Nếu bạn bị buồn nôn và nôn sau khi ăn xảy ra khi bạn sử dụng quá nhiều thức ăn trong một bữa ăn, điều này sẽ không đáng lo ngại quá nhiều bởi đây là sự đáp ứng bình thường của cơ thể khi dạ dày bị gia tăng áp lực đột ngột.
Nhưng nếu tình trạng buồn nôn và nôn sau khi ăn sảy ra thường xuyên thì đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bạn cần quan tâm.
Người ta thấy rằng, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng nôn và buồn nôn sau khi ăn. Những nguyên nhân thường gặp nhất bao gồm:
- Dị ứng thức ăn: Một số loại thức ăn không có hại khi sử dụng sẽ có thể gây nên phản ứng dị ứng biểu hiện bằng nổi mẩn, sưng miệng, buồn nôn và nôn sau khi ăn.
- Ngộ độc thực phẩm: Các loại thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus, chứa hóa chất,... khi sử dụng có thể gây nên ngộ độc, các triệu chứng thường gặp bao gồm buồn nôn và nôn sau khi ăn, tiêu chảy,..
- Thai kỳ: Sự thay đổi hormon trong khi mang thai có thể gây nên các biểu hiện khác nhau trên thai phụ, trong đó buồn nôn và nôn sau khi ăn là một triệu chứng hay gặp.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể gây nên buồn nôn và nôn sau ăn, cùng với đó là biểu hiện ợ nóng, ợ chua,...
- Lo lắng: Những yếu tố tâm lý tiêu cực như lo lắng hay căng thẳng cũng có tác dụng khác nhau lên sự hoạt động của dạ dày, điều này có thể gây nên nôn và buồn nôn.
- Bệnh túi mật: Các bệnh lý ở túi mật như nhiễm trùng túi mật, sỏi túi mật, tắc ống túi mật,... cũng có thể gây nên nôn và buồn nôn. Tuy nhiên đi kèm có thể có đau, biểu hiện nhiễm trùng,...
Ngoài ra, bệnh nhân cũng còn có thể gặp biểu hiện buồn nôn và nôn sau khi ăn do một số nguyên nhân khác như say tàu xe, hội chứng ruột kích thích, virus dạ dày,...
Như đã nói, nếu buồn nôn và nôn sau khi ăn xảy ra một cách thỉnh thoảng hoặc sau khi ăn quá nhiều thì đây là triệu chứng không quá đáng ngại.
Tuy nhiên nếu biểu hiện này kéo dài liên tục trên 1 tuần hoặc có đi kèm với các biểu hiện nghiêm trọng khác như nôn ra máu, đau ngực, vật vã, sốt, đau bụng dữ dội, các biểu hiện mất nước, không giữ được thức ăn cho nhu cầu cơ thể,... thì điều này có nghĩa bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán về nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp.
Trong trường hợp trẻ em, buồn nôn và nôn sau khi ăn nên được quan tâm nhiều hơn, bé nên được đến gặp bác sĩ khi buồn nôn và nôn sau khi ăn từ vài giờ hoặc 1 ngày không hết, sốt, tiêu chảy, các dấu hiệu của mất nước (môi khô, mắt trũng, háo nước,...).
Để chẩn đoán chính xác tình trạng buồn nôn và nôn sau khi ăn của bạn là do nguyên nhân gì, bác sĩ sẽ có thể yêu cầu bạn mô tả lại đặc điểm của biểu hiện buồn nôn và nôn, cùng với đó là các triệu chứng đi kèm khác. Bên cạnh đó bác sĩ cũng có thể sẽ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cần thiết khác như:
- Công thức máu.
- Các test dị ứng trên da.
- Chụp Xquang đường tiêu hóa.
- Nội soi đường tiêu hóa trên hoặc dưới.
- Siêu âm.
Dựa vào kết quả xét nghiệm và sự biểu hiện triệu chứng mà bác sĩ sẽ có định hướng chẩn đoán nguyên nhân gây buồn nôn và nôn sau khi ăn , từ đó đưa ra các chỉ định điều trị thích hợp cho từng nguyên nhân khác nhau.
Có thể thấy rằng, buồn nôn và nôn sau khi ăn có thể là triệu chứng báo hiệu cho một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đang xảy ra. Do đó, nếu buồn nôn và nôn sau khi ăn diễn ra liên tục hoặc đi kèm với các biểu hiện nghiêm trọng khác thì nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn dịch:
https://www.healthline.com/health/nausea-after-eating#diagnosis