[Hỏi - đáp] Ung thư dạ dày có di truyền không?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
[Hỏi - đáp] Ung thư dạ dày có di truyền không?
Tôi 45 tuổi, gần đây hay đau bụng, ợ hơi, ăn kém... đi khám bác sĩ chẩn đoán hội chứng dạ dày. Trước kia mẹ tôi mất vì bệnh ung thư dạ dày ở tuổi 53. Vậy xin hỏi, bệnh này có di truyền không? Biểu hiện sớm của bệnh là gì? Nguyên nhân do đâu?

Phạm Văn (Yên Bái)

Cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày, nhưng có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến căn bệnh này. Tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh hơn, điều kiện sống thấp, thường gặp ở lứa tuổi 50 - 60 và nam bị nhiều hơn nữ.

Người có nhóm máu A tỷ lệ bị bệnh ung thư dạ dày cao hơn, bị viêm dạ dày thể teo thì khả năng bị bệnh ung thư dạ dày từ 6-12%. Bệnh ung thư dạ dày cũng mang yếu tố di truyền, nếu trong nhà có người bị ung thư dạ dày thì tỷ lệ con, cháu bị cao hơn gấp 4 lần so với những người khác. Bệnh ung thư dạ dày còn do viêm dạ dày mạn tính vì nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.

Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư dạ dày (ăn nhiều thức ăn xào, rán, nướng, hun khói...).

Các triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày thường rất mơ hồ và không rõ nên việc chẩn đoán sớm là rất khó. Ở giai đoạn sớm, bệnh ung thư dạ dày hầu như không có triệu chứng. Khi bệnh đã tiến triển, bệnh nhân thường cảm thấy khó chịu vùng thượng vị, cảm giác đầy bụng sau ăn, buồn nôn và nôn, sụt cân nhanh.

Tuy nhiên, các dấu hiệu này không phải là triệu chứng đặc hiệu của ung thư nên bệnh nhân dễ nhầm lẫn với các bệnh khác ở dạ dày như loét dạ dày hay nhiễm khuẩn, nên khi được phát hiện thì ung thư đã di căn. Vì thế, khi có các triệu chứng mơ hồ như trên kéo dài, người bệnh nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt.

Hiện nay, bệnh ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư có thể phòng ngừa và điều trị tốt nếu bệnh nhân đến bác sĩ khi bệnh ở giai đoạn sớm.


Tác giả: theo Sức khỏe và Đời sống