Khi bị mờ mắt, nhiều người chủ quan cho rằng đó là do tuổi tác hay do khói bụi, tuy nhiên, nguyên nhân có thể lại là do tiểu đường gây ra. Theo WHO, khoảng 70% người trên 60 tuổi bị đục thủy tinh thể. Con số này cao hơn gấp nhiều lần ở những bệnh nhân bị tiểu đường. Hiện nay, số người bị tiểu đường (đái tháo đường) ngày càng gia tăng và biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này không phải ai cũng biết.
Một dạo chị Hoàng Thúy Hạnh (Từ Liêm, Hà Nội) thường xuyên có cảm giác mờ mắt, tuy nhiên mọi sinh hoạt của chị vẫn bình thường. Công việc của chị Hạnh cũng khá bận rộn và căng thẳng nên chị nghĩ những dấu hiệu trên chỉ là do chị làm việc nhiều.
Cho tới khi tình trạng mờ mắt kéo dài, chị được khuyên đi khám mắt xem có trục trặc gì không. Khi khám các bác sĩ cho biết, chị phải đục thủy tinh thể, chị rất ngạc nhiên vì chị chỉ nghĩ bệnh này chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, trong khi chị mới 45 tuổi, cái tuổi vẫn chưa thể gọi là già được.
Sau đó các bác sĩ cho chị làm một số xét nghiệm, thì thấy đường huyết thì thấy đường huyết cao. Lúc này các bác sĩ mới khẳng định chị bị đục thủy tinh thể do biến chứng của đái tháo đường. Tới lúc này chị Hạnh mới ngớ người, thì ra lâu nay những cơn chóng mặt, hạ đường huyết là do chị bị đái tháo đường, vậy mà lâu nay chị cứ đổ thừa cho công việc và chế độ ăn uống thất thường.
BS. Đặng Văn Quế (Phó Giám đốc, Bệnh viện Mắt Quốc tế) cho biết, đến phẫu thuật thay thủy tinh thể tại bệnh viện có rất nhiều bệnh nhân là do biến chứng của đái tháo đường. Trường hợp của chị Hạnh trên không phải là ngoại lệ. Bởi đái tháo đường có thể ảnh hưởng tới toàn thân, từ mắt, não, thận, đến tim.
Cơ chế ảnh hưởng của biến chứng đái tháo đường là do vì khi lượng đường trong máu tăng lên, độ quánh trong đó nhiều hơn, thêm vào đó nó gây ra tình trạng xơ vữa mạch máu, nó làm dày thành mạch máu làm thu hẹp mạch máu.
Mạch máu vừa bị thu hẹp, độ quánh của máu lại cao khiến sự vận chuyển máu chậm chạp, khó khăn hơn. Các mao mạch ở vùng mắt, ở tim, ở thận, ở não hay ở các chi cũng thế, nó bị thu hẹp lại nên gây ra tình trạng thiếu máu. Từ đó gây ra những tổn thương ở những bộ phận này, trong đó, ở vị trí mắt biến chứng thường gặp nhất là đục thủy tinh thể.
Bác sĩ Quế cho biết, với những người bị đục thủy tinh thể, giải pháp duy nhất để điều trị là phẫu thuật thay thủy tinh thể. Việc phẫu thuật này hiện nay thực hiện rất đơn giản. Trước đây, mổ thay thủy tinh thể phải nằm viện cả nửa tháng, nhưng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, thời gian dần rút xuống còn 1 tuần. Và đến nay thì, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi khoảng 1 giờ sau mổ là có thể ra về.
Thêm vào đó, trước kia khi mổ thay thủy tinh thể thì vết mổ lớn, có khi đến 30mm, đến giờ vết mổ hạ xuống cả chục lần, từ 2,2-3,2mm. Do vết mổ nhỏ như vậy nên nó chóng liền và không cần phải khâu vá gì cả.
Bác sĩ Quế cho rằng, việc mổ thay thủy tinh thể bây giờ nhanh, gọn và không cần phải băng bó gì nên người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thực hiện nó mà không phải lo đau đớn hay mất quá nhiều thời gian, và nó cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới sinh hoạt.
