Bố mẹ cần lưu ý bệnh viêm v.a ở trẻ nhỏ

Bố mẹ cần lưu ý bệnh viêm v.a ở trẻ nhỏ
Viêm v.a ở trẻ nhỏ là bệnh lý không chỉ gây cản trở hoạt động hô hấp ở trẻ mà còn có thể dẫn đến những biến chứng bất lợi cho sự phát triển thể chất của các bé. Do đó, các bậc cha mẹ cần hết sức phòng ngừa bệnh viêm v.a cho con trẻ.

1. Viêm v.a ở trẻ nhỏ là gì?

V.A là chữ viết tắt trong tiếng Anh của Vegetation Adenoid. Đây là một tổ chức bạch huyết nằm ở nóc vòm sau cửa mũi, khi tổ chức này thành một khối to do bị viêm nhiễm và quá phát thì gọi là viêm v.a. 

Viêm v.a ở trẻ nhỏ có thể làm cản trở hoạt động của hệ hô hấp và một số bộ phân lân cận, nếu không được chữa trị dứt điểm đúng cách có thể gây ra các biến chứng bất lợi cho sức khỏe trẻ nhỏ.

Viêm v.a ở trẻ nhỏ thường diễn ra từ khi trẻ 6 tháng tuổi cho đến 7 tuổi và dần dần teo nhỏ khi trẻ bước qua tuổi dậy thì, tuy nhiên ở một số trường hợp người trưởng thành vẫn gặp phải tình trạng viêm v.a.

Ảnh 2.

Viêm v.a ở trẻ nhỏ thường từ 6 tháng tuổi đến 7 tuổi. Ảnh: Internet

2. Biểu hiện bệnh viêm v.a ở trẻ nhỏ

Viêm v.a ở trẻ nhỏ ban đầu thường là dạng cấp tính, nhưng nếu trải qua một thời gian dài không chữa trị hoặc chữa trị không dứt điểm có thể tái phát gây ra viêm mãn tính.

2.1. Biểu hiện viêm v.a cấp tính

Trẻ có triệu chứng sốt cao trên 38 độ C, chảy mũi lỏng trong ở những ngày đầu sau đó trở nên đặc mủ, trẻ bị nghẹt mũi gây khó thở nên khi ngủ thường xuyên thở bằng miệng, xuất hiện các cơn co thắt phế quản gây ho, thậm chí gặp phải các cơn co giật. 

Thể trạng bé ngày càng yếu, quấy khóc, giấc ngủ kém sâu, hơi thở có mùi, biếng ăn kéo dài. Tuy nhiên ở một số trẻ các biểu hiện bệnh diễn ra rất ít nên khiến bố mẹ chủ quan bỏ qua làm tình trạng tiến triển xấu hơn.

2.2. Biểu hiện viêm v.a mãn tính

Trẻ bị bệnh viêm v.a mạn tính thường biểu hiện nghẹt mũi và chảy mũi kéo dài, nước mũi đặc, có mủ chảy ra suốt ngày, có khi chảy mũi xanh, trẻ cảm thấy khó thở, thở bằng miệng nên khi ngủ ngáy rất to, tình trạng ngưng thở khi ngủ cũng có thể xảy ra nên rất nguy hiểm cho trẻ.

3. Biến chứng viêm v.a ở trẻ nhỏ

Viêm v.a sẽ gây cản trở lưu thông không khí khiến não bộ của trẻ thiếu oxy. Trẻ bị viêm v.a lâu ngày sẽ trở nên xanh xao, chậm phát triển, sút cân nghiêm trọng.

Hoạt động thở bằng miệng khi ngủ có thể làm thay đổi chức năng của mũi khiến chóp mũi trở nên nhỏ hơn, làm biến dạng một số bộ phận như: xương hàm trên phát triển kém, răng hàm trên mọc lệch, cằm của trẻ bị nhô ra và to hơn, vùng môi bị kéo xuống... gây mất thẩm mỹ.

Viêm v.a ở trẻ nhỏ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: bệnh viêm phế quản, viêm tai giữa cấp tính có mủ, tiêu chảy, viêm thanh quản cấp hoặc mạn tính và viêm amidan cấp và mãn tính.

Ảnh 3.

Viêm v.a gây ra nhiều biến chứng ở trẻ nhỏ. Ảnh: Internet

4. Phòng tránh viêm v.a ở trẻ nhỏ

Để phòng tránh bệnh viêm v.a ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần lưu ý giữ vệ sinh mũi họng cho bé bằng cách nhỏ mũi và xúc họng bằng nước muối sinh lý. 

Khi thời tiết giao mùa chuyển lạnh, các bé cần được mặc áo quần đủ ấm, đặc biệt là ở những vị trí như cổ và bàn chân. Hạn chế để trẻ sinh hoạt ở những nơi ô nhiễm khói bụi hoặc có người hút thuốc lá.

Đồng thời, bổ sung chế độ ăn nhiều rau xanh và củ quả tươi để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

5. Chữa trị viêm v.a ở trẻ nhỏ

Trước khi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế các bậc phụ huynh có thể dùng khăn sạch nhúng nước ấm để lau nách, bẹn, cổ và đắp khăn ấm lên trán.

Bệnh nhân cần được nhanh chóng đi đến cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị. Bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt…

Tuy nhiên nếu bệnh đã trở nặng bệnh nhân có thể cần can thiệp ngoại khoa là biện pháp nạo v.a. Đó là một thủ thuật tương đối đơn giản, bệnh nhân có thể được tiến hành gây mê để nạo. Thông thường sau khi nạo khoảng 30 phút đến 1 giờ bệnh nhân là có thể về nhà và sinh hoạt ăn uống nói năng bình thường mà không gặp phải các biến chứng sau nạo.

Tác giả: Huyền Trang