Bong gân là tình trạng dây chằng (cấu trúc nối giữa 2 hoặc nhiều xương quanh 1 khớp) bị căng quá mức hoặc bị rách gây đau, giảm hoặc mất vận động khớp. Ngoài vị trí bong gân phổ biến là khớp cổ chân thì bong gân ngón tay cũng dễ xảy ra. Cả bong gân ngón tay và trật khớp ngón tay đều có thể gây đau và sưng tấy.
Bong gân ngón tay được phân loại theo mức độ từ nhẹ tới nặng:
- Bong gân cấp độ 1
Bong gân cấp độ một được coi là nhẹ khi dây chằng bị kéo căng nhưng không bị rách. Các triệu chứng có thể bao gồm:
+ Đau khi di chuyển ngón tay
+ Bầm tím và/hoặc sưng ở ngón tay hoặc khớp ngón tay
+ Khớp ngón tay bị đau hoặc cứng.
Đọc thêm:
+ Bong tróc da đầu ngón tay: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa
+ Ngón tay sưng phù: nguyên nhân và cách khắc phục
- Bong gân cấp độ 2
Bong gân cấp độ hai dẫn đến tổn thương dây chằng nhiều hơn, chẳng hạn như rách một phần cũng có thể ảnh hưởng đến khớp ngón tay. Các triệu chứng có thể bao gồm:
+ Đau ngón tay, khớp ngón tay kéo dài
+ Sưng tấy ngón tay
+ Yếu cơ ngón tay
+ Khớp gần khu vực bị tổn thương giảm phạm vi hoạt động.
- Bong gân cấp độ 3
Bong gân ngón tay cấp độ 3 là tình trạng bong gân nghiêm trọng dẫn tới rách dây chằng, cơ hoặc gân nghiêm trọng hoàn toàn với các triệu chứng có thể bao gồm:
+ Đau và sưng tấy ngón tay nghiêm trọng
+ Phạm vi chuyển động hạn chế
+ Ngón tay có hình dạng bất thường có thể kèm theo đổi màu ngón tay
+ Có thể có âm thanh "rắc" khi chấn thương xảy ra.
Các triệu chứng của ngón tay bị bong gân và căng cơ ngón tay thường dễ bị nhầm lẫn do bản chất tổn thương là giống nhau với các biểu hiện là sưng, đau vùng cơ và khớp bị tổn thương cũng như phạm vi chuyển động ngón tay bị giảm.
Triệu chứng chính giúp phân biệt bong gân ngón tay và tình trạng căng cơ chính là dấu hiệu bầm tím xung quanh khớp xảy ra nếu bạn bị bong gân còn căng cơ khiến khớp có cảm giác bị co thắt.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bong gân ngón tay, bất cứ khi nào ngón tay của bạn thực hiện các hoạt động cần uốn cong ngón, chẳng hạn như chơi thể thao. Bong gân có thể xảy ra ở bất kì khớp của đốt ngón tay nào trên bàn tay của bạn. Tuy nhiên, theo Very Well Health, khớp giữa của ngón tay (hay còn gọi là khớp ngón gần PIP) là khớp dễ bị bong gân nhất.
Nếu bị bong gân ngón tay, một số trường hợp có thể cần chụp X-quang để kiểm tra xem có xương tay nào bị gãy hay không. Nếu xương ngón tay bị gãy, bạn cần điều trị bằng cách cố định chỗ gãy, phẫu thuật sắp xếp lại xương gãy,.. tùy theo loại gãy ngón tay và mức độ nghiêm trọng.
Có nhiều cách để xử lý ngón tay bị bong gân, chẳng hạn như phương pháp RICE. Phương pháp RICE là viết tắt của từ Rest (nghỉ ngơi), Ice (chườm lạnh), Compression (Nén, ép), và Elevation (nâng cao). Đây là một phương pháp phổ biến để điều trị chấn thương như bong gân ngón tay. Cụ thể:
+ Rest (Nghỉ ngơi): Hạn chế hoặc ngưng các hoạt động có thể làm tăng đau hoặc tổn thương thêm ngón tay bị bong gân.
+ Ice (Chườm lạnh): Dùng bọc đá lạnh chườm lên ngón tay bị bong gân để giảm sưng và đau. Nên chườm trong 10 - 20 phút mỗi lần và lặp lại nhiều lần trong 2 - 3 ngày đầu tiên.
+ Compression (Nén): Quấn nhẹ ngón tay bị bong gân bằng băng nén chuyên dụng để giảm sưng, nhưng không được quá chặt làm cản trở tuần hoàn máu. Nếu có cảm giác tê, ngứa ran hoặc ngón tay đau nhiều hơn thì bạn cần nới nỏng băng.
+ Elevation (Nâng cao): Giữ ngón tay ở vị trí cao hơn mức tim bất cứ khi nào ngồi hoặc nằm.
Ngoài phương pháp RICE thì người bị bong gân ngón tay cũng có thể được điều trị bằng:
- Thuốc không kê đơn như ibuprofen chống viêm hoặc thuốc giảm đau acetaminophen.
- Cố định ngón tay bị bong gân vào ngón tay bên cạnh trong khi chờ tổn thương lành lại
- Nẹp ngón tay bị bong gân khi cần hoạt động để tránh ngón tay bị thương nghiêm trọng hơn, tuy nhiên cần thận trọng về thời gian nẹp ngón tay bởi nẹp ngón tay trong thời gian dài có thể dẫn tới cứng khớp.
- Phẫu thuật trong trường hợp ngón tay bị đứt dây chằng hoặc đứt gân.
Nếu bạn không bị gãy xương hoặc trật khớp, bạn có thể cử động ngón tay bị bong gân trở lại sau khoảng một tuần. Tùy từng trường hợp và mức độ bong gân mà mức độ hồi phục sẽ khác nhau và thời điểm bạn có thể sử dụng ngón tay đó trở lại cũng khác nhau.
Bong gân ngón tay cái và một số tình trạng bong gân ngón tay ở trẻ em có thể cần phải nẹp hoặc bó lâu hơn, đặc biệt nếu dây chằng ngón tay đó bị rách nên có thể mất tới vài tuần hoặc thậm chí vài tháng với các trường hợp nặng cần dùng nẹp. Đôi khi một người bị bong gân ngón tay cần phải tập vật lý trị liệu cho ngón tay bị bong gân để lấy lại chức năng vận động đầy đủ. Khi ngón tay và tình trạng sưng tấy giảm bớt, điều quan trọng là bạn cần cử động ngón tay càng nhiều càng tốt nếu cảm thấy thoải mái.
Bạn cần thăm khám bác sĩ sớm nếu ngón tay bị bong gân sưng và cứng nghiêm trọng hơn trong một vài tuần. Nói cách khác, mặc dù bong gân ngón tay có thể dễ dàng điều trị và chăm sóc bong gân tại nhà nhưng nếu các triệu chứng bong gân không biến mất hoặc cải thiện sau khi nghỉ ngơi và điều trị tại nhà (24 - 48 giờ đầu tiên); xương hoặc khớp ngón tay bị biến dạng hoặc có triệu chứng gãy ngón tay rõ ràng; sưng tấy ngón tay và/hoặc đau dữ dội; có cảm giác ngứa ran, tê hoặc liệt ngón tay bị tổn thương thì bạn cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Để phòng ngừa tình trạng bong gân ngón tay, hãy thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh và độ linh hoạt cho tay và ngón tay, sử dụng thiết bị bảo hộ khi tham gia các hoạt động thể thao và học cách sử dụng đúng kỹ thuật khi nắm và cầm các vật dụng.
Nguồn dịch tham khảo:
1. How to Treat a Sprained Finger