Theo Bộ Y tế, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A do virus SARS-CoV-2 gây ra, lây truyền từ người sang người và có thời gian ủ bệnh trong khoảng 14 ngày. Cho đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu Covid-19. Vì vậy, tổ chức cách ly y tế triệt để và tuân thủ các quy định về cách ly là một trong những biện pháp quan trọng để phòng chống sự lây lan của bệnh COVID-19 trong cộng đồng.
Bên cạnh cách ly tập trung tại các địa điểm đã được cơ quan chức năng phân bổ, việc cách ly tại nhà cũng là một trong những biện pháp chống COVID-19
Để phòng chống dịch COVID-19 Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình có người cách ly tại nhà thực hiện tốt các điểm sau:
1. Hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi cần tiếp xúc.
Theo Bộ Y tế, bệnh COVID-19 lây nhiễm từ người sang người qua đường tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp (qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh), hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh qua dịch tiết khi người nhiễm bệnh ho, sổ mũi. Dịch tiết này bao gồm nước bọt, dịch tiết hô hấp hoặc các giọt bắn. Người tiếp xúc gần với người đã nhiễm bệnh có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 khi các giọt bắn nhiễm bệnh này thâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt của người tiếp xúc.
Để tránh tiếp xúc với giọt bắn, cần giữ khoảng cách với người được cách ly tối thiểu 2m. Trường hợp không thể giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu 2m, cần đeo khẩu trang để phòng bệnh.
2. Lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa nơi ở hằng ngày bằng chất tẩy rửa hoặc dung dịch khử trùng.
Khi ho, hắt hơi hoặc chạm lên bề mặt đồ vật, những người có virus SARS-CoV-2 trong mũi và họng có thể vô tình làm dây những giọt bắn mang mầm bệnh lên các vật dụng và bề mặt như bàn, tay nắm cửa và tay vịn cầu thang,... Những người khác trong gia đình có thể bị nhiễm COVID-19 khi chạm tay vào các đồ vật hoặc bề mặt mang mầm bệnh này, sau đó lại chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng mình.
Do đó, cần chú ý lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa nơi ở hằng ngày bằng chất tẩy rửa hoặc dung dịch khử trùng.
3. Cung cấp suất ăn riêng cho người được cách ly.
Việc ăn uống chung tiềm tàng nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 trong gia đình. Vì vậy, người đang cách ly cần ăn riêng, ở phòng riêng, hạn chế tiếp xúc gần với mọi người.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, người đang cách ly nói riêng và cộng đồng nói chung cần chú ý ăn uống khoa học, lành mạnh để nâng cao sức đề kháng, phòng chống dịch COVID-19.
Theo các bác sĩ, mọi người cần ăn đa dạng các loại thực phẩm tươi sống, uống đủ nước, ăn ít chất đường, chất béo và muối để tăng cường sức khỏe trong mùa COVID-19.
4. Thông báo ngay cho cơ quan y tế sở tại khi người được cách ly tự ý rời khỏi khu cách ly hoặc có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, đau họng, khó thở.
Những người đang cách ly có nguy cơ cao nhiễm Covid-19 nên việc họ tự ý rời khỏi khu cách ly có thể gây ra mối nguy hiểm cho cộng đồng. Nếu người được cách ly đã nhiễm Covid-19, họ có thể phát tán virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng.
Vì thế, nếu phát hiện người được cách ly rời khỏi khu cách ly hoặc có dấu hiệu nhiễm bệnh hãy thông báo ngay cho cơ quan y tế sở tại. Ngoài ra, mọi người có thể liên hệ với đường dây nóng của Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn thêm trong một số trường hợp cần thiết.
5. Không tổ chức liên hoan, ăn uống hoạt động đông người tại nơi ở nơi lưu trú.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho rằng: “Các biến chủng mới, bao gồm cả chủng vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng SARS-CoV-2 cũ”. Do đó, người dân tuyệt đối không tổ chức liên hoan, ăn uống tụ tập đông người tại nhà để phòng bệnh.
6. Giúp đỡ động viên, chia sẻ với người được cách ly trong suốt thời gian cách ly.
Thời gian cách ly và chờ đợi kết quả xét nghiệm sẽ có thể gây ra sự căng thẳng cho người cách ly. Bên cạnh đó, nỗi lo lắng về nguy cơ lây bệnh cho người thân sẽ khiến người đang cách ly gặp stress nặng nề. Vì vậy, chúng ta cần hết sức cảm thông, giúp đỡ động viên người được cách ly tại nhà trong suốt thời gian cách ly.
Trong làn sóng nhiễm Covid-19 lần thứ 2 ở Việt Nam, những ai cần cách ly tại nhà:
- Những người đi từ vùng dịch về (Đà Nẵng)
- Những người không có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 (ho, sốt, khó thở, mất khứu giác, vị giác) nhưng có một trong những yếu tố dịch tễ sau: tiếp xúc gần trong vòng 2m, ngồi cùng hàng hoặc trước sau 2 hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay, sống trong cùng nhà, cùng làm việc, cùng nhóm du lịch, ... với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ nhiễm COVID-19.
Làn sóng nhiễm Covid-19 lần thứ 2 ở Việt Nam, với tâm điểm là Đà Nẵng có sự khác biệt rất lớn về quy mô và tính chất so với làn sóng lần thứ nhất. Đã có hàng trăm người nhiễm bệnh, tính đến ngày 17/8 Việt Nam đã ghi nhận 24 ca tử vong vì Covid-19. Vì vậy, tất cả chúng ta cần tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh.