Các bệnh lý dễ gây nhầm lẫn với sốt xuất huyết và hướng dẫn phân biệt

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Các bệnh lý dễ gây nhầm lẫn với sốt xuất huyết và hướng dẫn phân biệt
Hướng dẫn phân biệt sốt xuất huyết với sốt phát ban, sốt rét và sốt siêu vi. Nắm vững các kiến thức này để phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả, kịp thời.

1. Phân biệt sốt xuất huyết và sốt rét

Sốt xuất huyết và sốt rét đều là bệnh truyền nhiễm do muỗi mang mầm bệnh tấn công người. Tuy nhiên, xác định hai loài muỗi gây bệnh là yếu tố quan trọng để phân biệt sốt xuất huyết và sốt rét.

Phân biệt sốt xuất huyết và sốt rét qua nguyên nhân

Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết có tên gọi là virus Dengue, được truyền bệnh sang người thông qua muỗi cái Aedes aegypti (muỗi vằn). Đây là loại muỗi có màu đen, chân, thân, bụng có khoang đen trắng rõ rệt, vùng ngực có các vảy trắng xếp thành hàng, trên lưng có hình chiếc đàn hai dây màu trắng.

Thời gian hoạt động mạnh của muỗi vằn thường là vào buổi sáng hoặc chiều tối. Đặc biệt, chúng có khả năng bay rất nhanh, nếu tìm thấy mồi là lao vào đốt và hút máu ngay lập tức hoặc sẽ bám theo mồi tới cùng và chỉ bay đi khi đã hút căng máu. Muỗi vằn cũng thích trú ẩn ở những nơi ẩm thấp, ánh sáng yếu và thường sống ở gần người.

Tác nhân gây ra bệnh sốt rét lại là ký sinh trùng Plasmodium, truyền bệnh sang người thông qua muỗi cái Anophen chích vào máu. Từ đó, kí sinh trùng tìm đường vào tế bào gan của bệnh nhân và sinh sôi. Khi tế bào gan đột ngột bị phá vỡ, ký sinh trùng theo đó thoát ra và xâm nhập và sinh sôi thêm ở các tế bào hồng cầu rồi lại tiếp tục phá vờ, sinh sôi ở các tế bào hồng cầu khác.

Muỗi Anophen có đặc điểm chiều dài của muỗi bằng chiều dài của vòi, trên cánh muỗi có các vẩy đen trắng, muỗi đậu chếch một góc 45 độ khi đậu trên giá thể.

Thời gian muỗi Anophen hoạt động mạnh là vào ban đêm. Loài muỗi này chủ yếu sống trong rừng rậm hoặc khu vực đồi núi. Do đó, muỗi chủ yếu đốt các loài động vật như khỉ, vượn,... Người đi rừng hoặc sống ở khu vực nhiều rừng rậm thường là đối tượng mắc sốt rét.

Như vậy, sự khác biệt về vẻ bên ngoài, thời gian hoạt động và nơi trú ẩn ưa thích của hai loại muỗi này là khá rõ ràng, cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt rét thông qua nguyên nhân gây bệnh.

Phân biệt sốt xuất huyết và sốt rét thông qua các triệu chứng

- Thời gian ủ bệnh: Thời gian xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của hai loại bệnh này thường khác nhau. Trong khi sốt xuất huyết thường ủ bệnh trong cơ thể khoảng 1 tuần thì triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết lại xuất hiện sau khoảng 10-15 ngày nhiễm kí sinh trùng gây bệnh.

- Sốt: Sốt là dấu hiệu tiêu biểu của cả hai loại bệnh, nhưng cơn sốt của chúng lại không hoàn toàn giống nhau.

Cơn sốt do sốt xuất huyết gây ra thường xuất hiện đột ngột, thân nhiệt cao (trên 39 độ), kéo dài thành từng cơn trong khoảng từ 2-7 ngày. Trong thời gian này, cơ thể bệnh nhân liên tục xuất hiện cảm giác mệt mỏi, đau nhức cơ bắp,... Đây là dấu hiệu để phân biệt sốt xuất huyết và sốt rét.

