BS. Hoàng Phong Mỹ: "Uống ít nước có nguy cơ mắc sỏi tuyến nước bọt"

BS. Hoàng Phong Mỹ: "Uống ít nước có nguy cơ mắc sỏi tuyến nước bọt"
Sỏi tuyến nước bọt có thể được điều trị hiệu quả bằng việc lấy sỏi ống tuyến sẽ bảo tồn được tuyến dưới hàm. Trường hợp lấy bỏ sỏi muộn thì tuyến dưới hàm dễ viêm mạn xơ hóa, dẫn đến phải cắt bỏ tuyến.

Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Hoàng Phong Mỹ, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba.

Uống ít nước có nguy cơ mắc sỏi tuyến nước bọt - Ảnh 1.

Bác sĩ Hoàng Phong Mỹ, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba.

- PV: Bệnh lý sỏi tuyến nước là gì? Nguyên nhân từ đâu dẫn đến căn bệnh này?

- BS Hoàng Phong Mỹ: Sỏi tuyến nước bọt là một cấu trúc bị vôi hóa và hình thành bên trong ống dẫn tuyến nước bọt. Khi sỏi lớn nên dòng chảy của nước bọt có thể bị tắc gây sưng phồng, viêm ảnh hưởng đến các dây thần kinh vùng mặt. Khi sỏi lắng đọng ở các ống tuyến gây bít tắc các ống tuyến làm nước bọt tắc nghẽn 1 phần hoặc tắc nghẽn 1 phần. 

Nguyên nhân hình thành sỏi tuyến nước bọt do lắng đọng thành phần muối canxi carbonat hoặc canxi photphat trong ống tuyến nước bọt. Ban đầu, muối bám vào thành ống tuyến, sau đó lắng đọng dần thành cục muối, tạo ra sỏi.

- PV: Sỏi tuyến nước bọt có triệu chứng như thế nào?

- BS Hoàng Phong Mỹ: Triệu chứng của bệnh sỏi tuyến nước bọt: Khi ăn bệnh nhân bị đau tức do bị tắc nghẽn. Một điều nữa là, khi nước sỏi tích tụ lâu gây viêm tuyến nước bọt, đa phần gặp ở viêm phần dưới hàm chiếm tới 90%, sỏi tuyến mang tai ít gặp, mỗi năm bệnh viện chỉ tiếp nhận 10-15 trường hợp. Độ lớn của viên sỏi có thể nhỏ như đầu tăm đến to vài cm. Sỏi có thể nằm trong ống tuyến nước bọt (kích cỡ khoảng 2 mm) hoặc nằm trong tuyến nước bọt.

Khi bị đi bị lại nhiều lần dẫn tới tuyến nước bọt bị xơ hóa, nhiều trường hợp phải phẫu thuật cắt tuyến nước bọt. Có ba đôi tuyến nước bọt chính: Tuyến nước bọt dưới lưỡi, dưới hàm và mang tai cả hai bên và các tuyến nước bọt phụ nằm trong cấu trúc khoang miệng.

Uống ít nước có nguy cơ mắc sỏi tuyến nước bọt - Ảnh 2.

Bác sĩ Hoàng Phong Mỹ tiến hành thăm khám cho 1 bệnh nhân mắc bệnh sỏi tuyến nước bọt.

- PV: Sỏi tuyến nước bọt nguy hiểm như thế nào thưa Bác sĩ? Lượng bệnh nhân mắc bệnh lý này có nhiều không?

- Bác sĩ Hoàng Phong Mỹ: Độ lớn của viên sỏi có thể nhỏ như đầu tăm đến to vài cm. Khi vào viện, bác sĩ có thể sờ thấy viên sỏi nằm ngay dưới sàn miệng, một số khác phải siêu âm, kiểm tra hình ảnh để đánh giá.

Cách đây vài ngày, chúng tôi vừa tiếp nhận bệnh nhân Lê Thị Minh, 84 tuổi ở Mê Linh, Hà Nội cho biết, bà thấy vùng miệng sưng đau nhiều tháng nay, đi khám ban đầu không ra bệnh. Khi đến Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, Hà Nội thăm khám, chúng tôi phát hiện bên trong miệng bệnh nhân có viên sỏi tuyến nước bọt rất lớn, gắp ra có kích thước 1,3x0,4 cm, tương tự hình chiếc răng.

Trường hợp khác là nữ bệnh nhân 32 tuổi ở Hà Nội, thường xuyên thấy đau sưng một bên má, ban đầu nghĩ viêm lợi nên tự uống kháng sinh. Tuy nhiên chỉ đỡ được 2 tuần, tình trạng viêm lại tái phát. Tại bệnh viện, bác sĩ kết luận có sỏi tuyến nước bọt, phải phẫu thuật để gắp bỏ.

Uống ít nước có nguy cơ mắc sỏi tuyến nước bọt - Ảnh 3.

Viên sỏi được tìm thấy trong miệng của bệnh nhân. (Ảnh: BS cung cấp)

Với trường hợp sỏi trong tuyến kích cỡ lớn gây sưng đau nhiều, viêm nhiễm, 100% đều có chỉ định cắt bỏ toàn tuyến nước bọt. Ở giai đoạn sớm, sỏi tuyến nước bọt gần như không có triệu chứng, khi kích thước lớn sẽ gây sưng, đau, gây bít tắc ống tuyến nước bọt khiến nước bọt tiết ra ít hoặc không thể tiết ra. Bệnh nhân nếu không được chẩn đoán bệnh chính xác, chỉ điều trị kháng sinh, tình trạng đau sẽ đỡ ít ngày sau đó sẽ tái phát, càng về sau càng nặng, nhất là bị áp xe ống tuyến. Có thể trở thành viêm mạn tính. Đôi khi, nhiễm trùng lan tỏa cả vùng sàn miệng, tiên lượng rất nặng nề.

Uống ít nước có nguy cơ mắc sỏi tuyến nước bọt - Ảnh 4.

BS kiểm tra hình ảnh của bệnh nhân để chẩn đoán bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

PV: Làm thế nào để phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý sỏi tuyến nước bọt?

Bác sĩ Hoàng Phong Mỹ: Khi bệnh nhân có vấn đề như ăn uống bị đau tức hoặc bệnh nhân bị sưng đi sưng lại vùng dưới hàm, vùng mang tai thì nên đi khám và kiểm tra tại các bác sĩ chuyên gia. 

Hiện nay, đã có dụng cụ nội soi tuyến nước bọt. Nếu sỏi trong ống tuyến có kích cỡ dưới 4 mm, chúng tôi có thể phẫu thuật nội soi để nong và gắp sỏi hoặc rạch lấy sỏi. Kích thước lớn hơn, bác sĩ sẽ phải dùng sóng siêu âm, tán nhỏ sỏi trước khi lấy ra ngoài. 

PV: Sỏi tuyến nước bọt có nguy cơ tái phát như thế nào?

Bác sĩ Hoàng Phong Mỹ: Những người có cơ địa sỏi tuyến nước bọt thường có nguy cơ bị lại. Khi lấy hòn sỏi làm thông thoáng tuyến nước bọt thì bệnh nhân cần uống nhiều nước, ăn đồ chua để tăng kích thích tiết nước bọt. Nếu để bít tắc sẽ gây ứ nước bọt trong tuyến gây viêm nhiễm, sưng đau. Và khi để lâu có thể gây áp xe, nặng nề nhất là ảnh hưởng đến các dây thần kinh vùng mặt gây méo miệng, tê bì,...

PV: Bác sĩ có lời khuyên gì cho người dân để phòng tránh căn bệnh này?

Bác sĩ Hoàng Phong Mỹ: Để phòng tránh sỏi tuyến nước bọt người dân nên uống nhiều nước, khi phát hiện các vấn đề bất thường nên đi khám ngay để điều trị kịp thời. Đồng thời người dân cũng nên thường xuyên khám tầm soát bệnh lý về răng, nướu, và viêm niêm mạc miệng theo định kỳ ở các cơ sở y tế uy tín và chất lượng.

PV: Trân trọng cảm ơn Bác sĩ./.

Tác giả: Bình An