Bong gân cổ chân là gì? Xử lý chấn thương bong gân cổ chân đúng cách

Bong gân cổ chân là gì? Xử lý chấn thương bong gân cổ chân đúng cách
Bong gân cổ chân hay còn gọi là bong gân khớp cổ chân là một tình trạng bệnh lý phổ biến với tổn thương căn bản là sự tổn thương dây chằng. Hầu hết các trường hợp bong gân cổ chân là do nguyên nhân chấn thương gây nên.

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương dây chằng trên thực tế mà bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân bị bong gân cổ chân điều trị bảo tồn hoặc tiến hành phẫu thuật.

1. Bong gân cổ chân là gì?

Khớp cổ chân là một khớp lớn, chịu đựng toàn bộ sức nặng của cơ thể và có cường độ hoạt động cao. Một khớp cổ chân bình thường sẽ có dạng gọng kìm tạo bởi đầu dưới xương chày và xương mác ôm lấy xương sên. Trong trạng thái sinh lý, hình dạng khớp cổ chân sẽ được giữ vững bởi hệ thống dây chằng cố định khớp, bao gồm các dây chằng delta, dây chằng chày mác dưới, dây chằng mác sên trước, mác sên sau,...

Khi một hoặc nhiều dây chằng của hệ thống dây chằng khớp cổ chân bị tổn thương gây giãn quá mức, rách một phần hoặc đứt hoàn toàn sẽ gây nên tình trạng bệnh lý bong gân khớp cổ chân.

Tổng hợp những điều cần biết về bong gân cổ chân - Ảnh 1.

Bong gân cổ chân gây nên do sự tổn các dây chằng tại khớp cổ chân (Ảnh: Internet)

2. Các nguyên nhân gây nên bong gân khớp cổ chân

Trên thực tế, người ta ghi nhận bong gân cổ chân có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản thì ta có thể sắp xếp các nguyên nhân gây bong gân cổ chân thành hai nhóm, bao gồm bong gân cổ chân do chấn thương và bong gân cổ chân tái phát.

Đọc thêm:

+ Các chấn thương trong thể thao thường gặp

+ Làm cách nào để phòng tránh chấn thương khi tập thể dục mùa hè

2.1. Bong gân cổ chân do chấn thương

Chấn thương (té ngã, nhảy từ trên cao xuống, bàn chân bị lật vào trong hay ra ngoài,...) là nhóm nguyên nhân thường gây nên bong gân cổ chân nhất mà chúng ta gặp. Các lực tác động lên khớp cổ chân quá mạnh hoặc theo hướng không thích hợp khiến dây chằng giãn quá giới hạn sinh lý bình thường, gây tổn thương dây chằng và khiến bệnh nhân bị bong gân cổ chân.

Người ta nhận thấy rằng, có một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ bị bong gân cổ chân do chấn thương như:

- Thể chất kém, trương lực cơ và sức bền của hệ thống dây chằng kém dễ khiến khớp cổ chân bị bong gân hơn.

- Béo phì khiến khớp cổ chân phải chịu áp lực lớn hơn so với cấu tạo của nó, nên người bị béo phì cũng dễ bị bong gân cổ chân hơn người có thể trạng bình thường.

- Nam giới có tần suất mắc bong gân cổ chân cao hơn nữ giới từ 3 lần.

- Những người có cường độ hoạt động khớp cổ chân nhiều như công nhân lao động, vận động viên,...

- Sự thiếu hiểu biết về các kỹ thuật đúng khi thực hiện các động tác có tác động lớn lên khớp cổ chân, điều này dễ gây nên bong gân khớp cổ chân.

- Hoạt động trên bề mặt không phẳng dễ khiến bàn chân bị lật ra các hướng không thích hợp gây bong gân.