Trong khi đó, sốt rét lại gây ra những cơn sốt ngắn hơn, cùng với đó là cảm giác đau khớp, ớn lạnh, đổ nhiều mồ hôi. Bệnh nhân thường không sốt quá cao, người hâm hấp nóng.

- Phát ban, xuất huyết dưới da: Đây là triệu chứng thường gặp ở bệnh do virus dengue gây ra, là dấu hiệu để phân biệt sốt xuất huyết và sốt rét. Bệnh nhân sốt xuất huyết thường có các nốt xuất huyết dưới da ở đùi, cánh tay, bắp chân, bụng,... Cùng với đó là một số hiện tượng như chảy máu chân răng. chảy máu lợi, nặng hơn là nôn hoặc đi ngoài ra máu,...

2. Phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban

 Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết và sốt phát ban

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Dengue, lây lan từ người sang người qua trung gian là muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn). Sau khi muỗi vằn cái hút máu bệnh nhân nhiễm virus Dengue, mầm bệnh ủ trong cơ thể muỗi khoảng 1 đến 2 tuần. Trong thời gian này, muỗi vằn tiếp tục đốt và truyền bệnh người chưa nhiễm bệnh.

Sốt phát ban lại là bệnh do do nhiễm virus (70 - 80%), trong đó virút đường hô hấp luôn chiếm đa số bao gồm virus sởi, virus gây bệnh rubella, adeno virus, echo virus, nhóm enterovirus… Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc chảy mũi làm văng những giọt nước li ti nhiễm virus, người lành hít phải sẽ bị nhiễm bệnh.

Như vậy, nguyên nhân gây ra sốt xuất huyết và sốt phát ban là hoàn toàn không giống nhau, dẫn tới việc điều trị cũng khác nhau.

Phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban thông qua các triệu chứng

- Sốt cao

Sốt là biểu hiện chung của cả sốt xuất huyết và sốt phát ban.

Với các trường hợp sốt xuất huyết, bệnh nhân thường có biểu hiện sốt cao đột ngột (trên 39 độ), không rõ nguyên nhân. Các cơn sốt kéo dài và nối tiếp nhau trong suốt 2-7 ngày.

Ở bệnh sốt phát ban, sốt cao (39-40 độ) lại xuất hiện thành từng cơn, thường chỉ kéo dài 2-3 ngày.

- Triệu chứng trong cơn sốt

Các triệu chứng xuất hiện trong cơn sốt là dấu hiệu để phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban.

Trong cơn sốt xuất huyết, người bệnh thường kèm theo cảm giác đau đầu, đau nhức hai hốc mắt, đau mỏi cơ bắp, buồn nôn, nôn, chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc lợi. Với các trường hợp bệnh nặng hơn, sốt xuất huyết có thể gây chảy máu nội tạng, biểu hiện ra bên ngoài thông qua hiện tượng nôn hoặc đi vệ sinh ra máu, hành kinh bất thường,...

Sốt phát ban lại thường đi kèm với các triệu chứng viêm đường hô hấp như viêm, sưng đỏ họng, ho, ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi hoặc sưng to, nổi cục hạch vùng đầu, mặt, cổ,... Nặng hơn, sốt phát ban có thể gây ra viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm tai, biểu hiện là thở rít, chảy mủ tai,...

- Xuất huyết hay phát ban

Biểu hiện nổi bật của hai loại bệnh này cùng là các nốt đỏ xuất hiện từng vùng trên da. Vậy làm thế nào để phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban?

Để nhận biết, làm căng vùng da xung quanh nốt phát ban bằng cách sử dụng hai ngón tay cái và trỏ cùng bên. Nếu các nốt đỏ này vẫn là những chấm nhỏ li ti, hoặc màu đỏ mới xuất hiện lại sau 2 giây thì đây là các nốt xuất huyết. Ngược lại, nếu các chấm đỏ này mất đi, nhưng chúng lại phục hồi ngay khi buông tay ra thì đây là dấu hiệu sốt phát ban.

