Dấu hiệu mắc covid-19 gần giống với biểu hiện cúm thông thường. Do vậy trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều người cảm thấy hoang mang lo lắng khi bị sốt, ho, đau họng...
Thực tế, không phải ai có những biểu hiện trên đều bị nhiễm covid-19. Lúc này, cần nghiêm túc thực hiện các bước theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Dựa trên những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở nước ta, Bộ Y tế vừa xây dựng khuyến cáo cho cộng đồng, trong đó, đặc biệt hướng dẫn những việc người dân cần làm ngay khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở.
Khi có biểu hiện ho, sốt, mệt mỏi, người bệnh cần thông báo với người nhà để cách ly tại một phòng riêng. Không nên mở điều hòa và phải mở cửa thông thoáng. Đồng thời giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2m.
Trong quá trình cách ly, người bệnh cần được ăn riêng, tuyệt đối không nên sử dụng chung bát đũa, cốc chén với người khỏe mạnh. Các vật dụng như chăn gối, quần áo cũng phải được giặt riêng.
Khi có những biểu hiện nghi nghiễm bệnh, cần chủ động gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.
Người bệnh bắt buộc phải đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện khi trên đường di chuyển tới nơi khám chữa bệnh. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy; thải bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng.
Người có biểu hiện nghi nhiễm bệnh cần rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn, nhất là khi sau ho, hắt hơi. Khăn giấy, khẩu trang cần được bỏ trong túi nilong riêng, bọc kín nhằm tránh phát tán ra môi trường bên ngoài.
Việc sử dụng phương tiện trong thời gian có những triệu chứng nghi nhiễm bệnh có thể làm tăng nguy cơ phát tán virus ra cộng đồng. Lưu ý không đến nơi đông người, trường học, nơi làm việc.
Cần thông báo cho cơ quan nơi bạn đang công tác, trường học, khai báo rõ ràng yếu tố dịch tễ để những người liên quan nắm được và hướng xử lý, cách ly kịp thời. Đồng thời chủ động khai báo thường xuyên để nhà trường, cơ quan nắm được. Báo với nhóm người đã tiếp xúc với bạn trong thời gian trước đó nhằm có phương án khoanh vùng, cách ly với các đối tượng có nguy cơ cao.
Trên đây là khuyến cáo của Bộ Y tế giúp người dân kiểm soát tốt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang lây lan rộng rãi. Ngoài các phương án ứng phó của Chính phủ thì ý thức của người dân cũng cần được nâng cao. Khi có những biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở...cần chủ động phòng tránh lây nhiễm dù chưa có kết quả xác định, thông báo với gia đình, địa phương và các nơi liên quan, phối hợp với nhân viên y tế để được tư vấn và theo dõi.
Ngoài ra, đối với những trường hợp có yếu tố dịch tễ như vừa đi từ vùng dịch về, có tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với covid-19, các nhóm f2, f3...cần chủ động thực hiện nghiêm túc các phương pháp cách ly. Cố tình phát tán virus ra ngoài cộng đồng có thể bị xử lý hình sự.
Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai các hoạt động:
1. Tổ chức điều tra người tiếp xúc, xử lý ổ dịch, xử lý khử khuẩn môi trường trong khu vực nơi bệnh nhân cư trú, cách ly triệt để và theo dõi sát tình hình sức khỏe của tất cả những người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh.
2. Truyền thông tại khu vực ổ dịch về các biện pháp chủ động phòng bệnh, các khuyến cáo của ngành y tế và các biện pháp phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của thành phố Hà Nội.
3. Tiếp tục tổ chức điều tra, cách ly và theo dõi sức khỏe tất cả các trường hợp người tiếp xúc với trường hợp bệnh, các trường hợp tiếp xúc với những người tiếp xúc gần. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.