2.2. Bong gân khớp cổ chân tái phát

Bong gây khớp cổ chân tái phát cũng là một trong các nguyên nhân gây bong gân không hiếm gặp, nó thường xảy ra ở các bệnh nhân đã từng có tiền sử bị bong gân khớp cổ chân trong quá khứ. Cơ chế chính dẫn đến bong gân tái phát là gì hiện vẫn đang còn nhiều tranh cãi, nhưng người ta cho rằng bong gân tái phát chủ yếu gây ra do:

- Dây chằng bị kéo dài do các mô sẹo lấp đầy khoảng trống giữa hai đầu dây chằng bị đứt. Dây chằng dài ra khiến khớp lỏng lẻo hơn và dễ bị bong gân hơn.

- Giảm chức năng phản xạ của bàn chân do hệ thống thần kinh bị tổn thương khiến bàn chân dễ bị di chuyển với các hướng không thích hợp.

- Các mô sẹo hình thành trong lần bong gân trước có thể cản trở sự hoạt động bình thường của khớp cổ chân, khiến nó dễ bị bong gân.

3. Triệu chứng bong gân cổ chân là gì?

Nhìn chung, triệu chứng của bong gân cổ chân khá đa dạng từ nhẹ đến nặng nề phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các tổn thương dây chằng cổ chân. Trong đó, những triệu chứng này thường dễ nhận thấy và điển hình hơn với bong gân cổ chân do chấn thương hơn là bong gân cổ chân tái phát. Các triệu chứng chính của bong gân cổ chân có thể kể đến như:

- Đau: Đau là triệu chứng có trong hầu hết các trường hợp và thường xuất hiện sớm sau khi bệnh nhân bị chấn thương gây trật khớp. Cường độ đau thay đổi tùy thuộc vào mức độ tổn thương dây chằng và các tổ chức xung quanh.

- Thay đổi màu sắc da: Thay đổi màu sắc da là triệu chứng cũng rất thường gặp khi bị bong gân cổ chân, da vùng cổ chân có thể thay đổi màu sắc thành bầm tím.

- Sưng nề: Sau khi bị bong gân cổ chân, khu vực cổ chân của bệnh nhân sẽ thường bị sưng nề.

- Giảm khả năng chịu lực của khớp cổ chân: Bệnh nhân có thể cảm thấy khớp cổ chân của mình dường như yếu hơn, khó có thể chịu được lực tác động khi thực hiện các động tác như bình thường.

- Khớp cổ chân lỏng lẻo: Đây là triệu chứng thường được phát hiện bởi các bác sĩ khi thăm khám hơn là bệnh nhân tự phát hiện. Với các nghiệm pháp kiểm tra, bác sĩ có thể nhận thấy và đánh giá sự lỏng lẻo của khớp cổ chân bệnh nhân so với bình thường. Đây là một dấu hiệu tương đối đặc hiệu cho tình trạng bong gân cổ chân.

Tổng hợp những điều cần biết về bong gân cổ chân - Ảnh 2.

Đau là triệu chứng thường gặp hàng đầu trong bong gân cổ chân (Ảnh: Internet)

4. Bong gân cổ chân làm xét nghiệm kiểm tra gì?

Để chẩn đoán bong gân cổ chân, các xét nghiệm được thực hiện chủ yếu là các xét nghiệm hình ảnh học như chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp X-Quang.

- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phim chụp công hưởng từ có độ nhạy cao với các tổn thương mô mềm, các mô có chứa nhiều nước. Do đó, chụp cộng hưởng từ có giá trị cao trong chẩn đoán bong gân cổ chân. Nó cho phép thấy được hình ảnh chi tiết về các tổn thương trên dây chằng mà bệnh nhân gặp phải.

- X-Quang: Khác với chụp cộng hưởng từ, chụp X-Quang không thể giúp đánh giá chi tiết mức độ tổn thương của dây chằng, nhưng nó cho phép tìm kiếm, đánh giá tình trạng gãy xương đi kèm với bong gân cổ chân.

5. Phân loại mức độ bong gân cổ chân

Mức độ của bong gân cổ chân được phân loại dựa vào mức độ tổn thương dây chằng trên thực tế. Người ta chia bong gân cổ chân làm 3 mức độ, bao gồm:

- Mức độ 1: Dây chằng của bệnh nhân bị giãn quá mức nhưng vẫn còn liên tục và chưa có hình ảnh bị rách. Bệnh nhân thường chỉ có triệu chứng sưng, đau nhẹ tại khớp cổ chân.

- Mức độ 2: Dây chằng của bệnh nhân bị rách một phần nhưng chưa bị đứt rời. Các biểu hiện có thể nặng nề hơn mức độ 1. Bệnh nhân cảm thấy sưng đau nhiều hơn, bầm tím do chảy máu và cảm thấy cổ chân yếu hơn rõ rệt.

- Mức độ 3: Dây chằng bị đứt rời hoàn toàn. Các triệu chứng xảy ra rầm rộ và dữ dội, sưng đau nhiều hơn, bầm tím rõ ràng hơn và khả năng chịu lực cũng giảm nhiều hơn so với mức độ 2.

6. Cách chữa bong gân cổ chân như thế nào?

6.1. Sơ cứu ngay khi bị bong gân

Ngay sau khi bệnh nhân có các biểu hiện nghi ngờ bong gân như đau, sưng nề, giảm vận động, khớp lỏng lẻo,... thì cần thực hiện ngay các bước sơ cứu ban đầu cho người bệnh. Sơ cứu đúng cách giúp giảm nhẹ triệu chứng cho người bệnh, và hạn chế được các nguy cơ do những tổn thương đi kèm với trật khớp như gãy xương,...

- Hạn chế vận động khớp cổ chân: Sau khi bị chấn thương, bệnh nhân cần phải hạn chế vận động vùng khớp cổ chân bằng cách chống nạng, gậy,... Nếu đau nhiều, chấn thương mạnh thì nên bất động khớp cổ chân cho đến khi được bác sĩ chẩn đoán chính xác.

- Chườm lạnh: Chườm lạnh bằng nước đá giúp giảm sưng nề và giảm đau đớn cho người bệnh.

- Băng ép: Bằng ép vừa giúp giảm sưng nề tại vùng khớp cổ chân vừa giúp hỗ trợ hạn chế vận động khớp, do đó nên tiến hành bằng ép cổ chân khi nghi ngờ có trật khớp. Tuy nhiên, không nên băng ép quá chặt dễ làm cản trở tuần hoàn nuôi dưỡng bàn chân.

- Kê cao chân: Kê cao chân giúp chống ứ đọng máu tĩnh mạch tại chân, máu dễ đổ về tim hơn nên giúp bệnh nhân giảm sưng nề.

Sau khi thực hiện các bước sơ cứu cho bệnh nhân, hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tổng hợp những điều cần biết về bong gân cổ chân - Ảnh 3.

Chườm lạnh đúng cách sau khi bị bong gân cổ chân giúp giảm đau và giảm sưng nề cho bệnh nhân (Ảnh: Internet)

6.2. Điều trị bảo tồn

Sau khi bệnh nhân được đưa tới bệnh viện và thực hiện các kiểm tra cần thiết, vấn đề lựa chọn phương pháp điều trị sẽ được cân nhắc đưa ra. Trong đó, điều trị bảo tổn là phương pháp được ưu tiên cho các trường hợp bong gân cổ chân mức độ nhẹ.

Các nội dung chính trong điều trị bảo tồn cho bệnh nhân bong gân cổ chân bao gồm:

- Hạn chế vận động: Hạn chế vận động giúp giảm đau cho bệnh nhân và cũng được chứng minh rằng có thể giúp thúc đẩy nhanh hơn quá trình chữa lành mô tổn thương của dây chằng. Tuy nhiên, người bệnh cũng được khuyên rằng nên vận động trong tầm vận động mà người bệnh không cảm thấy đau, điều này sẽ làm tăng lưu lượng tuần hoàn máu nuôi và hỗ trợ cung cấp nguyên liệu cho quá trình phục hồi vết thương.

