BS. Trần Văn Phúc: “Tôi dự đoán ổ dịch Đà Nẵng lan ra các tỉnh dưới 400 ca!”

BS. Trần Văn Phúc: “Tôi dự đoán ổ dịch Đà Nẵng lan ra các tỉnh dưới 400 ca!”
Dịch bệnh sẽ còn phức tạp và sẽ có những ca tử vong. Do vậy, để chiến thắng đại dịch, chúng ta phải biết chọn con đường cao hơn để đi tới đích, đó là con đường của sự hiểu biết, can đảm, lòng trắc ẩn và tình yêu thương tràn ngập.

Chúng ta đã giành chiến thắng ở 2 giai đoạn XÂM NHẬP và LÂY NHIỄM CỤC BỘ

Đúng 6 giờ sáng nay: BYT công bố thêm 45 ca nhiễm mới!

Bạn bè lo lắng hỏi tôi, vậy Việt Nam có bao nhiêu ca nhiễm, tình hình nghiêm trọng đến đâu, liệu chúng ta có kiểm soát được hay không?

Tôi rất chia sẻ với câu hỏi của bạn, bởi tôi hiểu vi-rút SARS-CoV-2 không chỉ gây ra nỗi sợ hãi cho mỗi người, mà nó còn tạo nên những xung đột cảm xúc rất dữ dội, nó bắt người ta phải đấu tranh với đạo đức và văn hóa trong công tác phòng chống dịch, cũng như việc giải cứu cho từng người bệnh.

Trên khắp thế giới, các bệnh viện, phòng khám, trung tâm điều trị tràn ngập bệnh nhân, khiến cho người chết la liệt, ngay cả đường phố cũng có người tử vong. Hệ thống y tế công cộng lần lượt sụp đổ. Và sau đó là những tác động thứ cấp, như kinh tế lao dốc, các chính phủ bị căng thẳng, biểu tình và cướp bóc; nếu không được kiểm soát, các chuyên gia dự đoán sẽ có hàng trăm ngàn người bị giết chết ở mỗi quốc gia.

BS. Trần Văn Phúc: “Tôi dự đoán ổ dịch Đà Nẵng lan ra các tỉnh dưới 400 ca!” - Ảnh 1.

Chứng kiến dịch bệnh bùng phát, mạnh mẽ và bi thảm, điều tôi nhận thấy rõ nhất là trong một thế giới mở có sự liên kết chặt chẽ, COVID-19 bùng phát ở bất cứ đâu, ngay cả ở những ngôi làng xa xôi nhất và những góc khuất xa xôi nhất trên thế giới, vi-rút vẫn có khả năng tác động đến mọi quốc gia, đến mọi người trong số chúng ta.

Đó là lí do bắt buộc chúng ta phải huy động tất cả kiến thức và hiểu biết, tất cả năng lực y tế, tất cả các công nghệ có trong tay, để xây dựng một kịch bản phòng thủ chi tiết, nếu thiếu sự chuẩn bị và lập kế hoạch phối hợp ở tầm quốc gia và toàn cầu, thì mọi người sẽ phải trả giá bằng những cái chết rất bi thảm.

Là một quốc gia phải chịu quá nhiều thiên tai, địch họa và dịch bệnh, Việt Nam có một số khả năng mà nhiều quốc gia khác không có. Chúng ta có thể huy động cả dân tộc làm một cuộc chiến thần kì mà các quốc gia khác không thể. Và đó là những gì chúng ta đang cố gắng nhất hôm nay, để đẩy lùi đại dich COVID-19, chúng ta đã giành chiến thắng ở 2 giai đoạn XÂM NHẬP và LÂY NHIỄM CỤC BỘ, điều đó củng cố trong tôi niềm tin chúng ta sẽ giành chiến thắng ở giai đoạn 3 với tình trạng LÂY NHIỄM CỘNG ĐỒNG rất nguy hiểm.

Trong lúc chờ đợi các nhà khoa học và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe phát triển vắc-xin cho COVID-19, chúng ta có những công cụ phòng chống dịch hữu hiệu khác, sẵn có hơn theo ý của tôi.

