Viêm nang lông là một trong nhiều bệnh về da thường gặp, cùng với viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc...viêm nang lông tuy không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên sự mất thẩm mỹ của bệnh lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt, bệnh rất dễ nhầm lẫn với mụn nhọt thông thường, khiến người bệnh chủ quan, không chữa trị đúng cách.
Viêm nang lông nhiễm trùng là viêm ở phần nông của nang lông. Có thể chỉ có một vài nang lông bị viêm nhưng cũng có khi nhiều nang lông cùng bị viêm. Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vị trí trên cơ thể, từ da dầu, da mặt cho đến tay, chân, lưng, ngực...
Người ta có thể nhận biết biểu hiện của bệnh viêm nang lông thông qua việc quan sát các vùng da sần, mụn mủ, có vảy tiết ở cổ nang lông, hiện tượng viêm nang lông giống như nổi da gà, gây mất thẩm mỹ và khiến người bệnh ngứa ngáy khó chịu.
Khi bệnh bị nhiễm trùng nặng, vi khuẩn có thể lan sâu hơn toàn bộ nang lông, đó là viêm chân tóc (sycosis). Khi nang lông bị áp xe thì đã là biến chứng thành nhọt, nặng hơn là nhọt cụm, hoặc viêm mô dưới da. Những vùng da bị viêm nang lông nặng thường rất khó điều trị, ở da dầu còn khiến bệnh nhân không thể mọc tóc được.
Mồ hôi là yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt ở môi trường nắng nóng, nhiệt ẩm cao, bụi bẩn thì vi khuẩn càng có cơ hội tích tụ. Những người có cơ địa dễ ra mồ hôi như người lao động, vận động viên...là những người có nguy cơ cao. Ngoài ra các thói quen trong sinh hoạt như:
- Cạo lông, nhổ lông hoặc tẩy lông gây tổn thương lỗ chân lông
- Sử dụng quần áo có bó sát, chất liệu cứng, thô, xù xì, khiến da không thông thoáng
- Các vùng da ẩm ướt như nách, bẹn, phần phụ, mông rất dễ bị viêm nang lông
- Sử dụng kem bôi có corticoid, sử dụng kháng sinh lâu dài tạo điều kiện cho các vi khuẩn kỵ khí phát triển
Ngoài ra, những người bị tiểu đường, suy giảm miễn dịch hay bị viêm nang lông hơn người bình thường.
Đại đa số nguyên nhân gây ra viêm nang lông là do Tụ cầu trùng Ngoài ra có thể do vi khuẩn Gram âm, Pseudomonas, Proteus…, nấm men, nấm sợi, nhiễm vi rút herpes, u mềm lây và ký sinh vật demodex.
Viêm nang lông có thể xảy ra ở cả mặt, cằm, da đầu, tay, chân… Các biểu hiện lâm sàng theo từng vùng da bị viêm, cụ thể như sau:
– Vùng mặt: viêm nang lông do tụ cầu trùng, trứng cá bội nhiễm vi trùng Gram âm hoặc viêm nang lông do vi trùng Gram âm đơn thuần, u mềm lây và nhiễm Demodex folliculorum ở nang lông.
– Vùng râu: viêm nang lông sâu do tụ cầu trùng vàng (Staphylococcus aureus) gây viêm chân tóc, lông (sycosis), đôi khi còn nhiễm đồng thời các vi trùng Gram âm. Viêm nang lông ở vùng cằm thường dai dẳng, khó chữa và nhiều khả năng trở thành viêm nang lông mạn tính.
Râu mọc ngược, nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy là những biểu hiện của bệnh viêm nang lông vùng cằm. (Ảnh: Internet)
Viêm nang lông ở da đầu với các biểu hiện chân tóc bị viêm có mụn đỏ, khi mụn vỡ có thể thấy đóng vẩy tiết. Các mụn này có thể nằm rải rác hoặc thành từng đám. Sycosis sau khi khỏi không để lại sẹo nhưng có thể để lại vết thâm tồn tại trong một thời gian. Sycosis có thể nặng hơn khi nhiễm trùng lan sâu vào bọng lông gây áp xe hoặc nặng hơn nữa là nhọt.
Trường hợp bị viêm nang lông cấp, bệnh có thể để lại sẹo nếu không điều trị đúng cách. Một số vùng hay bị sycosis như vùng râu, nách, chân tóc vùng gáy, tóc mai, lông mu. Vùng râu cũng có thể bị nhiễm nấm sợi, nhiễm vi rút herpes, u mềm lây và nhiễm Demodex gây thương tổn giống trứng cá đỏ.
– Vùng da đầu: viêm nang lông do tụ cầu và nấm sợi
– Vùng gáy: cũng do tụ cầu và nấm sợi.
– Chân: thường hay gặp ở phụ nữ cạo lông hoặc tẩy lông chân. Thường viêm do nhiễm trùng.