Để hỗ trợ người bệnh hạn chế vận động, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng nẹp vải hoặc bó bột. Mỗi loại dụng cụ đều có ưu và nhược điểm khác nhau chẳng hạn như nẹp vải có ưu điểm dễ thực hiện, dễ vệ sinh, thoải mái cho người bệnh hơn bó bột nhưng khả năng bất động lại thấp hơn bó bột.

- Chườm lạnh: Chườm lạnh giảm đau cho bệnh nhân được khuyến khích áp dụng. Mỗi ngày nên chườm lạnh 3 lần, mỗi lần từ 15-20 phút. Tuy nhiên, nếu trật khớp cổ chân có kèm vết thương hở tại chỗ thì không nên chườm lạnh vì dễ gây nhiễm trùng.

- Băng ép và kê cao chân trong điều trị bảo tồn có giá trị và ý nghĩa tương tự như trong quá trình sơ cứu bệnh nhân bong gân cổ chân, được khuyến cáo sử dụng trong quá trình điều trị bảo tồn người bệnh.

- Sử dụng nạng: Nếu cần thiết, người bệnh có thể được khuyên sử dụng nạng hỗ trợ trong quá trình di chuyển. Điều này giúp giảm tác động lực lên khớp cổ chân nên nhanh lành vết thương hơn, giảm đau đớn cho người bệnh, đồng thời cũng giúp bệnh nhân di chuyển dễ dàng hơn.

6.3. Phẫu thuật chữa bong gân cổ chân

Trong bong gân cổ chân, phương pháp phẫu thuật là lựa chọn được xem xét cho các trường hợp bong gân độ ba với sự đứt hoàn toàn dây chằng, dây chằng kẹt trong ổ khớp hoặc có tình trạng giãn rộng quá mức ổ khớp khiến cổ chân bị ảnh hưởng nhiều về mặt chức năng. Phương pháp này cũng có thể được chỉ định cho những trường hợp bong gân cổ chân tái phát.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh nhân có mức độ vận động cao như vận động viên, người bị tổn thương các sụn chêm,... thì phẫu thuật có thể cần được xem xét kể cả với mức độ tổn thương dây chằng nhẹ hơn để hỗ trợ bình phục nhanh nhất cho người bệnh cũng như giải quyết các tổn thương đi kèm với bong gân cổ chân

6.4. Sử dụng thuốc cho bệnh nhân bong cổ chân

Thuốc được sử dụng cho bênh nhân bong gân cổ chân chủ yếu hiện nay là các thuốc giảm đau thông thường hoặc thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid (NSAIDs).

Thuốc giảm đau NSAIDs có khả năng thấm tốt vào các mô vùng khớp nên có khả năng giảm đau nhanh và mạnh cho bệnh nhân bong gân cổ chân. Nhưng vấn đề cân bằng giữa tác dụng điều trị và tác dụng phụ do NSAIDs gây ra cho bệnh nhân khi sử dụng vẫn đang còn vấp phải nhiều tranh cãi khác nhau.

Một số ý kiến hiện nay cho rằng, NSAIDs có thể làm giảm viêm và giảm sưng nề nên nhanh lành vết thương, trong khi đó một số ý kiến khác cho rằng NSAIDs làm giảm kết tập tiểu cầu nên khiến vết thương khó lành hơn và máu chảy nhiều hơn. Vì thế bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc NSAIDs theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế tối đa các tác dụng phụ do thuốc gây nên.

Ngoài ra, người ta còn có thể dùng các thuốc giảm đau khác để giảm đau cho bệnh nhân. Loại thuốc hay sử dụng nhất trên thực tế là paracetamol vì nó có hiệu quả tương đối tốt trong khi lại khá an toàn nếu chỉ sử dụng ở liều điều trị.

7. Bong gân cổ chân bao lâu thì khỏi?

Nhìn chung, rất khó để đưa ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi bong gân cổ chân bao lâu thì khỏi. Thời gian cần thiết để bệnh nhân có thể bình phục và quay trở lại hoạt động bình thường phụ thuộc nhiều vào mức độ tổn thương dây chằng mà bệnh nhân gặp phải trên thực tế.

Nếu bệnh nhân chỉ bị bong gân cổ chân mức độ nhẹ thì người bệnh có thể chỉ cần 1-2 tuần là đã có thể hồi phục tương đối và có thể quay trở về sinh hoạt bình thường. Nhưng nếu bệnh nhân bị bong gân mức độ nặng, có biến chứng hoặc nhiều tổn thương đi kèm thì có thể cần nhiều thời gian hơn lên đến 6-8 tuần để có thể hồi phục.

Thời gian cần thiết để hồi phục càng lâu thì các ảnh hưởng do hạn chế vận động kéo dài lại càng thể hiện rõ, do đó bệnh nhân sẽ cần nhiều thời gian hơn để có thể luyện tập khớp cổ chân và quay về trạng thái sinh hoạt bình thường.

Tổng hợp những điều cần biết về bong gân cổ chân - Ảnh 4.

Thời gian bình phục của bệnh nhân bong gân cổ chân phụ thuộc vào mức độ tổn thương dây chằng trên thực tế (Ảnh: Internet)

8. Các biến chứng của bong gân cổ chân

Nếu không được quan tâm đúng mức, điều trị thiếu kịp thời thì bong gân cổ chân có thể dẫn đến một số biến chứng như:

- Lỏng lẻo khớp cổ chân: Bong gân cổ chân nếu không được đánh giá và xử lý đúng cách khiến các dây chằng không thể lành, hoặc không thể co hồi về độ dài ban đầu,... rất dễ khiến khớp cổ chân trở nên lỏng lẻo kéo dài, thậm chí lâu dần có thể chuyển thành bong gân cổ chân tái phát.

- Cứng khớp: Đây thường là biến chứng ở bệnh nhân bong gân cổ chân do tình trạng bất động kéo dài gây nên, tuy nhiên thường có thể lấy lại tầm vận động bình thường sau khi luyện tập phục hồi chức năng đúng cách.

- Tổn thương khớp: Bao hoạt dịch ở vùng dây chằng bị tổn thương có thể cũng bị viêm, điều này dễ tạo nên các tổn thương khớp ở bệnh nhân bong gân cổ chân.

- Gãy xương: Gãy xương rất thường hay đi kèm với bong gân, đặc biệt là các bong gân mức độ nặng. Do đó, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề gãy xương đi kèm trên bệnh nhân gãy xương cổ chân để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời.

- Hội chứng đau khu vực: Hội chứng đau khu vực (CRPS) có thể xảy ra ở bệnh nhân bong gân cổ chân. Hội chứng này gây đau đớn kéo dài cho bệnh nhân kể cả khi bong gân cổ chân đã được điều trị khỏi hoàn toàn.

9. Cách phòng tránh bong gân cổ chân

Để hạn chế được các ảnh hưởng, các nguy cơ biến chứng do bong gân cổ chân gây nên thì cách an toàn nhất vẫn chính là chúng ta cần có biện pháp phòng tránh một cách tích cực, chẳng hạn như:

- Tiến hành khởi động kỹ trước khi chơi thể thao và hoạt động thể lực để dây chằng tại khớp có thể làm quen với sự cường độ hoạt động.

- Đi giày đúng kích cỡ của chân để di chuyển chính xác và dễ dàng hơn.

- Khi di chuyển trên các bề mặt mấp mô, gập góc,... cần đặc biệt cẩn thận và tránh để bàn chân bị lật vào trong hay ra ngoài theo các tư thế không thích hợp.

- Cần ngưng vận động ngay nếu thấy đau khớp cổ chân để tránh khiến các tổn thương trở nên nặng nề hơn.

Trên đây là giới thiệu sơ lược về một số kiến thức liên quan đến bong gân cổ chân mà bạn cần biết. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bệnh, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được giải đáp kịp thời và chính xác nhất, tránh tự ý chữa bong gân cổ chân ở nhà không có hướng dẫn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nguồn dịch:

1. https://emedicine.medscape.com/article/1907229-overview

2. https://www.healthline.com/health/ankle-sprain#treatment


Tác giả: QN