"Tôi cũng dự đoán ổ dịch Đà Nẵng lan ra các tỉnh dưới 400 ca!"

Vậy đợt bùng phát này Việt Nam đang có bao nhiêu ca COVID-19?

Để giúp các bạn nắm bắt được khái niệm LÂY NHIỄM CỘNG ĐỒNG nguy hiểm như thế nào, tôi xin nhắc lại một chút về hệ số lây nhiễm R0, điều mà tôi đã viết rất rõ trong vài bài viết khi đại dịch vừa xảy ra.

Giải sử R0 = 5, thời gian vi-rút ủ bệnh trung bình = 3 ngày, khỏi bệnh = 15 ngày

Nghĩa là, từ 1 người mắc bệnh không được phát hiện can thiệp để kiểm soát, thì cứ sau 3 ngày người đó sẽ truyền bệnh cho 5 người, tiếp tục những người mới nhiễm lại truyền tiếp cho 5 người.

- Sau 3 ngày = (1 + 1x5 – 0) = 6 người.

- Sau 6 ngày = (6 + 5x5 - 0) = 31 người.

- Sau 9 ngày = (31 + 20x5 - 0) = 131 người.

- Sau 12 ngày = (131 + 80x5 - 0) = 531 người.

- Sau 15 ngày = (531 + 320x5 - 0) = 2.131 người.

- Sau 18 ngày = (2.131 + 1.280x5 – 1) = 8.530 người.

- Sau 21 ngày = (8.530 + 5.120x5 – 5) = 34.125 người.

- Sau 24 ngày = (34.125 + 20.475x5 – 31) = 136.469 người.

Giải sử R0 = 1, thời gian ủ bệnh trung bình = 3 ngày, khỏi bệnh = 15 ngày

- Sau 3 ngày = (1 + 1x1 – 0) = 2 người.

- Sau 6 ngày = (2 + 1x1 – 0) = 3 người.

- Sau 9 ngày = (3 + 1x1 – 0) = 4 người.

- Sau 12 ngày = (4 + 1x1 – 0) = 5 người.

- Sau 15 ngày = (5 + 1x1 - 1) = 5 người.

- Sau 18 ngày = (5 + 1x1 – 2) = 4 người.

- Sau 21 ngày = (4 + 1x1 – 3) = 2 người.

- Sau 24 ngày = (2 + 1x1 – 3) = 0 người nghĩa là hết dịch.

Giải sử R0 = 0,5 và thời gian ủ bệnh trung bình = 3 ngày, khỏi bệnh = 15 ngày

- Sau 3 ngày = (1 + 1x0,5 – 0) = 1,5 người.

- Sau 6 ngày = (1,5 – 0,5x0,5 – 0) = 1,75 người.

- Sau 15 ngày = (1,9375 + 0,0625x0,5 – 1) = 0,96875 người.

- Sau ngày 18 = hết dịch.

Tóm lại: R0 > 1 và càng lớn dịch càng tăng tốc mạnh. R0 = 1 là dịch đã được khống chế. R0 < 1 dịch lao dốc nhanh chóng, càng nhỏ càng lao dốc nhanh, sớm trở lại trạng thái bình thường.

Đà Nẵng trở thành ổ dịch lan ra các tỉnh khác, với tổng số ca nhiễm được phát hiện đến thời điểm này là 90 bệnh nhân, hoàn toàn mất dấu F0, nghĩa là một bệnh nhân xét nghiệm dương tính không biết họ là F thứ bao nhiêu, có thể F0 đầu tiên đã khỏi bệnh.

Vậy ca bệnh đầu tiên ở Đà Nẵng vào thời điểm nào?

Không có câu trả lời chính xác, nhưng qua các trường hợp như BN 499 đã đi nằm viện từ 26/6 đến nay qua các bệnh viện, thì không biết bệnh nhân lây từ thời điểm nào, nhưng đó là chỉ dấu gợi ý có thể dịch xuất hiện sớm từ đầu tháng 7.

