BS. Huynh Wynn Tran: “Thải độc bằng cà phê - Nguy hiểm và không có bằng chứng khoa học”

BS. Huynh Wynn Tran: “Thải độc bằng cà phê - Nguy hiểm và không có bằng chứng khoa học”
Bài viết dưới đây của BS. Huynh Wynn Tran sẽ chỉ ra cho các bạn thấy sự nguy hiểm khi thải độc bằng cà phê qua đường hậu môn và không có bằng chứng khoa học, dựa vào các khuyến cáo các bệnh viện và trường y khoa như Harvard, Mayo Clinic, và Viện Y Sức Khỏe Hoa Kỳ (NIH).

1. Thải độc bằng cà phê là gì?

Trước tiên, thải độc bằng cà phê được hiểu là cách thụt rửa ruột già bằng cách đưa nước có chứa cà phê vào đường hậu môn. Thụt rửa ruột già là một thủ thuật y khoa, nhằm làm sạch bên trong ruột để bác sĩ có thể xem cấu trúc bên trong ruột (nội soi ruột) hay các chỉ định khác.

- Ruột già (colon) của chúng ta là phần cuối trong đường ống của hệ tiêu hóa, bắt đầu từ miệng, thực quản, bao tử, ruột non, và ruột già. Chức năng chính của ruột già là giữa nước, hấp thụ nước và hấp thụ các khoáng chất cho cơ thể. Bằng cách này, khi thức ăn đã qua xử lý đã đến ruột già (bã thức ăn) sẽ rắn lại, tạo thành phân và chuẩn bị đào thải ra ngoài.

- Khi phần cuối của ruột già (gọi là trực tràng) chứa đầy phân thì sẽ căng giãn ra, khiến chúng ta có cảm giác muốn đi cầu. Ruột già nắm giữ chức năng quan trọng trong việc cân bằng nước, các khoáng chất, và các chức năng quan trọng khác. Các bệnh về đường tiêu hóa cũng hay xảy ra ở ruột già như viêm ruột, bệnh trĩ, táo bón...

- Ruột già còn là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn sống cộng sinh, cả lợi và hại. Cơ thể chúng ta cần những vi khuẩn này để hấp thu và tiêu hủy thức ăn. Mỗi tối, khi chúng ta nhìn lên bầu trời sao bên đêm có hàng trăm ngàn vì sao, đó là số lượng vi khuẩn mà chúng ta có đang sống trong ruột già của mỗi người. Các nghiên cứu từ trường Y Harvard cho rằng hàng tỷ vi khuẩn sống trong ruột có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta, chẳng hạn như rủi ro mắc ung thư, bệnh thấp khớp, hay các bệnh mãn tính khác (1).

BS. Huynh Wynn Tran: “Thải độc bằng cà phê - Nguy hiểm và không có bằng chứng khoa học” - Ảnh 1.

Nói một cách dễ hiểu hơn là chúng ta cần vi khuẩn tốt trong ruột và chúng ta cần có sự cân bằng giữa vi khuẩn tốt và xấu. Khi có quá nhiều vi khuẩn xấu nảy nở sinh sôi trong ruột, chúng ta có thể bị bệnh (như viêm ruột) hay các bệnh khác.

- Trong thủ thuật thụt rửa ruột già bằng cà phê, một lượng lớn nước cà phê đưa vào bên trong đại tràng (khoảng 500cc-1000cc, thậm chí vài liters tùy vào các chỉ dẫn của các "bác sĩ online". Lượng nước cà phê này vào bên trong ruột già sẽ làm căng phình đại tràng, dẫn đến cảm giác muốn đi cầu, và "bệnh nhân" sẽ đi hết mọi thứ ra ngoài sau khi đút ống dẫn nước cà phê vào hậu môn. Khi thụt rửa như vậy, các khoáng chất, các vi khuẩn (tốt và xấu) mọi thứ đều sẽ bị xổ ra ngoài, để lại thành ruột già trơn tru và dễ bị viêm nhiễm khi bệnh nhân ăn uống trở lại.

Việc thụt rửa cà phê bắt đầu từ năm 1920s, khi một BS người Mỹ gốc Đức tên Max Gerson tìm ra các trị liệu nhức đầu của mình thông qua các dược chất từ tự nhiên, trong đó có dùng cà phê. Sau đó, ông cho rằng các chất này có thể chữa trị ung thư và nhiều bệnh khác. Trong bài lý luận của mình vào năm 1920s, Gerson cho rằng, cà phê, là chất kháng oxi hóa mạnh, có thể hấp thụ qua đường ruột già nhiều hơn so với đường miệng, đến 7x so với cách ăn uống hằng ngày, và ông cho rằng đây là cách tốt nhất để cho cơ thể đẩy ra các chất độc (2). Dĩ nhiên, các nghiên cứu về sau và cả FDA lẫn hội Ung thư Anh Quốc đều đã nhiều lần chứng minh các tuyên bố của Gerson là không có khoa học trong việc chữa trị (3).

Gần 100 năm sau, cách chữa trị này vẫn còn được lan truyền tại Việt Nam, Mỹ, và nhiều nơi trên thế giới.

2. Vì sao chọn cà phê làm chất thụt rửa?

Vì cà phê có tính kháng oxy hóa cao. Nhiều nghiên cứu chỉ ra tính năng sức khỏe tốt của cà phê, bao gồm uống cà phê có thể sống lâu hơn và tăng cường khả năng tập trung (xem video của tôi trên kênh Youtube số 140- Uống cà phê có thể sống lâu hơn với các trích dẫn nghiên cứu khoa học).

Vì vậy, nhiều người nghĩ rằng nếu cà phê tốt như vậy thì đem vào bên trong ruột già cũng sẽ tốt, giúp chống oxy hóa và thải độc. Đây là cách suy nghĩ nguy hiểm vì ruột già, như tôi phân tích bên trên, được thiết kế để hấp thu nước, khoáng chất, và là nơi chứa các vi khuẩn cộng sinh chứ không phải được thiết kế để xổ và đưa chất bên ngoài vào trong.

3. Thải độc bằng cà phê qua đường hậu môn nguy hiểm đến sức khỏe và không có bằng chứng khoa học

Rất nhiều bác sĩ và chuyên gia về bệnh đường tiêu hóa, các bệnh viện, và trường Y nổi tiếng đã cảnh báo về thủ thuật này từ rất lâu nhưng các bài viết trên mạng vẫn share đều đều do các "bác sĩ facebook" nghĩ ra.

Trường Y khoa Harvard, trong bài viết về "giải độc: cách chữa trị nghi ngờ" có chỉ ra thải độc bằng cách thụt rửa hậu môn bằng cà phê không có bằng chứng cải thiện sức khỏe mà còn dẫn đến rủi ro mất nước, mất cân cằng chất điện giải, ảnh hưởng đến khả năng đi vệ sinh, và mất cân bằng vi khuẩn cộng sinh (4).

- Bệnh viện Mayo Clinic cũng chỉ ra không có bằng chứng gì cho việc thụt rữa ruột già bằng cà phê sẽ tăng cường hệ miễn dịch, làm "sạch chất đột" và cải thiện sức khỏe (5). Trái lại, thủ thuật này còn có thể gây ra những biến chứng cực kỳ nguy hiểm như dẫn đến tử vong trong một vài trường hợp đã được đăng trên tạp chí y khoa JAMA (6).

- Làm thụt rửa nhiều lần có thể dẫn đến viêm bỏng thành niêm mạc bên trong ruột, có thể dẫn đến hoại tử phải cắt bỏ ruột như một vài ca bệnh do dùng thụt rửa cà phê đã công bố (7).

- Một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên khoa về tiêu hóa của Hội Bác Sĩ chuyên khoa đường tiêu hóa Hoa Kỳ American College of Gastroenterology đã công bố "Thụt rửa ruột già bằng cà phê là thủ thuật rủi ro sức khỏe, không có hiệu quả, và không có bằng chứng khoa học" (8).

- Viện sức khỏe Hoa Kỳ (NIH) chỉ ra thụt rửa thải độc là không khoa học, ngoài ra, trang còn trích dẫn cơ qua FDA đã đưa ra tòa nhiều công ty bán chất thụt rửa vì quảng cáo sai sự thật và gây tổn hại đến sức khỏe (9).

Còn rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác mà quý vị chỉ cần google "coffee enema complications" sẽ thấy ngay.

4. Tôi nghe người khác, thậm chí là giáo sư/bác sĩ nói hoặc có cuốn sách hướng dẫn thụt rửa cà phê là cách làm hiệu quả, vậy tôi nên tin ai?

Trong y khoa thực chứng, ý kiến của chuyên gia có giá trị thấp nhất (xem hình). Đơn giản là vì một bác sĩ/chuyên gia không thể hiểu và biết hết mọi thứ. Một số chuyên gia như là bác sĩ hay tiến sĩ, thậm chí đã từng đoạt giải Nobel như TS Pauling Linus, sau này đã có những phát biểu rất sai về vitamin C và ung thư.

BS. Huynh Wynn Tran: “Thải độc bằng cà phê - Nguy hiểm và không có bằng chứng khoa học” - Ảnh 3.

