Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella zoster (hay virus chicken pox) gây ra. Bệnh thường xuất hiện cùng các nốt rạ như mụn nước, bóng nước gây ngứa khắp cơ thể. Đối tượng mắc bệnh là tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em chưa được tiêm phòng hoặc chưa có miễn dịch với bệnh.
Khi nào nên tiến hành điều trị thuỷ đậu (Ảnh: Internet)
Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh thường là sốt cao (38-39 độ) kèm theo đau đầu, mệt mỏi, chán ăn. Đồng thời, các nốt ban đỏ bắt đầu xuất hiện, sau khoảng 1-2 ngày thì chuyển thành các nốt phỏng (mụn có chứa dịch, nước) và lan rộng ra nhiều bộ phận trên cơ thể. Bệnh có thể khỏi khi các nốt mụn nước này khô lại và bong vảy (ngoại trừ các trường hợp bị nhiễm trùng).
Bệnh thường khỏi sau khoảng 7-14 ngày điều trị. Việc điều trị thuỷ đậu được tiến hành càng sớm thì càng có hiệu quả cao. Nếu không được điều trị kịp thời, các nốt phỏng có thể gây ra sẹo vĩnh viễn do nhiễm trùng hoặc nặng hơn, nếu bị bội nhiễm vi khuẩn có thể bị nhiễm trùng huyết. Ở một số trường hợp đặc biệt, thuỷ đậu có thể gây ra viêm màng não hoặc viêm phối, rất khó điều trị.
Việc điều trị thuỷ đậu tiến hành càng sớm thì càng có hiệu quả cao (Ảnh: Internet)
Do đó, khi có các dấu hiệu đầu tiên của bệnh, cần tiến hành điều trị thuỷ đậu càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không nên chủ quan trước các triệu chứng của bệnh để đề phòng các biến chứng.
Việc điều trị thuỷ đậu hiện nay chủ yếu là tiến hành điều trị các triệu chứng của bệnh. Cụ thể:
- Điều trị sốt, đau đầu, mệt mỏi,...
Để làm giảm các triệu chứng này của bệnh, có thể sử dụng paracetamol theo đúng liều lượng quy định. Đây là loại thuốc giảm đau, hạ sốt an toàn, hiệu quả nhưng cần lưu ý về thời gian giữa 2 lần dùng thuốc là 4-6 tiếng.
Để hạ sốt, giảm đau đầu, nên sử dụng paracetamol theo liều lượng quy định (Ảnh: Internet)
Không nên dùng aspirin hoặc các loại thuốc hạ sốt khác cho trẻ nhỏ vì có thể gây ra các tác dụng phụ như loét đường tiêu hóa, ban da, yếu cơ, hoặc là khó thở, sốc phản vệ…
- Điều trị các nốt mụn nước
Để chống nhiễm khuẩn cho các nốt mụn nước, bóng nước, có thể sử dụng xanh-methylen, hồ nước, mỡ kháng sinh để bôi vào các vùng bị tổn thương. Các loại thuốc này có khả năng sát trùng khô, tránh bội nhiễm và làm se các nốt mụn nước đã vỡ. Không nên sử các loại thuốc bôi có chứa corticoid để điều trị thuỷ đậu để tránh các tác dụng phụ.
Có thể dùng xanh-methylen, hồ nước,... để điều trị các nốt mụn nước đã vỡ (Ảnh: Internet)
- Chống ngứa
Cùng với các nốt mụn nước, cảm giác ngứa sẽ xuất hiện khiến người bệnh vô cùng khó chịu. Để làm giảm cảm giác này, có thể dùng các thuốc kháng histamin như chlorpheniramin hay loratadin để làm giảm triệu chứng ngứa. Tuy nhiên, các loại thuốc an thần nhẹ này có thể gây ra một số tác dụng phụ như ngủ gà, ngủ sâu, khô miệng, chóng mặt,...
Các nốt mụn nước thường gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, người bệnh cũng nên hạn chế gãi và tránh làm vỡ các nốt mụn nước gây bội nhiễm vi khuẩn. Nên tắm bằng nước đun sôi để nguội hoặc nước trà xanh. Không bắt buộc phải kiêng nước, kiêng gió, chọc vỡ các nốt mụn, bôi phấn rôm như các biện pháp điều trị thuỷ đậu vẫn được truyền miệng.
- Chống virus
Để hỗ trợ điều trị thuỷ đậu và giảm các ca nhiễm thứ phát, có thể sử dụng aciclovir có tác dụng ức chế tổng hợp DNA và sự nhân lên của virut. Thuốc có thể được sử dụng từ khi có các dấu hiệu đầu tiên của bệnh để việc điều trị thuỷ đậu có hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên cần lưu ý một số tác dụng phụ có thể xảy ra như buồn nôn, nóng rát, nhói,...
Các loại thuốc điều trị thuỷ đậu trên chỉ nên được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời.