Ngày 8 tháng 6, bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận một bé trái 19 tháng tuổi đến cấp cứu trong tình trạng sốc nhiệt, cơ thể sốt cao 41 độ C và co giật. Trước đó, bé trai tên Trần Văn L. đã bị bố mẹ bỏ quên trên xe ô tô gần 3 tiếng đồng hồ, khi xe không nổ máy.
BS Nguyễn Thị Hoan, Phó trưởng khoa Nhi, BV đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết bé trai nhập viện trong tình trạng rối loạn đông máu, bạch cầu tăng, rối loạn điện giải, hạ canxi, hạ kali. Sau 4 tiếng điều trị tích cực, bé L mới tỉnh táo hơn, giảm sốt nhưng thỉnh thoảng vẫn co giật. Đến ngày điều trị thứ hai, trẻ vẫn chưa tỉnh táo hoàn toàn, vẫn còn cơn kích thích vật vã.
Các bác sĩ đã cho bé L. chụp cộng hưởng từ để xác định tổn thương não. Câu chuyện là lời cảnh tỉnh cho tất cả các bậc phụ huynh có con nhỏ. Bởi bất cứ ai cũng có thể bỏ quên con mình trên xe ô tô, nó là một hội chứng, không phải hoàn toàn là sự vô trách nhiệm của cha mẹ.
Tiến sĩ David Diamond, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Nam Florida, Hoa Kỳ cho biết một đứa trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô không phải vấn đề sơ xuất, mà đó là một vấn đề về trí nhớ.
Các bậc phụ huynh khi đọc tin tức nghĩ rằng chỉ có những cha mẹ tồi mới bỏ quên con mình như vậy. Nhưng khi nghiên cứu sâu về các bi kịch này, giáo sư Diamond nhận ra ngay cả các bậc phụ huynh có trách nhiệm cũng có thể bỏ quên con mình trên xe ô tô.
Năm 2019, ở Mỹ có khoảng 52 trường hợp trẻ em bị bỏ quên đến khi tử vong trong xe hơi. Một nửa số tai nạn này xảy ra một cách hoàn toàn vô tình. Giáo sư Diamond gọi nó là "Hội chứng em bé bị lãng quên", được giải thích bằng các lý thuyết sinh học thần kinh.
Theo ông, não bộ của con người có hai hệ thống ghi nhớ được gọi là "trí nhớ tiềm năng" và "trí nhớ thói quen". Đúng như tên gọi của nó, trí nhớ thói quen sẽ đẩy bạn vào một "chế độ lái tự động", khiến cơ thể bạn vận hành và phản ứng với những thứ quen thuộc mà không tốn hơi sức.
Chẳng hạn, mỗi ngày bạn đều lái xe đi làm trên một cung đường, từ khi bạn dắt xe ra khỏi nhà, đóng cửa lại, rẽ trên từng khúc cua, bạn đều đang sử dụng trí nhớ thói quen của mình.
Ngược lại, trí nhớ tiềm năng là bộ nhớ não bộ dùng để ghi nhớ những công việc nằm ngoài thói quen hàng ngày của bạn. Ví dụ, trên đường đi làm, bạn nhớ rằng mình cần ghé tiệm tạp hóa mua một đôi pin để lắp cho con chuột không dây trên công ty.
Khi đó, bạn sẽ phải sử dụng trí nhớ tiềm năng để truy xuất ra con đường đến tiệm tạp hóa. Não bộ bạn sẽ phải hoạt động một chút, thay vì đi vào chế độ lái tự động của trí nhớ thói quen.
Theo nghiên cứu của giáo sư Diamond, trí nhớ tiềm năng đôi khi hoạt động không hiệu quả và bị trí nhớ thói quen lấn át. Bạn có thể ngủ dậy và tự nhủ mình cần phải đi mua pin trước khi lên công ty. Nhưng rồi khi bạn đánh răng, rửa mặt, thay quần áo và ra khỏi nhà, trí nhớ thói quen được kích hoạt và nó chiếm lấy tâm trí của bạn. Trong vô thức, bạn vẫn lái xe đến công ty mà quên mất mình cần mua pin.
Trường hợp các bậc cha mẹ vô tình bỏ quên con mình trong xe ô tô cũng vậy. Đó là khi trí nhớ thói quen đã khiến họ quên mất mình có một đứa trẻ trong xe. Các bậc phụ huynh mới có con nhỏ đôi khi chưa hình thành được thói quen rằng mình có một đứa trẻ cần chăm sóc.
Một gia đình có người mẹ thường đưa con đi nhà trẻ. Nhưng vì một lý do nào đó, có một hôm người mẹ bận và nhờ chồng đưa con đi học. Trong một phút lơ là nào đó, trí nhớ thói quen của người bố chiếm lấy não bộ và lấn át trí nhớ tiềm năng. Người bố có thể lái xe thẳng đến công ty mà quên mất ông ấy có một đứa trẻ trong xe mình cho tới cuối ngày.
