Chất đạm (protein) là chất cơ bản kiến tạo cơ thể và chiếm 18% thể trọng, là một trong 3 chất dinh dưỡng chính, thành phần chủ yếu trong nhu cầu ăn uống của con người.
Protein là chất cơ bản tạo ra tất cả các tổ chức và tế bào. Nếu thiếu protein kéo dài, tế bào sẽ bị tổn hại, cơ thể không phát triển được. Những bộ phận quan trọng của cơ thể như gan, thận, tim, da, cơ bắp, huyết tương, huyết dịch, tóc... đều do protein cấu thành. Ngoài việc tham gia vào các quá trình chuyển hóa cung cấp năng lượng, protein còn có rất nhiều tác dụng đối với cơ thể:
- Nhanh chóng phục hồi các tổn thương; tăng chiều cao, thể trọng của cơ thể.
- Là chất sinh trưởng, phục hồi và duy trì sự sống của tổ chức cơ thể.
- Tham gia tiêu hóa thức ăn, phụ trách vận chuyển ôxy, hỗ trợ cho tim, làm giãn cơ bắp, điều chỉnh độ acid kiềm...
Các nguồn đạm động vật như thịt, cá, thịt gia cầm, trứng và sữa cũng có tính chất tương tự như protein có trong cơ thể. Đây được coi là nguồn protein hoàn chỉnh vì chúng chứa tất cả các acid amin thiết yếu mà cơ thể cần để hoạt động hiệu quả. Dưới đây là những thực phẩm giúp cơ thể bổ sung đạm động vật có thể bạn chưa biết.
Hàm lượng chất đạm trong các loại thịt như thịt lợn, gà, vịt, bò, chim đều xấp xỉ như nhau nhưng còn tuỳ theo thịt nạc hay mỡ mà hàm lượng chất đạm cao hay thấp. Về chất lượng, chất đạm động vật tới từ thịt đều có đầy đủ các acid amin cần thiết và ở tỷ lệ cân đối, có tác dụng hỗ trợ tốt cho ngũ cốc.
Những lưu ý khi chế biến thịt để tận dụng hết giá trị chất đạm có trong đó:
- Với món thịt nướng, rang và nhất là ướp đường trước khi nướng, rang làm tăng mùi vị, sức hấp dẫn nhưng làm giảm giá trị sinh học của thức ăn.
- Ðối với trẻ nhỏ không nên cho ăn thịt nướng, rang khô vì làm giảm chất dinh dưỡng và khó hấp thu.
- Thịt cần nấu chín, không được ăn tái sống vì có thể bị nhiễm giun xoắn, sán.
- Khi chế biến không dùng thớt thái chung thịt chín và thịt sống.
- Nước xương, nước thịt hầm, luộc có chứa nhiều nitơ nhưng chất đạm và canxi rất ít.
- Nấu ăn cho trẻ, người già, người ốm cần cho ăn cả thịt chứ không phải chỉ có nước.
Cá có hàm lượng chất đạm cao vơi chất lượng tốt và các acid amin cân đối. Cá có nhiều chất khoáng và vitamin hơn thịt, đặc biệt trong gan cá có nhiều vitamin A, D, B12 . Tuy nhiên, cá nhanh bị hỏng hơn thịt.
Cá khô có hàm lượng chất đạm cao nhưng mặn và dễ bị ẩm mốc. Chú ý cá khô mốc có thể gây nên ngộ độc.
Tôm, lươn, cua có hàm lượng và chất lượng chất đạm không kém gì so với thịt, cá. Nhuyễn thể như ốc, trai, sò… có chất lượng đạm không bằng tôm, lươn, cua và tỷ lệ acid amin không cân đối. Tuy vậy ốc, trai, sò lại có nhiều chất khoáng hơn, nhất là canxi, đồng (Cu) và selen (Se).
Khi nhuyễn thể bị chết dễ bị phân huỷ, sinh ra độc tố. Chính vì vậy khi ăn ốc, trai, sò... phải chú ý loại bỏ con chết, ngâm con sống sạch trước khi nấu. Các loại ốc, trai, sò còn là vật trung gian truyền các loại bệnh như thương hàn, tiêu chảy nên cần phải được nấu chín.
Các loại trứng gà, vịt, trứng cua, cá là nguồn cung cấp chất đạm tốt nhất vì có đầy đủ các acid amin cần thiết với tỷ lệ cân đối. Trứng có thể nhiễm ký sinh trùng hoặc vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy không nên ăn trứng sống, trứng hỏng vì có thể bị ngộ độc.