhất của bệnh.

Bệnh nhi suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương thân não phải điều trị thở máy, vận mạch. Sau 20 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi cai được thở máy, chuyển thở oxy qua mở khí quản. Tuy nhiên, tình trạng hô hấp vẫn còn rất khó khăn, thể trạng gầy, liệt hoàn toàn 2 chi dưới, chi trên quờ quạng, ăn qua sonde, phản xạ và giao tiếp rất kém. Bệnh nhi được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp điều trị tiếp.

Tại Khoa Nhi, các y bác sĩ đã xác định ngay từ đầu quá trình điều trị bệnh nhi đòi hỏi sự phối hợp bài bản của nhiều chuyên khoa. Sau 16 ngày điều trị, trẻ cai được oxy, toàn trạng cải thiện.

1. Các biến chứng của bệnh tay chân miệng

1.1. Mất nước

Một số bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ thường bị mất nước khi mắc bệnh tay chân miệng. Nguyên nhân gây biến chứng của bệnh tay chân miệng này là do các nốt mụn ở miệng khiến cho người bệnh bị đau, khó nuốt gây kém ăn và uống. Nôn nhiều cũng có thể là nguyên nhân gây mất nước ở người bị tay chân miệng.

Để ngăn ngừa biến chứng mất nước, bệnh nhân nên cố gắng uống đủ chất lỏng. Có thể uống nước mát, uống ít một để dễ nuốt hơn.

1.2. Rụng móng tay và móng chân

Đây là biến chứng của bệnh tay chân miệng thường gặp ở bệnh nhân là trẻ em. Theo các thống kê, bệnh nhân thường bị mất móng trong vài tuần sau khi bị bệnh. Mặc dù chưa biết được nguyên nhân chính xác gây rụng móng. Nhưng nó vẫn được xếp vào 1 dạng biến chứng của bệnh tay chân miệng.

Móng tay và móng chân sẽ tự mọc lại nên bệnh nhân không cần quá lo lắng. Chỉ cần chú ý vệ sinh thật tốt, đảm bảo dinh dưỡng để móng phát triển nhanh.

biến chứng của bệnh tay chân miệng

Rụng móng là một biến chứng của bệnh tay chân miệng. (Ảnh Internet)

1.3. Biến chứng thần kinh

Bệnh chân tay miệng có thể gây ra nhiều biến chứng thần kinh nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm não tủy, viêm thân não,... Dấu hiệu của các biến chứng này thường là:

- Thường giật mình khi ngủ. Các cơn co giật chỉ trong 1 - 2 giây, xuất hiện chủ yếu ở cơ tay và chân.

- Lơ mơ, ngủ gà.

- Run chân tay, yếu cơ, đi loạng choạng, mắt nhìn ngược.

- Tăng trương lực cơ.

- Rung giật nhãn cầu.

- Biến chứng nặng có thể gây hôn mê sâu, thường kèm theo suy hô hấp, suy tuần hoàn.

1.4. Biến chứng tim mạch, hô hấp

Biến chứng của bệnh tay chân miệng có thể gây suy tim, trụy mạch, viêm cơ tim, phù phổi cấp và tăng huyết áp. Triệu chứng thường bao gồm:

- Huyết áp tăng. Nếu biến chứng nặng có thể không đo được mạch và huyết áp.

- Mạch đập nhanh trên 150 lần/phút.

- Thời gian làm đầy mao mạch chậm, thường mất trên 2 giây.

- Rối loạn vận mạch, thường ở tay hoặc chân. Trên da nổi các vân tím. Tứ chi lạnh, đổ nhiều mồ hôi.

- Bệnh nhân bị khó thở, thở nhanh và nông, thở rít hoặc khò khè, ngực rút lõm.

- Biến chứng phù phổi cấp có thể gây khó thở, tím tái, phổi nhiều ran ẩm, nội khí quản có lẫn máu hay bọt hồng.

>> Tìm hiểu thêm về biến chứng phù phổi TẠI ĐÂY

biến chứng của bệnh tay chân miệng

Biến chứng của bệnh tay chân miệng có thể đe dọa đến tính mạng. (Ảnh Internet).

1.5. Biến chứng của bệnh tay chân miệng ở phụ nữ mang thai

Mặc dù người lớn rất hiếm khi gặp biến chứng của bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, bệnh có thể gây nguy hiểm ở phụ nữ mang thai. Nhiều dẫn chứng cho thấy, ở 3 tháng đầu, nếu người mẹ bị mắc bệnh tay chân miệng thì có nguy cơ bị sảy thai.

Tuy nhiên, bà bầu cũng không nên quá lo lắng. Nếu được kiểm soát tốt, mẹ và bé vẫn có thể vượt qua căn bệnh tay chân miệng một cách dễ dàng. Do đó, nếu có biểu hiện của bệnh tay chân miệng, mẹ hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ sớm để được tư vấn cách điều trị an toàn.

2. Các biến chứng của bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?

Đối tượng mắc bệnh tay chân miệng và bị biến chứng đa số là trẻ em, sức chống chọi với bệnh tật còn hạn chế. Do đó, khi bị biến chứng, tình trạng thường chuyển nặng rất nhanh. Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể bị suy hô hấp, suy tuần hoàn và tổn thương não nặng. Trẻ có nguy cơ tử vong cao, hoặc để lại các di chứng như liệt và yếu cơ.

Chính vì các biến chứng của bệnh tay chân miệng rất nguy hiểm, nên bố mẹ cần đặc biệt theo dõi sát sao triệu chứng bệnh ở trẻ. Nếu trẻ có dấu hiệu trở nặng như sốt cao, nôn nhiều, giật mình, thở nhanh và nông, da tím tái,.... thì cần đứa trẻ đến bệnh viện để được theo dõi, điều trị kịp thời.

Nguồn tham khảo: https://www.cdc.gov/hand-foot-mouth/about/complications.html


Tác giả: Mai Nhung