Biến chứng thần kinh do tiểu đường và 11 câu hỏi thường gặp

Biến chứng thần kinh do tiểu đường và 11 câu hỏi thường gặp
Khoảng 50% người tiểu đường tuýp 2 mắc biến chứng thần kinh ngay thời điểm bệnh được chẩn đoán. Cùng tìm hiểu về biến chứng thần kinh đái tháo đường và giải pháp chữa trị hiệu quả qua 11 câu hỏi thường gặp sau đây.

Hệ thần kinh trải dài trên khắp cơ thể, giúp điều phối mọi hoạt động sống của con người. Nhưng khi đường huyết tăng cao kéo dài, làm tổn thương tế bào thần kinh, rối loạn hoạt động dẫn truyền bình thường của hệ thần kinh và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Đó chính là những biến chứng thần kinh do đái tháo đường.

1. Bệnh thần kinh đái tháo đường có những dạng nào?

Bệnh thần kinh đái tháo đường có nhiều dạng khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và loại dây thần kinh bị ảnh hưởng:

- Bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường: Liên quan đến sự tổn thương của các dây thần kinh ngoại biên, phổ biến nhất là các dây thần kinh ở bàn chân và cẳng chân.

- Bệnh thần kinh gốc do đái tháo đường: Còn gọi là bệnh thần kinh đùi hoặc teo cơ do đái tháo đường, loại này ảnh hưởng tới các dây thần kinh ở đùi, hông và mông.

- Bệnh thần kinh tự chủ do đái tháo đường: Ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ - các dây thần kinh kiểm soát chức năng tự động của cơ thể (chẳng hạn như chức năng tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục hoặc mạch máu).

- Bệnh thần kinh khu trú do đái tháo đường: Ảnh hưởng đến dây thần kinh hoặc khu vực cụ thể.

2. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường?

Bệnh lý thần kinh ngoại biên là biến chứng thường gặp nhất của bệnh đái tháo đường với các triệu chứng như:

- Tê bì, châm chích như kim châm, kiến bò là triệu chứng phổ biến của bệnh lý thần kinh ngoại biên

- Đau như kim châm, dao cắt hoặc bỏng rát. Cơn đau có thể đến và đi nhưng cũng có thể dai dẳng kéo dài

bien-chung-than-kinh-cua-benh-tieu-duong

- Giảm hoặc mất cảm giác đau, nóng hoặc lạnh

- Tăng cảm giác khi chạm vào vật nhẹ, ví dụ người bệnh có thể cảm thấy rất đau đớn khi kéo chăn đắp

Các triệu chứng này đôi khi xảy ra ở bàn tay hoặc cánh tay.

3. Triệu chứng của bệnh thần kinh gốc do đái tháo đường?

Do ảnh hưởng tới các dây thần kinh ở đùi, hông và mông nên bệnh lý thần kinh gốc có các triệu chứng sau: Đau thường bắt đầu một bên ở vùng hông, mông hoặc đùi. Lâu dần bệnh có thể dẫn tới yếu cơ, làm teo cơ chủ yếu ở chân làm người bệnh khó khăn khi đi lại, hoặc đổi tư thế từ ngồi sang đứng. 

4. Bệnh thần kinh tự chủ do đái tháo đường có biểu hiện gì?

Dấu hiệu và triệu chứng của biến chứng thần kinh tự chủ do đái tháo đường phụ thuộc vào các dây thần kinh bị tác động, rất đa dạng như:

- Buồn nôn và.hoặc nôn

- Tiêu chảy

- Táo bón

- Chóng mặt

- Ngất xỉu

- Cảm giác đầy bụng sau khi ăn một lượng nhỏ

- Tiểu tiện không kiểm soát

- Đổ nhiều mồ hôi, đặc biệt là khi ăn hoặc vào ban đêm

- Đầy hơi

- Khó nuốt

- Huyết áp thấp khi đứng lên đột ngột (hạ huyết áp tư thế)

5. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thần kinh khu trú do đái tháo đường?

Tùy thuộc vào các dây thần kinh bị ảnh hưởng, triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột nhưng thường cải thiện sau vài tuần đến vài tháng:

- Tức ngực

- Đau mắt

- Có sự thay đổi về thị lực

- Liệt một bên mặt

- Đau ở một khu vực nhất định trên cơ thể

Trong bệnh thần kinh khu trú do đái tháo đường, hội chứng ống cổ tay là thường gặp nhất. Nguyên nhân là do hệ thần kinh giữa bị chèn ép ở vùng cổ tay, có thể dẫn tới các triệu chứng như ngứa, đau, tê bì, làm yếu ngón tay và bàn tay.

bien-chung-than-kinh-cua-benh-tieu-duong-5

6. Bệnh đái tháo đường gây hư hại các dây thần kinh như thế nào?

Bệnh đái tháo đường làm cho các dây thần kinh không được nhận đủ oxy và dưỡng chất để hoạt động hiệu quả. Cụ thể, đường huyết cao ảnh hưởng tới các mạch máu nuôi dưỡng các dây thần kinh và làm cho chúng bị hư hỏng do không được nhận đủ máu. Các dây thần kinh bị hư hỏng không thể hoạt động đúng chức năng của mình là truyền tải thông điệp đến não và các khu vực khác.

7. Bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường có phòng ngừa được không?

Mặc dù là biến chứng phổ biến của đái tháo đường nhưng bệnh lý thần kinh ngoại biên có thể phòng tránh được bằng cách kiểm soát tốt lượng đường trong máu.

Sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường, áp dụng chế độ ăn uống khoa học và tập thể dục thường xuyên để duy trì trọng lượng khỏe mạnh là những phương pháp kiểm soát đường huyết hiệu quả. Ổn định lượng đường trong máu là yếu tố quan trọng nhất trong việc ngăn ngừa bệnh thần kinh đái tháo đường.

8. Tại sao bệnh đái tháo đường gây biến chứng ở bàn chân?

Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng tới bàn chân theo 3 cách:

- Các dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương gây tê bàn chân

- Chặn nguồn cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho bàn chân do giảm lưu thông máu.

- Làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, vết loét và chấn thương bàn chân (do thiếu máu và bàn chân bị mất cảm giác khiến cho các vết thương không được phát hiện và điều trị kịp thời).

9. Đối với bệnh nhân đái tháo đường, cách tốt nhất để chăm sóc bàn chân là gì?

Đối với những người có bệnh đái tháo đường, chăm sóc bàn chân cũng quan trọng không kém kiểm soát đường huyết. Chỉ cần một ngày lơ là, đôi chân có thể gặp rắc rối lớn.

Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích trong việc chăm sóc bàn chân cho người bệnh đái tháo đường hoặc bị bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường:

- Thường xuyên kiểm tra bàn chân xem có vết loét hoặc tổn thương hay không

- Mang các loại giày, dép thoải mái

- Rửa chân bằng nước ấm, không dùng nước nóng để rửa.

- Luôn luôn đi giày hoặc dép (trừ khi đi ngủ), không đi chân đất

- Bảo vệ đôi chân trong nhiệt độ khắc nghiệt (quá nóng, quá lạnh)

- Sử dụng kem dưỡng ẩm cho da chân, không bôi kem dưỡng ẩm vào giữa các ngón chân

- Cắt móng chân hàng tuần

10. Bệnh thần kinh ngoại biên nếu không được điều trị sẽ gây ra hậu quả gì?

Không phải ngẫu nhiên mà tất cả bệnh nhân đái tháo đường đều được khuyến cáo chăm sóc bàn chân đúng cách và kiểm tra bàn chân thường xuyên. Một lý do để giải thích cho điều này là bệnh thần kinh ngoại biên có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, trong đó có cắt cụt chân (đoạn chi).

bien-chung-than-kinh-cua-benh-tieu-duong-3

Khi thần kinh ngoại biên bị tổn thương, người bệnh không thể tự cảm nhận được các vết thương ở bàn chân. Điều này khiến cho các vết thương không được điều trị kịp thời, trong khi chúng vốn đã khó lành hơn bình thường. Hậu quả là nhiễm trùng và các vết loét nghiêm trọng khiến người bệnh phải cắt cụt chân.

11. Bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường có chữa được không?

Tuy đến nay biến chứng thần kinh ngoại biên do đái tháo đường chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng bệnh có thể được kiểm soát bằng các phương pháp sẵn có sẽ giúp kiểm soát triệu chứng, phòng bệnh tiến triển nặng hơn.

Các thuốc có tác dụng kiểm soát cơn đau thần kinh gồm có (pregabalin) Lyrica®, duloxetine (Cymbalta®) và một số thuốc chống động kinh nhất định. Ngoài ra, thuốc giảm đau tại chỗ capsaicin và lidocain cũng được sử dụng để giảm đau cho các khu vực bị ảnh hưởng.

Tại các quốc gia Châu Âu, nhiều thập niên trở về trước đã sử dụng Alpha lipoic acid (ALA) - chất chống oxy hóa có khả năng bảo vệ và khôi phục tế bào thần kinh bị tổn thương.


Tác giả: MN