Giả sử SARS-CoV-2 xuất hiện ở Đà Nẵng vào đầu tháng 7, có hệ số lây nhiễm R0 = 2,5 là con số thấp vẫn hay sử dụng, sử dụng mô hình toán học tổng hợp một số yếu tố tác động ngẫu nhiên do Đại học California San Diego xây dựng, thì con số bệnh nhân nhiễm ở thời điểm hiện tại sẽ vào khoảng 406.

Tôi cũng dự đoán ổ dịch Đà Nẵng lan ra các tỉnh dưới 400 ca!

Cần phải có biện pháp quyết liệt!

Biện pháp đầu tiên mà tôi rất mong muốn được, đó là "xét nghiệm, xét nghiệm, và xét nghiệm" mà tôi đã viết rõ ở 2 bài trước. Dịch xảy ra ở thành phố Deagu của Hàn Quốc còn kinh khủng hơn nhiều so với Đà Nẵng, vậy nhưng nhờ xét nghiệm thần tốc mà Hàn Quốc khống chế được chỉ chưa đến 2 tuần, Hàn Quốc chỉ phải khoanh vùng cách li từng khu phố nhỏ chứ không phải cách li cả một thành phố.

Tuy nhiên năng lực của Đà Nẵng chỉ có thể xét nghiệm 4500 ca.

Vậy để chống dịch, chúng ta còn một câu thần chú "thời gian là tất cả" với biện pháp "giãn cách xã hội - social distancing".

BS. Trần Văn Phúc: “Tôi dự đoán ổ dịch Đà Nẵng lan ra các tỉnh dưới 400 ca!” - Ảnh 2.

Giãn cách xã hội, được định nghĩa là các biện pháp được thực hiện để giảm tiếp xúc vật lí, là biện pháp phòng thủ cực kì hiệu quả để khống chế một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như COVID-19.

Tôi đã viết bài rất kĩ về giãn cách xã hội nên không nhắc lại.

Ở bài viết này, tôi xin trích dẫn nghiên cứu của Đại học California San Diego, xây dựng mô hình giãn cách xã hội cho quần thể nhiễm COVID với R0 = 0,25 và thời gian ủ bệnh 5 ngày, trong vòng 30 ngày giãn cách với những kết quả rất ngoạn mục.

Không giãn cách: sau 5 ngày một người lây cho 2,5 người, sau 30 ngày có 406 bệnh nhân. Giảm tiếp xúc 50%: sau 5 ngày một người chỉ lây cho 1,25 người, sau 30 ngày có 15 bệnh nhân. Giảm tiếp xúc 75%: sau 5 ngày một người chỉ lây cho 0,675 người, sau 30 ngày chỉ có 2,5 người nhiễm.

Giáo sư Kelso trên tạp chí BMC Public Health (2009) đã kết luận: "Các biện pháp can thiệp giãn cách xã hội rất quan trọng vì chúng là biện pháp duy nhất được bảo đảm để chống lại một chủng cúm mới trong giai đoạn đầu của đại dịch."

Nghĩa là, ở những giai đoạn đầu của đại dịch do chủng vi-rút mới, chúng ta chưa có nhiều hiểu biết để có biện pháp can thiệp thích hợp, thì giãn cách xã hội sẽ là giải pháp tối ưu.

Đà Nẵng và Hội An đã nâng thành "cách li xã hội".

Như vậy, biện pháp can thiệp mạnh nhất và hiệu quả nhất đã được áp dụng ở tâm dịch, tôi tin COVID-19 sẽ được khống chế. Thời điểm hiện tại chưa có chỉ dấu cho thấy xuất hiện các ổ dịch ở Hà Nội, Sài Gòn, hay các tỉnh khác; vì thế mà tôi cũng mong chờ cơ quan chức năng nhanh chóng xét nghiệm trên diện rộng nhóm người có nguy cơ, để ngăn chặn xuất hiện ổ dịch mất kiểm soát.

Dịch bệnh sẽ còn phức tạp và sẽ có những ca tử vong.

Để chiến thắng đại dịch, chúng ta phải biết chọn con đường cao hơn để đi tới đích, đó là con đường của sự hiểu biết, can đảm, lòng trắc ẩn và tình yêu thương tràn ngập.

Tác giả: BS. Trần Văn Phúc