Viêm não Nhật Bản là bệnh do virus tấn công, gây ra các tổn thương trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương. Đối tượng nhiễm bệnh là tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em dưới 15 tuổi và người chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Viêm não Nhật Bản có nguy cơ gây tử vong rất cao, nếu được chữa khỏi thì cũng để lại rất nhiều di chứng: rối loạn vận động, liệt chân, tay, động kinh, Parkinson (di chứng muộn),... Nguy hiểm là vậy, nhưng hiện nay vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này. Việc chữa bệnh thường chỉ dừng lại ở việc điều trị các triệu chứng và cũng tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc.
Vì sao phải phòng bệnh viêm não Nhật Bản? (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, virus gây viêm não Nhật Bản có thể thường trực ở khắp mọi nơi. Năm 2017, cả nước ghi nhận 200 bệnh nhân, trải rộng trên 40 tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Virus viêm não Nhật Bản thường trú ngụ trong các loài động vật tự nhiên như chim, loài bò sát, các loại gia súc như lợn, trâu, bò, dê,...
Các loài chim di trú có thể đem mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Muỗi Culex truyền virus gây bệnh sang người sau khi đốt (cắn) động vật có mầm bệnh. Nơi sinh sản và trú ẩn ưa thích của muỗi Culex là kênh mương, ruộng lúa, ruộng mạ,...
Ở nước ta, khu vực thường xuyên có ổ dịch là vùng đồng bằng, trung du và cả ở một số khu vực miền núi Tây Bắc nơi trồng nhiều lúa nước có kết hợp nuôi nhiều lợn gần người.
Viêm não Nhật Bản là bệnh nguy hiểm, khó điều trị (Ảnh: Internet)
Với tính chất nguy hiểm của bệnh và luôn thường trực nguy cơ bùng phát thành dịch, việc phòng bệnh viêm não Nhật Bản cần được thực hiện khẩn trương và rộng khắp để bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Tiêm vacxin phòng bệnh:
Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất. Vacxin phòng bệnh viêm não Nhật Bản nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại hầu khắp cả nước và miễn phí cho trẻ dưới 5 tuổi. Theo khuyến cáo của bộ Y tế, việc tiêm phòng cần được thực hiện đầy đủ và đúng lịch trình cho tới khi trẻ được 15 tuổi.
Tiêm vacxin là biện pháp phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất (Ảnh: Internet)
Trong đó: Mũi 1 được tiêm càng sớm càng tốt trước khi trẻ 1 tuổi. Mũi 2 được tiêm sau mũi 1 khoảng 1-2 tuần. Mũi 3 được tiêm sau mũi 2 khoảng 1 năm. Sau khi hoàn thành 3 mũi vacxin trên, tiếp tục tiêm nhắc lại khoảng 3-4 năm/lần tới khi trẻ được 15 tuổi.
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, chuồng trại:
Nhà cửa, chuồng trại nên được vệ sinh sạch sẽ, khô thoáng để hạn chế sự trú ẩn của muỗi và các loại virus, vi khuẩn gây ra nhiều loại bệnh. Các chuyên gia cũng khuyến cáo nên để chuồng trại xa nhà ở để hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh.
Nhà cửa, chuồng trại cần được vệ sinh sạch sẽ để loại trừ mầm bệnh (Ảnh: Internet)
- Chủ động tiêu diệt mầm bệnh:
Phun thuốc diệt khuẩn, thuốc diệt muỗi trên diện rộng là biện pháp phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả. Các hộ gia đình cần phối hợp với các đoàn phun thuốc để loại bỏ mầm bệnh. Ngoài ra, nên thực hiện các biện pháp như ngủ màn, vệ sinh các dụng cụ chứa nước, đốt hương muỗi,... để hạn chế sự sinh sôi và tấn công của các loại muỗi.
Phun thuốc diệt khuẩn, diệt muỗi trên diện rộng để phòng bệnh viêm não Nhật Bản lây lan rộng (Ảnh: Internet)
- Khi có các biểu hiện bất thường: sốt cao, nôn mửa, li bì, mê sảng, co giật, rối loạn thần kinh..., cần tới ngay bệnh viện để kiểm tra. Việc phát hiện bệnh sớm giúp giảm nguy cơ tử vong và các biến chứng nguy hiểm.