Bộ não của trẻ em khi vừa sinh ra đã có khoảng 14 tỷ tế bào như người lớn. Cũng chia thành các phần như đại não, tiểu não, thân não…và có đủ 6 lớp màng não như người lớn. Chỉ có điều, các tế bào não chưa liên kết được nhiều và chưa biệt hóa được sâu. 80% hoạt động của não bộ (sự liên kết giữa các tế bào não) được hoàn thiện trong 3 năm đầu đời, 90% hoàn thiện trong 5 năm đầu đời. Và đến khi trẻ được 8 tuổi, hoạt động của não bộ mới hoàn thiện được như người lớn.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ trong quá trình hoàn thiện trong 5 năm đầu đời. Từ việc "sinh ra đã vậy" đến các hoạt động thường ngày và yếu tố môi trường. Tất cả đều có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sự phát triển não bộ và cảm xúc của trẻ. Đầu năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một khuyến cáo những việc nên làm để hạn chế những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực và giúp trẻ phát triển não bộ tốt nhất.
Trẻ em dưới 5 tuổi cần hạn chế thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử như điện thoại, tivi… hay thời gian nằm yên một chỗ trên ghế hoặc xe đẩy ở mức tối đa. Đồng thời, cần dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động cơ thể như chơi các trò chơi vận động trong nhà hoặc ngoài trời, hay giao tiếp với bố mẹ, chơi cùng các bạn nhỏ khác để trẻ phát triển tốt nhất về não bộ và cảm xúc. Những trẻ như vậy cũng sẽ có những giấc ngủ sâu và tốt hơn các trẻ khác.
Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện để cảnh báo tác hại của việc tiếp xúc nhiều với màn hình điện tử. Các nhà khoa học so sánh một nhóm trẻ tiếp xúc nhiều với màn hình điện tử và một nhóm trẻ khác tiếp xúc ít hơn. Qua một thời gian, họ chụp lại hình ảnh cộng hưởng từ của não để đánh giá cấu trúc và sự phát triển rồi so sánh 2 nhóm với nhau.
Và các nhà khoa học nhận thấy, ở nhóm trẻ ít tiếp xúc với màn hình điện tử hơn, não bộ có các tín hiệu phát triển tốt hơn. Cùng với đó, họ cũng so sánh sự phát triển về tinh thần và cảm xúc của 2 nhóm trẻ này. Họ nhận thấy nhóm trẻ tiếp xúc nhiều với màn hình điện tử thì kém tập trung hơn, dễ cáu gắt hơn, ít tò mò hơn, hoàn thành được một công việc hay trò chơi nào đó khó khăn hơn và ít giao tiếp hơn với các bạn nhỏ khác. Ngoài nghiên cứu này, cũng có nhiều nghiên cứu khác nữa để cảnh báo tác hại của việc tiếp xúc màn hình điện tử nhiều. Đồng thời cũng khuyến cáo tăng thời gian hoạt động và tiếp xúc với bố mẹ hoặc các bạn nhỏ khác.
Bác sĩ Fiona Bull, quản lý chương trình giám sát và ngăn ngừa các bệnh liên quan việc hạn chế giao tiếp của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) nói rằng: "Tăng các hoạt động vận động cơ thể, giảm thời gian ngồi một chỗ và đảm bảo giấc ngủ chất lượng ở trẻ em làm tăng sức khỏe thể chất, nâng cao sức khỏe tinh thần và ngăn ngừa nguy cơ béo phì cũng như các bệnh lý trong cuộc sống về sau này". Kiến thức này không mới đối với người lớn. Nhưng đối với trẻ em, thậm chí là cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì không phải người lớn nào cũng để ý. Và thực tế, chúng ta đang sai rất nhiều.
Ở xã hội hiện đại, việc trẻ em chơi điện thoại hay xem tivi nhiều không phải hiếm, thậm chí là phổ biến. Mình cũng đã gặp rất nhiều trường hợp ông bà hay bố mẹ dụ trẻ ăn bằng việc cho xem điện thoại hay dỗ trẻ khóc bằng một đoạn youtube nhiều hình. Có những trẻ ngồi yên một chỗ cầm điện thoại vuốt vuốt, bố ở bên cạnh ngồi uống cafe đọc sách, mẹ trong nhà làm việc riêng. Dần thành thói quen, và trẻ dần phụ thuộc.
Những việc mà người lớn vô tình tạo thành thói quen cho trẻ nhỏ như vậy, có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển não bộ cũng như cảm xúc của chúng sau này. Một ngày có 24 giờ, cần đảm bảo sao cho trẻ vừa hạn chế thời gian tiếp xúc màn hình điện tử, vừa tăng các hoạt động vận động và đủ thời gian có giấc ngủ chất lượng. Thời gian trẻ ngồi một chỗ, bố mẹ có thể chơi cùng trẻ, đọc truyện cho trẻ nghe hay hát cùng trẻ, hướng dẫn trẻ chơi trò chơi… Đó là các hoạt động tương tác, rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ hiện tại và sau này.
Trẻ < 1 tuổi nên:
Hoạt động thể chất vài lần mỗi ngày bằng các cách khác nhau như nằm nghịch trên sàn sạch (giường, đệm…). Trẻ cần được cho nằm ở tư thế ngửa ít nhất 30 phút hoặc kéo dài càng nhiều càng tốt khi trẻ thức. Đối với trẻ chưa lẫy được thì khi đó trẻ sẽ vận động được tay, chân, đầu. Không nên cho trẻ nằm yên trên xe đẩy lâu hơn 1 tiếng liên tục. Không tiếp xúc với màn hình điện tử. Khi trẻ nằm yên, bạn có thể đọc sách, kể chuyện hay hát cho con nghe. Có tổng 14-17 tiếng (với trẻ 0-3 tháng) hoặc 12-16 tiếng (với trẻ 4-11 tháng) dành cho giấc ngủ mỗi ngày, tính cả thời gian trẻ chỉ chợp mắt.
Trẻ từ 1-2 tuổi nên:
Dành ít nhất 180 phút mỗi ngày để thực hiện các hoạt động vận động ở bất kể cường độ nào. Vận động càng nhiều càng tốt. Không nên ngồi yên 1 chỗ quá 1 tiếng liên tục. Đối với trẻ hơn 1 tuổi, không nên tiếp xúc với màn hình điện tử. Đối với trẻ gần 2 tuổi, thời gian đó không nên quá 1 giờ, càng ít càng tốt. Khi trẻ ngồi một chỗ, các hoạt động kể chuyện, đọc sách…được khuyến khích làm. Có tổng 11-14 tiếng dành cho giấc ngủ mỗi ngày, tính cả khi trẻ chợp mắt.
Trẻ từ 3-4 tuổi nên:
Dành ít nhất 180 phút mỗi ngày để thực hiện các hoạt động vận động ở bất kể cường độ nào. Trong đó, có ít nhất 60 phút ở cường độ trung bình đến mạnh. Vận động càng nhiều càng tốt. Không nên ngồi yên 1 chỗ quá 1 tiếng liên tục. Thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử không nên quá 1 tiếng mỗi ngày, càng ít càng tốt. Có tổng 10-13 tiếng dành cho giấc ngủ mỗi ngày, tính cả khi trẻ chợp mắt.