(Hình minh họa: Huynh Wynn Tran)

Mời quý vị nghe lại bài video của tôi về vitamin C (số #143) để xem các dẫn chứng khoa học. Y khoa luôn thay đổi với các bằng chứng mới cập nhật mỗi ngày nên ý kiến chuyên gia chỉ nên là tham khảo, không nên là bằng chứng. Khi ra tòa, các ý kiến chuyên gia cũng có giá trị thấp nhất.

Vì vậy, các bài viết của tôi dựa vào các nghiên cứu tổng hợp và các khuyến cáo từ những bệnh viên, tạp chí y khoa có tên tuổi, FDA, và viện sức khỏe Hoa Kỳ vì những nơi này có hàng ngàn bác sĩ và chuyên gia phân tích tổng hợp các nghiên cứu để tìm ra các bằng chứng khoa học. Dựa vào các bằng chứng này, bệnh viện Mayo, trường y khoa Harvard, v..v..sẽ đưa ra những khuyến cáo phù hợp.

5. Chúng ta có cần giải độc?

Bình thường, gan và thận chúng ta lọc và thải các chất độc ra ngoài mỗi ngày. Vì vậy, chúng ta không cần phải giải độc gì cả (xem video số ). Cái chúng ta cần là đừng nên đầu độc cho cơ thể bằng cách uống rượu (làm xơ gan), uống nhiều thuốc không có chỉ dẫn bác sĩ (làm hư thận), dẫn đến suy yếu 2 cơ quan quan trọng này.

Y khoa hiện nay không có bằng chứng là chúng ta "bị độc" và cần phải giải. Cơ thể chúng ta là một bộ máy kỳ diệu, có thể cân bằng và điều chỉnh các tổn thương trong cơ thể. Ví dụ như độ pH trong máu chúng ta luôn ở mức ổn định 7.4 (7.35-7.45) vì nếu độ pH cao hay thấp thì các protein sẽ không hoạt động tối ưu được. Các độc tố, nếu có, cũng sẽ luôn được cân bằng và đài thải ra ngoài. Khái niệm độc tố chỉ đơn giản là liều lượng.

6. Chế độ ăn uống lành mạnh chính là cách tốt nhất chống độc tố

Khi chúng ta ăn quá nhiều đồ bổ (protein từ đồ biển) thì chúng ta tích tụ nhiều độc tố gout dẫn đến viêm khớp. Khi đó, chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống thì độc tố này sẽ không còn nữa.

Khi chúng ta hút thuốc lá, chất độc Nicotin thấm vào máu và ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Chỉ cần bỏ thuốc là chúng ta đã ngừng tích tụ độc tố.

Khi chúng ta uống bia rượu là đã tự mang độc tố vào cơ thể. Ngưng bia rượu là đã giúp cơ thể đào thải chất độc.

Ăn quá nhiều đồ ăn, dù là không hại như rau củ cải, vẫn có thể trở thành độc do cơ thể không thể đào thải hết. Chế độ ăn uống căn bằng, ăn ngon, ăn ít, và ăn nhiều bữa, kết hợp với nước và tập thể dục là cách giải đột tốt nhất.

BS. Huynh Wynn Tran: “Thải độc bằng cà phê - Nguy hiểm và không có bằng chứng khoa học” - Ảnh 4.

7. Ai không nên tự thải độc cà phê tại nhà?

Nhìn chung, quý vị không nên tự thải độc cà phê tại nhà vì cách làm này vừa nguy hiểm, vừa không có khoa học. Những bệnh nhân dưới đây càng không nên thử vì có thể dẫn đến nhiễm trùng cấp hay tử vong.

Những bệnh nhân có bệnh về đường ruột như viêm ruột mãn tính, bệnh trĩ không nên tự thải độc vì cách làm này có thể sẽ khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính, có thể dẫn đến tử vong

Những bệnh nhân có bệnh mãn tính về tim mạch , thận, hay chất điện giải (thấp hay cao Sodium, Potassium) càng không nên làm vì mất nước và chất điện giải dẫn đến rối loạn nhịp tim, nguy hiểm đến tính mạng .

- Bệnh nhân ung thư càng không nên làm vì những rủi ro nêu trên.

8. Nên đi gặp BS nếu có thắc mắc về giải độc và thải độc thay vì đọc bài online

Sức khỏe là vàng. Quý vị nên gặp BS để được giải đáp các thắc mắc. Khi quý vị 50 tuổi thì quý vị cũng nên làm nội soi ruột, trong đó BS sẽ hướng dẫn quý vị các thụt rửa ruột già một cách an toàn.

Chúng ta mang độc tố vào cơ thể, rồi sau đó tự tìm cách giải độc nhanh chóng, một cách không dựa vào khoa học. Thay vào đó, chúng ta hãy thay đổi cách sống và chế độ ăn uống để đừng mang "độc tố" vào cơ thể. 


Tác giả: Hằng Trần