GS.TS Nguyễn Thanh Long cho rằng qua 3 đợt dịch có thể thấy đợt dịch sau phức tạp hơn đợt dịch trước. 3 điểm khiến đợt dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam phức tạp hơn:
Điểm đáng chú ý thứ nhất cho thấy dịch bệnh đợt này diễn biến phức tạp hơn là xuất hiện nhiều ổ dịch, đồng thời cùng lúc xảy ra một số ổ dịch ở Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và một số địa phương khác.
Thứ hai là có nhiều nguồn lây nhiễm: từ các chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam mà trong quá trình cách ly thực hiện chưa nghiêm. Nguồn lây nhiễm thứ 2 là bản thân trong cộng đồng cũng có các ca bệnh, sau đó lây cho bệnh viện, từ bệnh viện lại lây cho cộng đồng.
Thứ ba là chủng virus lần này khác hơn so với các lần trước, chủ yếu là biến chủng của Ấn Độ với đột biến kép làm tăng khả năng lây nhiễm lên nhiều lần. Biến chủng của Anh lây lan nhanh gấp 1,7 lần so với các chủng trước đó, thì chủng Ấn Độ còn lây nhiễm mạnh hơn. Điều này đòi hỏi công tác phòng chống dịch phải rất khẩn trương.
"Các ca mắc trong những ngày gần đây chủ yếu là trong các khu cách ly, khu vực giãn cách, phong tỏa. Vì vậy có thể nói các địa phương đang kiểm soát được dịch bệnh", Bộ trưởng Long nhấn mạnh.
Ngay từ khi xuất hiện dịch đến nay, Bộ Y tế luôn đặt trong tình trạng báo động rất cao. Bộ Y tế liên tục có chỉ đạo các địa phương, các đơn vị triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng:
- Biện pháp đầu tiên là làm sao huy động toàn bộ hệ thống chính trị, toàn đảng, toàn quân toàn dân, toàn dân tham gia, huy động mọi người dân tham gia phòng chống dịch.
- Thứ hai là triển khai tất cả các biện pháp theo nguyên tắc phát hiện, ngăn chặn, cách ly, dập dịch một cách hiệu quả, phải hành động mau lẹ, triển khai quyết liệt mọi biện pháp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Thứ ba là triển khai mọi biện pháp về chuyên môn kỹ thuật từ xét nghiệm, điều trị, hình thành nên tất cả hệ thống điều trị.
- Thứ tư là ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng chống dịch, thông tin truyền thông để người dân hiểu, hỗ trợ và hợp tác trong phòng chống dịch.
"Tại thời điểm hiện nay, chúng ta chuyển trạng thái từ chủ động sang chủ động tấn công, tức là trước đây chúng ta tập trung vào vấn đề truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, có khả năng lây nhiễm, lần này chúng ta triển khai trên diện rộng tầm soát xét nghiệm. Bộ Y tế đã có hướng dẫn tăng cường công tác xét nghiệm, chủ động phát hiện sớm đối với tất cả nhóm người có nguy cơ cao. Khi có ca lây nhiễm trong cộng đồng chúng ta sẽ phòng chống rất hiệu quả", Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, bệnh viện là một trong những nơi có nhiều yếu tố nguy cơ có thể làm lây lan dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh nhân đến từ mọi miền của đất nước nên khả năng dịch bệnh xâm nhập rất cao. Lần này Bộ Y tế nâng cao hơn một mức, yêu cầu các bệnh viện tiến hành xét nghiệm sàng lọc định kỳ đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế; tăng cường xét nghiệm một số khu vực có nguy cơ cao như khu hồi sức cấp cứu, khu chạy thận nhân tạo.
Đồng thời, chỉ cho chuyển tuyến đối với các bệnh nhân khi có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính. Khi chuyển tuyến phải có báo cáo về chính quyền địa phương nơi đón tiếp bệnh nhân để giám sát tại nhà. Khi có tình huống xảy ra, chúng ta kịp thời khoanh vùng cách ly ngay đối với bệnh viện.
Với các tỉnh, thành chưa có ca bệnh, Bộ trưởng khuyến cáo các địa phương phải nâng mức báo động lên một mức cao, coi như địa phương đó đã có dịch để triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch bệnh: giám sát, sàng lọc, cách ly, chuẩn bị cho kịch bản mới và tình huống xấu đều phải được chuẩn bị.