Biến chứng sau phẫu thuật ung thư cổ tử cung

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
Biến chứng sau phẫu thuật ung thư cổ tử cung
Phẫu thuật ung thư cổ tử cung gồm có kỹ thuật phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản và phẫu thuật không bảo tồn khả năng sinh sản. Mỗi một phương pháp sẽ phù hợp với các giai đoạn khác nhau của bệnh và sẽ có những tác dụng phụ không mong muốn. Sau phẫu thuật ung thư cổ tử cung có thể có những biến chứng nào?

Phẫu thuật trong điều trị ung thư cổ tử cung bao gồm phẫu thuật một phần tử cung hoặc cắt bỏ hoàn toàn. Cụ thể:

- Ở giai đoạn đầu của bệnh, tế bào ung thư cổ tử cung còn chưa xâm lấn sang lớp tế bào đáy của biểu mô ở bề mặt tử cung hay di căn xa khỏi tử cung vì thế mà bệnh nhân hoàn toàn có thể được chỉ định áp dụng kỹ thuật phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản.

- Khi bệnh nhân bị phát hiện đã mắc bệnh vào giai đoạn muộn, lúc này những tế bào ung thư đã lây lan đến các hạch bạch huyết và các mô xung quanh. Hoặc thậm chí là tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan khác. Vì thế mà phương pháp điều trị được cho là hiệu quả nhất chính là cắt bỏ tử cung. Áp dụng phương pháp này, người bệnh sẽ không thể mang thai được nữa. 

Sẽ có những vấn đề rủi ro hoặc biến chứng sau phẫu thuật ung thư cổ tử cung. Nhiều vấn đề có thể nhanh chóng biến mất hoặc xử lý đơn giản nhưng lại có những tác dụng phụ sau phẫu thuật ung thư cổ tử cung thực sự nghiêm trọng.

Những tác dụng phụ sau điều trị ung thư cổ tử cung:

1. Nhiễm trùng

Sau phẫu thuật ung thư cổ tử cung người bệnh có thể gặp tác dụng phụ là nhiễm trùng xảy ra ởở vết thương hở hoặc ở vùng bụng. Hãy nói với bác sĩ hoặc y tá phụ trách của bạn nếu như có những biểu hiện của nhiễm trùng, cụ thể như sau:

- Nhiệt độ cơ thể cao (Sốt cao)

- Nhiệt độ cơ thể thay đổi thất thường, lúc nóng, lúc lạnh

- Buồn nôn

- Vết mổ bị sưng tấy đỏ

- Ho

Để giải quyết tác dụng phụ này bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc hoặc một số biện pháp phù hợp khác.

2. Chảy máu âm đạo

Chảy máu âm đạo cũng là một tác dụng phụ không mong muốn sau phẫu thuật ung thư cổ tử cung. Nó có thể từ mức độ nhẹ cho tới nghiêm trọng. Trước khi hiện tượng này chấm dứt nó sẽ chuyển thành dịch màu đỏ hoặc nâu.

Chảy máu âm đạo sau phẫu thuật ung thư cổ tử cung có thể kéo dài từ vài ngày cho tới vài tuần. Hãy nói với bác sĩ phẫu thuật nếu như:

- Vấn đề chảy máu không có dấu hiệu ngừng lại

- Chảy máu nhiều hơn

- Chất dịch chảy ra có màu xanh, vàng hoặc có mùi.

Một vài phụ nữ sẽ có kinh nguyệt không đều sau phẫu thuật ung thư cổ tử cung. Điều này có thể giải thích rằng sau phẫu thuật lối vào tử cung đã bị thu hẹp (bó chật lại), để cải thiện vấn đề này bệnh nhân có thể phải làm một phẫu thuật nhỏ để kinh nguyệt "thoát ra" như bình thường.

3. Chảy máu trong ở vùng xương chậu hoặc bụng

Chảy máu trong ở vùng xương chậu hoặc bụng xảy ra sau phẫu thuật ung thư cổ tử cung do quá trình phẫu thuật bệnh nhân bị mất máu. Tuỳ vào tình huống mà người bệnh có thể được bù máu bằng cách truyền máu.

Hiện tượng này có thể xảy ra nhưng với tỷ lệ khá thấp. Thường sau mỗi phẫu thuật thì bệnh nhân đều được làm các kiểm tra thường xuyên để tìm kiếm dấu hiệu mất máu.

4. Các vấn đề về bàng quang hoặc ruột

Với các phẫu thuật tại vùng xương chậu hoặc bụng đều làm tăng nguy cơ làm hỏng bàng quang và ống dẫn nước tiểu (niệu quản) hoặc ruột.

Nếu như có vấn đề này xảy ra trong quá trình phẫu thuật bạn sẽ được bác sĩ thông báo. Thông thường thì nếu biến chứng sau phẫu thuật ung thư cổ tử cung này xảy ra thì bệnh nhân có thể sẽ phải gắn một ống dẫn nước tiểu ra ngoài trong khoảng vài tuần.

5. Xuất hiện các cục máu đông

Sau phẫu thuật ung thư cổ tử cung, rủi ro xuất hiện các cục máu đông có thể xuát hiện ở vùng xương chậu hoặc chân. Điều này cũng có thể dẫn đến việc xuất hiện các cục máu đông vùng phổi.

Để ngăn chặn tình trạng này xảy ra, sau phẫu thuật bệnh nhân nên di chuyển (đi lại) nhẹ nhàng càng sớm càng tốt. Ngoài ra thì trong suốt và sau phẫu thuật ung thư cổ tử cung bệnh nhân phải đeo những đôi tất đặc biệt được gọi là TEDS - tất chống thuyên tắc.

Sau đó người bệnh có thể được tiêm thuốc chống đông máu tối đa là 4 lần sau phẫu thuật ung thư cổ tử cung.

6. Tê chân hoặc sưng chân

- Tê chân: Khi phẫu thuật ung thư cổ tử cung sẽ có thể làm tổn thương các dây thần kinh ở khu vực phẫu thuật điều này có thể gây ra tình trạng tê chân hoặc ngứa ran từ bên trong đùi của bạn. Vấn đề này có thể được cải thiện từ 6 - 12 tháng tuỳ từng bệnh nhân.

- Sưng chân (phù bạch huyết): Sưng chân xảy ra do các hạch bạch huyết trong quá trình phẫu thuật đã bị lấy đi khiến dòng chảy bị gián đoạn. Ở một vài trường hợp chất lỏng bị gián đoạn này có thể tích tụ ở một hoặc ở cả hai chân và hiếm khi tích tụ ở cơ quan sinh sản.

7. Lymphocele (lymphocyst, sưng, vón cục ở bụng)

Hiện tượng này có thể xảy ra sau phẫu thuật ung thư cổ tử cung. Chất lỏng gây ra hiện tượng này có thể tự tiêu, nếu như chúng không biến mất thì bác sĩ có thể can thiệp bằng cách tiêm lấy ra.

Nguồn dịch: https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cervical-cancer/treatment/surgery/problems





Tác giả: Kim Phụng