Biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm: Giảm tiểu cầu, cô đặc máu

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm: Giảm tiểu cầu, cô đặc máu
Giảm tiểu cầu dẫn tới máu bị cô đặc là một trong các biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm nhất. Vậy cần làm gì để hạn chế và đối phó với tình trạng này?

1. Biến chứng sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue gây ra, lây truyền sang người bởi muỗi Aedes aegypti. Bệnh có các biểu hiện ban đầu dễ gây nhầm lẫn với các loại sốt thông thường như sốt cao, đau đầu, nôn, phát ban,.... dẫn tới điều trị không đúng cách. Việc này có thể gây ra nhiều hậu quả và biến chứng sốt xuất huyết nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Theo các chuyên gia, giai đoạn nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết không phải là thời gian sốt cao liên tục trong 2-7 ngày đầu tiên. Giai đoạn tiềm ẩn nhiều biến chứng sốt xuất huyết nhất là thời gian lui sốt. Ở giai đoạn này, bệnh nhân thường được chỉ định làm các xét nghiệm và kiểm tra để hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Ảnh 2.

Giảm tiểu cầu là biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm (Ảnh: Internet)

Các biến chứng sốt xuất huyết có thể gây nguy hiểm thường gặp là sốc do giảm thể tích máu lưu hành hoặc xuất huyết giảm tiểu cầu, tràn dịch màng phổi, đọng máu trong thận, suy đa nội tạng,... Các biến chứng này nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng nặng nề hoặc đe doạ mạng sống của bệnh nhân.

2. Biến chứng bệnh: xuất huyết giảm tiểu cầu

Sau khoảng từ 3-4 ngày liên tục, biến chứng sốt xuất huyết này có thể bắt đầu xuất hiện. Đây là tình trạng số lượng tiểu cầu trong máu hạ xuống mức báo động khiến máu bị cô đặc, khó lưu thông.

Để hạn chế tình trạng này, các bác sĩ thường khuyến khích việc tiến hành theo dõi công thức máu trong các ngày tiếp theo của bệnh. Khi lượng tiểu cầu trong máu giảm xuống dưới 50 ngàn, bệnh nhân cần nhập viện để bắt đầu tiến hành điều trị biến chứng sốt xuất huyết. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn tới chảy máu nội tạng, xuất huyết não,...

Ảnh 3.

Tiến hành xét nghiệm máu để phát hiện các dấu hiệu bất thường, đề phòng biến chứng sốt xuất huyết (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, cũng cần tiến hành điều trị biến chứng cô đặc máu khi kết quả xét nghiệm cho thấy ngưỡng HTC đã tăng 10% so với những ngày đầu tiên của bệnh. 

Bên cạnh đó, có thể nhận biết biến chứng sốt xuất huyết này thông qua các dấu hiệu như: vật vã, li bì, buồn nôn, chảy máu chân răng, đi tiểu ít, đi ngoài hoặc nôn ra máu, kinh nguyệt bất thường hoặc kéo dài,... Khi có các triệu chứng này, nguy cơ xảy ra biến chứng xuất huyết giảm tiểu cầu là rất cao, cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện để kiểm tra và theo dõi.

3. Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân

Để phòng tránh các biến chứng của bệnh sốt xuất huyết, việc tuân thủ theo chỉ dẫn và phác đồ điều trị của bác sĩ là đặc biệt cần thiết. Ngoài ra, cũng cần lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Chỉ nên sử dụng paracetamol với liều phù hợp với cân nặng và lứa tuổi để hạ thân nhiệt. Quá liều paracetamol chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất huyết, chảy máu.

Trong chế độ ăn uống của bệnh nhân, cần lựa chọn các loại thực phẩm tươi ngon và giàu vitamin A, C, D, kẽm, magie,... Các loại thực phẩm này cần chế biến thành các món ăn ở dạng lỏng như cháo, súp,.. để bệnh nhân dễ nuốt và bớt cảm giác chán ăn.

Bổ sung đủ nước cho cơ thể là yếu tố rất quan trọng để hạn chế tình trạng giảm tiểu cầu, cô đặc máu và các biến chứng sốt xuất huyết khác. Các loại đồ uống có khả năng bù nước và chất điện giải, có lợi cho sức khoẻ gồm: nước lọc, oresol, nước ép trái cây, nước dừa, nước luộc rau củ.

Ngoài ra, trong thời gian này, nên hạn chế sử dụng các loại đồ ăn, thức uống có thể gây mất cân bằng trong cơ thể như đồ chiên rán, đồ uống có cồn, nước ngọt có ga,...

Trong quá trình điều trị bệnh, để hạn chế các biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm, đặc biệt là tình trạng giảm tiểu cầu trong máu, bệnh nhân cần thực sự nghỉ ngơi và không nên chủ quan trước các dấu hiệu bất thường của cơ thể.

Tác giả: Thảo Ngân