Một tai nạn tương tự đã thực sự xảy ra ở Mỹ, trong đó, giáo sư Diamond đã nghiên cứu trường hợp một ông bố mới có con thứ hai. Người bố thông thường chỉ có thói quen đưa đứa trẻ lớn nhà mình đi học. Nhưng khi có thêm đứa con thứ hai cần đưa tới nhà trẻ, ông bố đã quên mất đứa nhỏ. Người bố vẫn đưa đứa trẻ lớn đi học như bình thường, nhưng rồi ông ấy đi làm ngay, để quên đứa nhỏ của mình trong xe vì trí nhớ thói quen của ông ấy.
Điều tồi tệ nhất mà bất kỳ phụ huynh hay người chăm sóc nào có thể nghĩ là họ có trách nhiệm, quan tâm và yêu thương con cái đến mức không bao giờ có thể bỏ quên con mình trên xe, Janette Fennell, người sáng lập và chủ tịch KidsandCars, một tổ chức chuyên theo dõi các sự cố này cho biết.
Theo thống kê của KidsandCars, những trường hợp cha mẹ bỏ quên con trong xe hơi xảy ra ngày càng phổ biến ở Mỹ. Năm 2019, họ ghi nhận 52 trường hợp trẻ em tử vong trong xe hơi vì bị bố mẹ bỏ quên. Con số tăng 200% so với năm 2015.
Các bậc phụ huynh bao gồm cả giáo viên, nha sĩ, cảnh sát, y tá, giáo sĩ, sĩ quan quân đội và thậm chí cả nhà khoa học tên lửa đã bỏ quên con mình. Những đứa trẻ cũng có độ tuổi trải dài từ 2 tháng cho tới 13 tuổi.
Giáo sư Diamond cho biết nhiều người lớn có trí nhớ tạm thời khá kém. Họ có thể cần phải ghi ra giấy những thứ cần mua trước khi tới siêu thị, ghi những điều cần làm trong ngày. Nhưng tuyệt đối, nhiều bậc phụ huynh không bao giờ nhắc nhở bản thân rằng họ có một đứa trẻ trong xe. Sự tự mãn này có thể dẫn đến những thảm họa khiến họ ân hận suốt đời.
Một nghiên cứu mới của Đại học Arizona, Hoa Kỳ cảnh báo: Nhiệt độ bên trong những chiếc ô tô đậu ngoài trời có thể gây ra cái chết cho trẻ nhỏ chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, nếu chúng không may bị kẹt lại.
Trời nắng có thể nung nóng những chiếc ô tô lên tới 71 độ C, tương đương nhiệt độ làm chín trứng. Đậu xe trong bóng râm có thể làm giảm nhiệt độ, nhưng nó vẫn có thể đạt tới 47 độ C chỉ sau 1 tiếng đồng hồ.
Cơ thể trẻ em tăng nhiệt nhanh gấp 3-5 lần người lớn. Chỉ cần thân nhiệt tăng lên tới 40 độ C, trẻ đã rơi vào nguy cơ sốc nhiệt. Và chỉ cần tăng thêm 1-2 độ C nữa, nội tạng của trẻ đã bị đe dọa ngừng hoạt động, dẫn đến nguy cơ tử vong.
Lời khuyên đầu tiên của giáo sư Diamond cho các bậc cha mẹ là họ phải nhận thức được rằng chính mình cũng có thể bỏ quên con trong xe. Họ phải hiểu các tình huống hoạt động của trí nhớ thói quen và trí nhớ tiềm năng.
Sau đó, chìa khóa để phòng tránh hội chứng đứa trẻ bị lãng quên chính là phải củng cố trí nhớ cho bản thân mình. Có một số mẹo nhỏ sẽ giúp ích:
- Đảm bảo các giao thức theo dõi trẻ: Các bậc cha mẹ cần thỏa thuận với nhà trẻ và trường học rằng sẽ báo với họ ngày trẻ không đi học. Ngược lại, nhà trẻ và trường học sẽ báo lại kịp thời cho cha mẹ khi thấy trẻ vắng mặt.
- Đặt lời nhắc trên điện thoại: Hãy đặt chuông báo hoặc hẹn giờ trước khi đưa trẻ vào xe để đảm bảo bạn sẽ kiểm tra khi trẻ đã xuống xe. Vợ hoặc chồng nên gọi điện nhắc nhở nhau khi một trong hai đưa con đi học.
- Tạo lời nhắc trực quan: Hãy đặt tã, áo khoác hoặc mũ của trẻ ở hàng ghế trước để nhắc bạn rằng trẻ đang có mặt trên xe.
- Buộc bản thân phải đi xuống hàng ghế sau: Hãy đặt các vật dụng của bạn ở đó, chẳng hạn hộp ăn trưa. Bạn sẽ không thể rời xe mà không quay ra lấy đồ vật và tiện thể kiểm tra hàng ghế sau.
- Sử dụng các thiết bị công nghệ: Camera hoặc cảm biến chuyển động trong xe sẽ giúp bạn phát hiện trẻ bị bỏ quên. Nhưng đừng phụ thuộc vào các công nghệ này, bởi chúng có thể gặp trục trặc.