Về nguyên tắc cả người bị bệnh đái tháo đường lẫn người bình thường đều phải giữ vệ sinh nghiêm ngặt sau mổ. Tuy nhiên đối với người bị đái tháo đường thì sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn.
Biến chứng sau mổ thì cả hai đối tượng cũng đều như nhau, ví dụ như chảy nước mắt, cảm thấy cộm ở mắt, có thể hơi xốn xang ở mắt, nặng hơn chút nữa có thể thấy đau nhức mắt, hoặc mờ mắt. Nếu nhẹ thì chỉ khoảng 2-3 ngày là hết, những trường hợp đau nhức mắt thì phải quay lại bệnh viện để bác sỹ kiểm tra lại ngay.
Sau mổ, bệnh nhân thường cảm thấy hơi ngứa, hơi cộm nên theo thói quen họ sẽ đưa tay lên dụi mắt. Do đó, thường thì sau khi mổ bệnh nhân sẽ được phát cho một chiếc kính bảo hộ, để khi đưa tay lên dụi mắt thì qua lớp kính họ sẽ không làm tổn thương đến mắt.
Hơn nữa, chiếc kính bảo hộ này còn có tác dụng chống khói, bụi, nước bẩn - là những điều mà bệnh nhân sau phẫu thuật thay thủy tinh thể được khuyến cáo tránh tuyệt đối. Do đó, sau phẫu thuật bệnh nhân nên thường xuyên đeo kính bảo hộ này theo chỉ dẫn và thời gian khuyến cáo của bác sĩ.
Bác sĩ Quế vẫn nhớ trường hợp một bệnh nhân ở chợ Ninh Hiệp – Hà Nội, bệnh nhân này làm nghề bán vải. Sau mổ chị được bệnh viện phát cho kính đeo và dặn tránh khói, tránh bụi, gội đầu thì nên ra hiệu gội để tránh nước bẩn bắn vào mắt, nhất là xà phòng.
Hàng ngày, chị này vẫn ra chợ bán hàng, khi bán hàng thì chị ấy phải xé vải, có rất nhiều bụi vải bay ra. Tuy nhiên, khi bán hàng chị ngượng nên không đeo kính bảo hộ. Sau mổ được 2-3 hôm sau thì mắt chị bị đỏ, chị ấy quay lại bệnh viện và hỏi bác sĩ: "các ông mổ cho tôi thế nào mà giờ mắt tôi lại đỏ lên, bây giờ ngứa khó chịu lắm". Các bác sỹ kiểm tra thấy thủy tinh thể hoàn toàn bình thường.
Các bác sĩ yêu cầu chị ở lại bệnh viện nhỏ thuốc và theo dõi, và 2 ngày sau thì mắt chị hết đỏ, hết ngứa, bản thân chị ấy thấy hoàn toàn bình thường nên bác sĩ cho về. Nhưng 2 hôm sau thì chị ấy lại đến, lại mắt đỏ hoe lên, các bác sĩ phải hỏi kỹ là chị làm nghề gì, có liên quan đến khói bụi hay nước bẩn không?
Bên cạnh việc đảm bảo vệ sinh thì người bệnh sau phẫu thuật cần tránh chơi những môn thể thao như cầu lông, bóng chuyền, bóng đá… Đã từng có trường hợp bệnh nhân bị cầu đập vào mắt làm sai lệch thủy tinh thể.
Sau mổ bệnh nhân cũng nên hạn chế các loại chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…
Với những người bệnh đái tháo đường, để hạn chế biến chứng đục thủy tinh thể, người bệnh cần giữ cho đường huyết ổn định bằng cách: chế độ ăn uống hợp lý, chế độ luyện tập và dùng thuốc thường xuyên, điều độ.
Bên cạnh đó, khi trời nắng mọi người nên tránh nắng, ra đường nên đeo kính râm vì chính tia tử ngoại cũng làm ảnh hưởng, làm tăng độ đục thủy tinh thể…