– Thân mình: tụ cầu là tác nhân hay gặp gây viêm nang lông ở các nếp gấp như nách. Ngoài ra có thể gặp các tác nhân khác như Pseudomonas aeruginosa, nấm men Malassezia, Candida.
– Vùng mông: chủ yếu do tụ cầu. Nấm sợi cũng hay gặp ở những vùng nóng ẩm.
Các tác nhân gây bệnh có biểu hiện lâm sàng đặc trưng:
– Viêm nang lông do tụ cầu: Viêm nang lông do tụ cầu có thể tái đi tái lại khi tiếp xúc các tác nhân như môi trường ô nhiễm, khói bụi. Tụ cầu trùng vàng có thể gây viêm nang lông nông hay còn gọi là chốc nang lông của Bockhart và cũng có thể gây viêm sâu lan xuống toàn bộ nang lông (sycosis). Sycosis hay gặp ở vùng râu và gây ngứa. Ngoài ra, viêm nang lông tụ cầu còn tập trung ở vùng nách, bẹn, cằm...
– Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm: Trường hợp này thường xảy ra ở những người bị mụn trứng cá có sử dụng kháng sinh trong một thời gian dài. Khi trứng cá nặng hơn, viêm nang lộc sẽ trở thành áp xe nang lông, được biểu hiện bằng các mụn bọc lớn ở vùng má, cằm.
– Viêm nang lông do nấm Malassezia: Loại viêm nang lông này thường hay gặp ở vùng khí hậu nóng và ẩm. Biểu hiện là các sẩn ngứa và mụn mủ ở nang lông vùng lưng, cánh tay, đôi khi có ở gáy, mặt. Các nốt mụn này thường giống mụn nhưng không có nhân.
– Nấm men Candida albicans: Những người phải băng bịt hoặc nóng ẩm lâu ngày, dùng băng bịt có chứa plastic, bôi kem corticoid. Nhiễm nấm candida nang lông gây các mụn mủ thành đám
– Viêm nang lông do nhiễm vi rút herpes: Virus herpes gây viêm nang lông ở vùng râu cằm, ria mép do cạo râu. Các mụn nước này tập trung ở vùng râu, mọc thành đám và đóng vảy tiết. Bệnh có thể tự khỏi nếu ở thể nhẹ nhưng thường tái đi tái lại.
– Viêm nang lông giang mai: Virus gây bệnh giang mai có thể gây viêm lỗ chân lông. Biểu hiện trên da bằng các sẩn màu đỏ đồng, có thể xếp thành hình ovan. Nhiễm viêm nang lông giang mang có thể khiến tóc bị rụng nhưng khi khỏi, bệnh rất hiếm khi để lại sẹo.
Ngoài ra, bệnh giang mai còn gây ra một số triệu chứng như đào ban, mảng niêm mạc vùng sinh dục-hậu môn… và xét nghiệm huyết thanh giang mai dương tính.
– Trứng cá thông thường, trứng cá đỏ, viêm quanh miệng, viêm nang lông bạch cầu ái toan ở bệnh nhân nhiễm HIV, trứng cá do thuốc nhóm halogen, do corticoid, lithium…
– Dày sừng nang lông
– Viêm da tiết bã nhờn…
Điều trị bệnh viêm nang lông thành công nhất là cắt đứt toàn bộ các nguyên nhân gây bệnh. Việc vệ sinh thân thể, giữ da khô ráo, sạch sẽ vào mùa hè, sử dụng các loại quần áo mềm, thông thoáng và hạn chế tiếp xúc với các mỹ phẩm, hóa chất có tính tẩy rửa, kích ứng cao, tăng cường vitamin nhóm B.
Bệnh nhân mắc viêm nang lông có thể sử dụng thuốc bôi như:
– Điều trị tại chỗ: Có thể dùng các thuốc bôi chống nhiễm trùng như betadin, cồn iode, các loại kem hoặc mỡ kháng sinh như bactroban, fucidin…
– Điều trị toàn thân: trường hợp viêm nặng và tái phát có thể dùng thuốc đường toàn thân.
– Kháng sinh: trong trường hợp viêm nang lông do tụ cầu có thể sử dụng kháng sinh đường toàn thân khi cần thiết. Các kháng sinh thuộc nhóm β-lactamin, amoxillin, nhóm cephalosporin, cyclin, co-trimoxazol, ciprofloxacin và metronidazol. Liều lượng và cách sử dụng theo tình trạng bệnh và hướng dẫn của nhà sản xuất.
Trên đây là biểu hiện của bệnh viêm nang lông và các phương pháp điều trị phổ biến. Nếu như mắc viêm nang lông thể nhẹ, bạn có thể tự điều trị tại nhà, nếu bệnh không có tiến triển, bạn nên đến gặp chuyên gia y tế để được điều trị hợp lý.