Tuy nhiên, để nhận biết nốt xuất huyết hay phát ban đòi hỏi sự quan sát rất kỹ. Nên kết hợp theo dõi thêm các triệu chứng khác để xác định bệnh. Nên chủ động tới gặp bác sĩ sớm để có phương pháp điều trị chính xác.

3. Phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi

Dấu hiệu sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, không trực tiếp lây từ người sang người mà thông qua muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) mang virus gây bệnh. Bệnh có thể xảy ra quanh năm ở các nước có khí hậu nhiệt đới nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.

Sau khi nhiễm bệnh từ 1 đến 2 tuần, các dấu hiệu sốt xuất huyết đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, các dấu hiệu ban đầu của bệnh thường khó để phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi hoặc các loại bệnh thông thường khác. Do đó, cần chú ý tới các dấu hiệu dưới đây để nhận diện bệnh sốt xuất huyết:

- Sốt cao đột ngột: Sau thời gian ủ bệnh, dấu hiệu sốt xuất huyết đầu tiên thường là sốt cao trên 39 độ không rõ nguyên nhân. Các cơn sốt xuất huyết thường nối tiếp nhau trong suốt 2-7 ngày và gây cảm giác ớn lạnh.

- Đau nhức: Trong thời gian sốt, cảm giác đau nhức cơ thể thường xuyên xuất hiện, kèm theo đó là đau đầu (chủ yếu ở sau gáy và 2 bên thái dương), đau nhức hai bên hốc mắt,... Ngoài ra, một số biểu hiện đau rát hoặc viêm đường hô hấp trên (ho khan, đau họng,...) cũng có thể xuất hiện trong thời gian này.

- Rối loạn tiêu hóa: Ngoài ra, triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết còn có thể là các dấu hiệu sốt xuất huyết như: buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị, táo bón hoặc tiêu chảy. Ở các trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể nôn ra máu hoặc đi cầu ra phân đen do xuất huyết trong.

- Xuất huyết dưới da: Đây là dấu hiệu để phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi cũng như các loại bệnh khác. Xuất huyết do virus dengue gây ra thường xuất hiện ở dưới da (trong cánh tay, đùi,...), các vùng niêm mạc và nội tạng.

Dấu hiệu sốt siêu vi

Sốt siêu vi dùng để chỉ các trường hợp bệnh do nhiều loại virus, siêu vi trùng gây ra. Sốt siêu vi là bệnh khá phổ biến, đặc biệt thường gặp ở trẻ em nhưng lại không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi sau 3-7 ngày.

Sốt siêu vi là bệnh không nguy hiểm, nhưng lại có một số dấu hiệu khá tương đồng với sốt xuất huyết và loại bệnh khác. Cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi nếu không chính xác có thể dẫn đến sai lầm trong điều trị. Do đó, cần lưu ý các dấu hiệu sốt siêu vi dưới đây:

- Sốt cao: Khi bị sốt siêu vi, bệnh nhân thường có sốt cao đột ngột từ 39 tới 40 độ theo từng cơn. Dấu hiệu này khá tương đồng với sốt xuất huyết, gây khó khăn trong việc phân biệt hai loại bênh,

- Đau nhức cơ: Cảm giác đau mỏi xuất hiện nhiều ở các cơ trong và sau cơn sốt siêu vi. Ở trẻ nhỏ, đây chính là nguyên nhân trẻ quấy khóc liên tục khi bị sốt siêu vi.

- Viêm đường hô hấp: Đi kèm với sốt cao là các triệu chứng viêm đường hô hấp như đau họng, viêm sưng họng, chảy nước mũi, hắt hơi,... Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị sưng to, đau và có thể sờ thấy ở các hạch khu vực tại đầu, mặt, cổ. Viêm kết mạc, chảy nước mắt liên tục cũng là triệu chứng của sốt siêu vi.

- Rối loạn tiêu hóa: Khi sốt siêu vi do các vi khuẩn, virus tấn công đường ruột, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa sẽ sớm xuất hiện như: đi ngoài ra phân lỏng, có chất nhày, không có máu,...


Tác giả: KP