Biến chứng viêm não Nhật Bản có thể gây tử vong

Biến chứng viêm não Nhật Bản có thể gây tử vong
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Các biến chứng viêm não Nhật Bản có thể gây tổn thương trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, để lại nhiều di chứng, thậm chí gây tử vong.

1. Khi nào các biến chứng viêm não Nhật Bản xuất hiện? 

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus. Virus gây viêm não Nhật Bản thường trú ngụ trong các loài động vật tự nhiên như chim, một số loài bò sát,... hoặc trong các loài gia súc: lợn, bò, trâu, dê,... Virus viêm não Nhật Bản được lây truyền sang người qua đường máu, sau khi muỗi Culex đốt (cắn) động vật chứa mầm bệnh rồi đốt người. 

Biến chứng viêm não Nhật Bản có thể gây tử vong  - Ảnh 1.

Con đường truyền bệnh viêm não Nhật Bản (Ảnh: Internet)

Viêm não Nhật Bản thường bùng phát mạnh mẽ vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 7). Đối tượng dễ mắc viêm não Nhật Bản nhất là trẻ em dưới 10 tuổi và người chưa được tiêm phòng đầy đủ. 

Virus gây bệnh có thể tấn công trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, gây ra các biến chứng viêm não Nhật Bản vô cùng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Đặc biệt, hiện nay vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa khỏi bệnh mà việc điều trị chủ yếu là hạn chế các biến chứng và cải thiện thể trạng của bệnh nhân. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị bện kịp thời là cần thiết để hạn chế các biến chứng viêm não Nhật Bản.

Biến chứng viêm não Nhật Bản có thể gây tử vong  - Ảnh 2.

Các biến chứng viêm não Nhật Bản thường xuất hiện sau khoảng 1 tuần ủ bệnh (Ảnh: Internet)

Các biến chứng viêm não Nhật Bản thương xuất hiện sau giai đoạn ủ bệnh khoảng 1 tuần, thường bắt đầu bằng những cơn sốt cao đột ngột kèm theo biểu hiện đau đầu, buồn nôn, co giật, vật vã, mất ý thức. 

2. Các biến chứng viêm não Nhật Bản 

Với khả năng tấn công trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, virus viêm não Nhật Bản thường gây ra hội chứng nhiễm độc toàn thân hoặc viêm tuỷ não nặng dẫn đến tử vong. 

Sau khi bệnh khởi phát khoảng 3-4 ngày, các triệu chứng của bệnh bắt đầu tăng lên. Bệnh nhân từ vật vã, kích thích, mê sảng,... chuyển sang hôn mê sâu. Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng bắt đầu xuất hiện và tăng dần: đổ nhiều mồ hôi, liệt nửa người, căng cứng cơ mặt, rối loạn nhịp thở, ảo giác,... 7 ngày đầu từ khi bệnh toàn phát là thời điểm các biến chứng viêm não Nhật Bản có nguy cơ gây tử vong cao nhất. Vì vậy, bệnh nhân cần được điều trị tích cực để vượt qua giai đoạn này và hạn chế các biến chứng. 

Biến chứng viêm não Nhật Bản có thể gây tử vong  - Ảnh 3.

Biến chứng viêm não Nhật Bản có nguy cơ gây tử vong cao nhất trong 7 ngày đầu (Ảnh: Internet)

Từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 là thời gian lui bệnh, các triệu chứng nguy hiểm bắt đầu giảm đi nếu không xảy ra các bội nhiễm bất thường. Thân nhiệt, mạch và nhịp thở dần trở về trạng thái bình thường, các biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật cũng giảm bớt: bệnh nhân tỉnh lại sau hôn mê, giảm co cứng, co giật, gáy mềm,... Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các tổn thương thần kinh khu trú lại xuất hiện rõ hơn. Bệnh nhân có thể bị bại hoặc liệt chân, tay, nửa người, rối loạn sự phối hợp vận động, rối loạn ngôn ngữ.

Sau khoảng 2 tuần toàn phát, các biến chứng viêm não Nhật Bản muộn có thể xuất hiện. Các di chứng muộn có thể là: phế viêm, viêm bể thận - bàng quang, loét nhiễm trùng, rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hoá... Ngoài ra, các biến chứng muộn như động kinh hay Parkinson còn có thể xảy ra sau nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. 

Tác giả: Bùi Thảo Ngân