BS Phạm Nguyên Quý: "Tiêu thụ lượng vừa phải thực phẩm đậu nành không làm tăng rủi ro tái phát ung thư vú"

BS Phạm Nguyên Quý: "Tiêu thụ lượng vừa phải thực phẩm đậu nành không làm tăng rủi ro tái phát ung thư vú"
Chúng ta không cần phải thần thánh hóa một loại thực phẩm đặc biệt nào cho bệnh nhân mắc ung thư vú mà nên theo chế độ ăn lành mạnh là đủ. Một chế độ ăn tốt không chỉ là cân bằng đầy đủ về dinh dưỡng mà còn phải khiến cho người bệnh cảm thấy vui vẻ, ngon miệng.

Liên quan đến vấn đề dinh dưỡng đối với bệnh nhân mắc ung thư vú, mới đây, TS. BS. Phạm Nguyên Quý (Khoa Ung thư nội khoa, BV Đại học Kyoto, Nhật Bản) đã giải đáp các thắc mắc nhằm giúp người bệnh mắc ung thư vú có một chế độ dinh dưỡng tốt hơn, tăng cường sức khỏe để chống lại bệnh tật.

1. Có nhiều đồn đoán cho rằng, bệnh nhân mắc ung thư vú nên tránh ăn đậu nành và hạt lanh. Tuy nhiên, theo 1 vài nghiên cứu, nếu tiêu thụ với lượng vừa phải thì sẽ không làm tăng rủi ro và tái phát ung thư vú. Xin BS cho ý kiến về điều này.

BS. Phạm Nguyên Quý:

Đúng là có nhiều tin đồn nói rằng bệnh nhân ung thư vú nên tránh ăn đậu nành và hạt lanh. Tuy nhiên, việc tiêu thụ một lượng vừa phải những thực phẩm có đậu nành và hạt lanh KHÔNG làm tăng nguy cơ tái phát ung thư vú.

Vấn đề liều lượng là rất quan trọng vì khi bệnh nhân hỏi "Tôi có nên ăn đậu nành không?", chúng ta cần hỏi ngược lại là "Chị ăn bao nhiêu". Rất nhiều người lo lắng thái quá, dẫn tới "tẩy chay" hoặc không dám dụng vào miếng đậu nào.

Thật ra đã có khá nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của đậu nành cũng như những thực phẩm khác trong quá trình điều trị ung thư vú. Điều có thể chắc chắn vào thời điểm này là KHÔNG/CHƯA CÓ NGHIÊN CỨU đủ độ tin cậy để khẳng định rõ ràng về mối quan hệ NHÂN QUẢ giữa đậu nành và kết quả điều trị ung thư. Đó là lý do mà những bác sĩ chuyên khoa hạn chế khuyên bệnh nhân nên ăn tích cực hay nên tránh hoàn toàn đậu nành. Những lời khuyên hoặc hiểu sai về dinh dưỡng cũng thường gây hoảng loạn.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng NGUỒN của đậu nành cũng rất quan trọng. Sử dụng thực phẩm có đậu nành toàn phần được cho là tốt cho sức khỏe, và nên ăn đậu nành ở dạng thực phẩm như đậu phụ, sữa đậu nành và hạt đậu nành.

Ngược lại, vì thực phẩm chức năng (TPCN), chất bổ sung từ đậu nành có chứa lượng đậm đặc đậu nành (thường có dạng viên và dạng bột) nhưng lại hay thiếu một số dưỡng chất có lợi khác có trong đậu nành toàn phần, các bác sĩ khuyên nên tránh. Trong khi đó, dầu đậu nành và nước tương không có nồng độ đậm đặc nên bệnh nhân không cần kiêng.

2. Vậy, "liều lượng vừa phải" ở đây là như thế nào, thưa BS?

BS. Phạm Nguyên Quý:

Lượng vừa phải đậu nành thường được nhắc tới trong các nghiên cứu là 1-2 khẩu phần/ ngày.

Một khẩu phần gồm: 1 cốc sữa đậu nành hoặc ½ bát ăn cơm đậu nành (còn gọi là đậu nành Nhật, edamame) hoặc đậu phụ.

Một số khuyến cáo khác "bảo thủ" hơn nhưng vẫn cho phép dùng 3-4 khẩu phần trong một tuần.

BS Phạm Nguyên Quý: "Tiêu thụ lượng vừa phải thực phẩm đậu nành không làm tăng rủi ro tái phát ung thư vú" - Ảnh 1.

3. Có không ít người lo ngại rằng đậu nành và hạt lanh có chứa estrogen thực vật và chúng có thể làm tăng nguy cơ ung thư bằng cách đính vào các thụ thể estrogen của người trong cơ thể. BS lý giải thế nào về vấn đề này?

BS. Phạm Nguyên Quý:

Estrogen thực vật là estrogen từ cây cối, không giống như estrogen của người. Một số người lo ngại rằng estrogen thực vật tương tự về hình dạng như estrogen người, nên chúng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú bằng cách đính vào các thụ thể estrogen của người trong cơ thể. Tuy nhiên không có nghiên cứu nào chứng minh rằng estrogen thực vật có thể làm ung thư phát triển. Chúng ta cũng không thể nạp vào estrogen người bằng việc ăn estrogen thực vật.

Đậu nành và hạt lanh có chứa estrogen thực vật, nhưng chúng không gây hại như nhiều người lầm tưởng.

4. Người mắc ung thư vú nên chú trọng những điều gì về vấn đề dinh dưỡng trong quá trình điều trị ung thư vú, thưa bác sĩ? Những loại thực phẩm nào nên tránh không sử dụng hoàn toàn hoặc hạn chế ăn?

BS. Phạm Nguyên Quý:

Một số thực phẩm người bệnh nên hạn chế là:

Thực phẩm nhiều chất béo: Việc hạn chế chất béo có thể cải thiện kết quả điều trị ung thư vú, mặc dù số liệu nghiên cứu vẫn chưa thật thống nhất. Tuy nhiên, nhiều tài liệu khuyến cáo nên hạn chế lượng chất béo nạp vào hằng ngày, nhất là chất béo bão hòa nên dưới 10% tổng năng lượng từ thực phẩm.

Thực phẩm có nhiều đường: Phụ nữ béo phì có lượng estrogen lưu thông trong cơ thể cao hơn và có thể gây ảnh hưởng xấu tới kết quả điều trị. Bánh kẹo và thức uống có đường, và các thực phẩm nhiều đường khác sẽ gây tăng cân. Nên hạn chế chúng trong chế độ ăn và dành chỗ cho những thực phẩm lành mạnh hơn.

Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn: Một số nghiên cứu cho thấy có thể có mối liên hệ giữa việc ăn thịt đỏ và ung thư vú. Phần lớn nghiên cứu là về các loại thịt đã qua chế biến (có nhiều chất béo, muối và nitrat) và thịt bò được nuôi với nhiều hormone và kháng sinh. Nếu muốn hạn chế lượng thịt đỏ, hãy thay đổi nguồn protein, như chuyển sang ăn cá, gà, trứng gà hoặc các loại đậu.

Thực phẩm chưa nấu chín: Một số phương pháp điều trị ung thư có thể làm giảm số lượng bạch cầu trong một giai đoạn nhất định. Khi đó, cơ thể thường không đủ sức chống lại vi khuẩn xâm nhập, và dễ bị nhiễm trùng hơn. Vì thế, bệnh nhân nên tránh các thực phẩm tươi như sushi và hàu trong quá trình điều trị. Nên nấu chín tất cả các loại thịt, cá và gia cầm đến nhiệt độ an toàn trước khi ăn.

Rượu: Rượu, bia có thể tương tác với các loại thuốc hóa trị mà người bệnh đang dùng. Uống rượu cũng là một yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư vú, và có thể ảnh hưởng nhiều hơn tới những bệnh nhân dương tính với thụ thể hormone.

5. Ngược lại, theo BS, những loại thực phẩm nào nên sử dụng thường xuyên hơn trong quá trình điều trị ung thư vú để tăng cường sức khỏe, chống lại bệnh?

BS. Phạm Nguyên Quý:

Nhìn chung, chúng ta không cần phải thần thánh hóa một loại thực phẩm đặc biệt nào mà nên theo chế độ ăn lành mạnh là đủ. Một chế độ ăn tốt không chỉ là cân bằng đầy đủ về dinh dưỡng mà phải làm bệnh nhân vui vẻ, ngon miệng. Việc đó quan trọng hơn gò ép người bệnh vào một chế độ ăn của "miền lạ" như Chế độ ăn Địa Trung Hải, dù được cho là có thể tốt hơn với người nước đó nhưng chưa chắc đã có ý nghĩa thực tế ở người Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi cũng xin giới thiệu qua một số loại thực phẩm thường bị thiếu trong bữa ăn hằng ngày mà bệnh nhân cần lưu ý bổ sung như sau:

Trái cây và rau quả

Trái cây và rau quả có đặc tính chống oxy hóa. Các loại rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ, cải xoăn rất tốt và giàu chất phytochemical. Trái cây và rau quả cũng có nhiều flavonoids và carotenoids, với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra beta carotene trong cà rốt, cam, gấc,... cũng có ích.

Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt là thực phẩm chưa qua chế biến có nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất. Một số nghiên cứu đã cho thấy dùng nhiều chất xơ có thể có tác động tích cực trong việc thay đổi các hoạt động nội tiết tố gây ung thư vú.

Protein nạc - và đậu nành

Ăn quá ít chất đạm và năng lượng là những vấn đề rất hay gặp ở những bệnh nhân ung thư. Việc có đủ chất đạm và năng lượng là rất quan trọng để lành bệnh, chống nhiễm trùng và có sinh lực tốt. Protein nạc và đậu nành là những nguồn protein tốt mà bệnh nhân nên lưu ý nạp đủ qua bữa ăn hằng ngày.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần bỏ thuốc lá, hạn chế khói thuốc lá, chăm chỉ tập thể dục và bổ sung tiếp xúc ánh sáng mặt trời thích hợp.

Xin cảm ơn BS.

Tác giả: Hằng Trần