Theo lời kể của gia đình, trong thời gian khoảng 1 tháng, bé Trần Thanh Huyền có biểu hiện khát nước, uống nhiều và tiểu tiện nhiều về đêm. Tiếp theo, thấy cháu kêu đau đầu kèm theo ho và sốt 38 độ C, gia đình đã đưa con đến trạm y tế xã để lấy thuốc.
Ngay sau đó, sức khỏe bé Huyền xấu đi nhanh chóng: bé tiểu tiện nhiều, uống rất nhiều, liên tục nôn và rơi vào trạng thái li bì.
Khi đưa con đến bệnh viện tỉnh, gia đình hốt hoảng nhận thấy chỉ trong vài ngày, bé đã sút đến 3 kg. Trẻ được các bác sĩ tại đây chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường trẻ em, biến chứng nặng và lập tức được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung Ương.
Ngày 15/10, cháu Huyền được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch: hôn mê, sốc, mạch nhanh, huyết áp tụt. Bệnh tiểu đường trẻ em đã ở giai đoạn biến chứng nặng, gây suy thận, khiến cháu vô niệu hoàn toàn.
Tại khoa Nội tiết-Chuyển hóa-Di truyền, cháu được điều trị chống sốc, điều chỉnh rối loạn đường máu và lọc máu liên tục. Sau gần 48 giờ cấp cứu, đường máu và các chỉ số dần ổn định.
Tuy trẻ đã tỉnh nhưng vẫn còn suy thận nặng, vì vậy việc lọc máu vẫn được duy trì. Chỉ tới ngày thứ 21, bé Huyền mới có nước tiểu, sức khỏe được cải thiện.
Thạc sĩ-bác sĩ Cấn Thị Bích Ngọc - Chuyên khoa Nội tiết-chuyển hóa-Di truyền cho biết, nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường trẻ em rất phức tạp và chưa được làm rõ.
Bệnh này xảy ra khi có sự kết hợp giữa yếu tố gen trong cơ thể người với một số yếu tố môi trường. Nếu một người mang gen bệnh mà tiếp xúc với yếu tố kích hoạt bên ngoài thì có thể mắc tiểu đường.
Được biết, cháu Huyền khi vào viện đã có biểu hiện biến chứng nặng, như vậy có thể bệnh đã diễn biến âm thầm trong khoảng thời gian dài nhưng gia đình không nhận thấy.
Theo bác sĩ Ngọc, bệnh tiểu đường trẻ em, nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như hôn mê, nhiễm toan xeton và sau này là các bệnh lý về tim, hệ mạch máu, tổn thương thần kinh, thận, mắt, da và miệng, loãng xương ..
Nguyên nhân gây tiểu đường trẻ em một phần đó là do các gen đứa trẻ nhận được từ cha mẹ, có trẻ bị mắc bệnh do nhiễm trùng gây ra do virut.
Ngoài ra, một số trường hợp, khi bị nhiễm khuẩn, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ chống lại vi khuẩn. Thay vì chỉ chống lại vi khuẩn, hệ thống miễn dịch đồng thời chống lại cả các tế bào sản xuất insulin trong đảo tụy. Khiến cho chức năng sản xuất insulin của tụy không còn đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể.
- Đi tiểu thường xuyên
- Hay khát nước, uống nhiều nước,
- Sụt cân, mệt mỏi, thay đổi cảm xúc
- Nhiễm trùng miệng, âm đạo hoặc da (do vi trùng sinh sôi trong môi trường có nồng độ glucose cao).
- Đau bụng
- Học lực giảm sút.
Trẻ bị tiểu đường nếu được phát hiện kịp thời, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa kết hợp chăm sóc chế độ dinh dưỡng hợp lý vẫn có thể học tập, vui chơi và tham gia các hoạt động xã hội như các bạn.
- Cho trẻ ăn nhiều loại trái cây tươi và rau quả, các loại hạt, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt và các loại ngũ cốc và thực phẩm từ sữa ít chất béo. Uống nước thường xuyên.
- Cung cấp nhiều chất xơ, nó có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu của trẻ.
- Không nên cho trẻ ăn thức ăn nhanh và thức ăn làm sẵn hoặc đóng hộp.
- Hạn chế thức ăn có đường và đồ uống để tránh thêm calo gây tăng cân.
- Luyện tập thể dục đều đặn mỗi ngày từ 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày.
Tiểu đường là một bệnh điều trị không phải là đơn giản, dù là tiểu đường típ 1 hay là típ 2.
Điều quan trọng là bản thân người mắc bệnh, hiểu về bệnh, ý thức được những điều cần làm. Nhưng là trẻ nhỏ, thì việc tuân thủ chế độ điều trị càng khó khăn.
Để ngăn chặn bệnh tiểu đường ở trẻ em, các bậc cha mẹ cần tìm hiểu đầy đủ các thông tin về bệnh, để có kế hoạch chăm sóc cho trẻ chu đáo. Trẻ nhỏ, cha mẹ phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn của trẻ.