Mối liên quan giữa đái tháo đường và bệnh viêm phổi

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Mối liên quan giữa đái tháo đường và bệnh viêm phổi
Ít ai biết bệnh nhân đái tháo đường còn có nguy cơ mắc các bệnh về phổi và triệu chứng rất rõ ràng, đặc biệt là viêm phổi.

1. Viêm phổi ở người bị đái tháo đường

Viêm phổi ở người mắc bệnh đái tháo đường xuất hiện là do sức đề kháng tại phổi và toàn bộ cơ thể đã yếu, chức năng của lớp nội mạc đường hô hấp và nhu động của các vi nhung mao trên bề mặt tế bào nội mạc này thay đổi. Các yếu tố viêm phổi ở bệnh nhân đái tháo đường thường nặng hơn, cần thời gian điều trị dài hơn và có nhiều biến chứng cũng như tỷ lệ tử vong cao hơn so với những người mắc viêm phổi nhưng không có bệnh đái tháo đường.

2. Nguyên nhân gây viêm phổi ở bệnh nhân đái tháo đường

Sự suy giảm chức năng của hệ miễn dịch khiến bệnh nhân dễ dàng bị các vi khuẩn xâm nhập vào phổi. Điều này thể hiện ở việc các đại thực bào và tế bào đa nhân trung tính bị hoạt động kém hơn, chúng mất khả năng tiêu diệt cái vi khuẩn nội bào của các gốc tự do, superoxides và hydrogen peroxide. Kháng thể do các tế bào miễn dịch tiết ra cũng suy giảm và mất khả năng tiêu diệt vi khuẩn.

Hệ mao mạch đóng vai trò quan trọng trong việc kháng khuẩn. Ở bệnh nhân đâí tháo đường, các mạch máu nhỏ bị tổn thương và các tế bào hồng cầu bị giảm sự mềm dẻo cũng như sự trao đổi oxy bị rối loạn ở mô khiến cho việc kháng khuẩn kém đi.

Người bị ĐTĐ thường cao tuổi và nguy cơ bị những rối loạn về nuốt dẫn đến viêm phổi do sặc hoặc viêm phổi do trào ngược dạ dày - thực quản.

3. Những tác nhân gây bệnh viêm phổi 

Streptococcus pneumonia và Haemophilus influenza là nguyên nhân gây bệnh viêm phổi hàng đầu ở người đái tháo đường. 

Các cầu khuẩn gram dương như tụ cầu (Staphylococcus aureus) gây bệnh ở mức độ nặng và khiến người bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Viêm phổi do tụ cầu có thể tiên phát do hít phải dịch đường hô hấp có vi khuẩn gây bệnh hoặc thứ phát do tụ cầu theo đường máu tới phổi, bệnh do một ổ vi khuẩn khác trên cơ thể.

Vi khuẩn kỵ khí gram âm cũng là tác nhân gây bệnh viêm phổi. Vi khuẩn này có ở những dụng cụ y tế bị nhiễm khuẩn như bơm tiêm insulin cho người bị đái tháo đường và lây truyền qua đường máu.

Các tác nhân gây bệnh khác là: Klesiella pneumonia, vi khuẩn kỵ khí, các loại vi khuẩn không điển hình như: Legionella, Moraxella catarrhalis.

4. Dấu hiệu viêm phổi ở bệnh nhân

Các bệnh về phổi và triệu chứng thường sẽ có các dấu hiệu đầu tiên như sốt, ho khan hoặc ho có đờm, cảm giác đau tức ngực và khó thở, thậm chí người bệnh còn đau đầu, nôn ói, tiêu chảy, đau cơ và luôn mệt mỏi. Ở người cao tuổi thường có thêm biểu hiện như ý thức chậm và không tập trung, hay quên.

Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh bằng các yếu tố cận lâm sàng như chụp Xquang phổi, nhuộm soi, nuôi cấy đờm, cấy máu. Ngoài ra còn cần thêm một số xét nghiệm đặc biệt khác, đó là test kháng nguyên nước tiểu tìm phế cầu và Legionella tuýp 1, các test huyết thanh tìm vi khuẩn gây bệnh khác.

5. Phòng ngừa viêm phổi ở bệnh nhân đái tháo đường

Người đái tháo đường cần từ bỏ các thói quen có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá, rượu, và sử dụng chất kích thích để tránh bệnh trở nặng hơn. 

Ngoài ra cần điều trị tốt các bệnh mãn tính thường gặp ở người mắc bệnh đái tháo đường như tim mạch, hô hấp. Không được tùy tiện sử dụng thuốc kháng sinh và tiêm vắc xin phòng ngừa một số vi khuẩn như Influenza, phế cầu,...

Quan trọng nhất là người bệnh cần kiểm soát đường huyết tốt trong giới hạn bình thường để phòng tránh viêm phổi cũng như các bệnh dễ nhiễm khuẩn khác.

6. Cách điều trị hiệu quả

Bệnh nhân điều trị theo liệu pháp kháng sinh là hiệu quả nhất. Bác sĩ sẽ lựa chọn kháng sinh dựa vào các vi khuẩn gây bệnh và mức độ nặng nhẹ của bệnh viêm phổi. 

Kháng sinh có thể sử dụng qua đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch tùy theo mức độ bệnh. Các kháng sinh thường được sử dụng là nhóm beta lactam (cefpodoxime, cefrozil, ceftriaxone, imipenem...), nhóm quinolone, macrolide, aminoside...

Điều trị viêm phổi ở bệnh nhân đái tháo đường cần phối hợp với phương pháp bù nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan, đảm bảo dinh dưỡng, thở ôxy, thở máy nếu bệnh nhân có suy hô hấp nặng.


Tác giả: Quỳnh Anh