Biến chứng nhiễm trùng tiết niệu ở bệnh nhân nữ mắc đái tháo đường

Biến chứng nhiễm trùng tiết niệu ở bệnh nhân nữ mắc đái tháo đường
Nhiều chị em bị lặp đi lặp lại tình trạng nhiễm trùng tiết niệu mà không chữa dứt điểm được vì những lý do dưới đây khiến phụ nữ dễ mắc phải và tái phát bệnh viêm đường tiết niệu hơn nam giới.

Nhiễm trùng tiết niệu (còn gọi là nhiễm trùng tiểu) xảy ra khi vi khuẩn hay các mầm bệnh xâm nhập vào ống niệu đạo, thường bắt đầu từ hệ tiêu hóa. Nhiễm trùng tiết niệu rất hay gặp ở bệnh nhân (BN) đái tháo đường (ĐTĐ), các biến chứng trên đường tiết niệu như nhiễm trùng đường tiểu, rối loạn bàng quang, nữ gặp nhiều hơn nam với các biến chứng viêm bàng quang, viêm thận, bể thận.

Tại sao phụ nữ ĐTĐ dễ nhiễm trùng tiết niệu?

Nhiễm trùng tiết niệu đặc biệt "ưu tiên" các chị em hơn cánh đàn ông là vì theo giải phẫu cơ thể, đường niệu đạo của nữ giới ngắn, gần âm đạo và hậu môn nên nguy cơ vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm sẽ cao hơn. Ở niệu đạo, vi khuẩn gây viêm niệu đạo, khi di chuyển lên bàng quang, vi khuẩn sẽ gây viêm bàng quang. Thậm chí trong những trường hợp nặng hơn, thận có thể bị nhiễm trùng gây viêm bể thận. Với phụ nữ, ở dưới hậu môn có một lượng vi khuẩn ổn định nằm rất gần niệu đạo dễ dàng xâm nhập vào lỗ tiểu đi ngược lên phát triển gây nhiễm trùng, 90% trường hợp viêm bàng quang do E. coli gây nên.

Nhiều chị em bị lặp đi lặp lại tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu mà không chữa dứt điểm được vì những lý do dưới đây khiến phụ nữ dễ mắc phải và tái phát bệnh viêm đường tiết niệu hơn nam giới.

- Cấu tạo đường niệu ở nữ giới ngắn và thẳng, lại gần hậu môn nên vi khuẩn E. coli dễ dàng xâm nhập sang gây bệnh. E. coli là loại vi khuẩn có hại thường trú trong đường ruột, dễ gây viêm khi sống trong đường niệu. Đây là nguyên nhân chính gây viêm đường tiết niệu ở chị em.

- Bệnh xuất phát từ thói quen vệ sinh hàng ngày và lau chùi sau khi đi đại tiện của phụ nữ. Hầu hết chị em đều có thói quen vệ sinh từ sau ra trước do thuận tay, nhưng không biết rằng thói quen này khiến vi khuẩn từ hậu môn dễ dàng được đưa vào đường niệu gây viêm hơn. Cách vệ sinh đúng là từ trước ra sau, từ âm đạo đến hậu môn.

- Việc sử dụng băng vệ sinh khi đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc trong quá trình sinh nở cũng tạo ra môi trường thuận lợi để vi khuẩn di chuyển từ hậu môn sang niệu đạo. Chị em nên thay băng vệ sinh ít nhất 4 tiếng một lần để đảm bảo vệ sinh.

- Các thói quen như nhịn tiểu, uống ít nước cũng làm cho nữ giới dễ mắc viêm đường tiết niệu. Việc nhịn tiểu làm cho nước tiểu bị ngưng đọng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn E.coli phát triển.

Rối loạn chức năng bàng quang do biến chứng ĐTĐ

Theo các nhà khoa học, bệnh ĐTĐ gây tổn hại thần kinh kiểm soát chức năng bàng quang, gây ra rối loạn chức năng bàng quang.

Bàng quang hoạt động quá mức: dây thần kinh bị hư tổn khiến dẫn truyền tín hiệu đến bàng quang không đúng thời điểm, cơ bàng quang có thể thắt lại một cách đột ngột, dẫn đến các triệu chứng: đi tiểu nhiều lần, từ 8 lần hoặc nhiều hơn trong một ngày hoặc nhiều hơn một lần trong một đêm; đột ngột muốn đi tiểu; tiểu són, tiểu rắt bất ngờ.

Mất kiểm soát cơ vòng bàng quang: cơ vòng bàng quang kiểm soát nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Mất kiểm soát cơ này gây ra hiện tượng rò rỉ nước tiểu, đái dầm ở bệnh nhân ĐTĐ.

Nín tiểu quá lâu: người bệnh không biết được lúc nào muốn đi tiểu do tổn thương các dây thần kinh kiểm soát bàng quang. Nước tiểu tích lại quá lâu gây áp lực có hại cho thận và là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển dẫn đến nhiễm trùng bàng quang, nhiễm trùng thận.

Tùy thuộc vào từng biến chứng khác nhau sẽ có những phương pháp điều trị rối loạn bàng quang khác nhau. Nếu BN bị bí tiểu, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định thuốc lợi tiểu để giúp bàng quang hoạt động tốt hơn. Nếu bị tiểu són, rò nước tiểu, có thể được phẫu thuật để điều trị. Nếu bị nhiễm trùng thận, BN có cảm giác buồn nôn, đau lưng hoặc đau bên hông, sốt nhẹ: khám chuyên khoa.

Chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu

Chỉ cần một mẫu nước tiểu, các bác sĩ sẽ dễ dàng xác định được BN có bị mắc nhiễm trùng đường tiểu hay không. Các phương pháp chẩn đoán khác bao gồm siêu âm, X-quang hoặc soi bàng quang có thể được chỉ định nếu BN bị nhiễm trùng tiết niệu thường xuyên.

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Chị em nên tránh việc tự ý mua kháng sinh về điều trị bởi việc này có thể đỡ nhanh nhưng việc sử dụng tùy tiện sẽ gây kháng thuốc và bệnh dễ trở thành mạn tính, hay tái phát, khó chữa được dứt điểm. Kháng sinh có thể chữa lành bệnh nhưng cũng có nhiều tác động không tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, khi uống thuốc, người bệnh cần uống hết đơn, tránh trường hợp nhận thấy các triệu chứng đã giảm thì tự ý ngừng điều trị. Chính thói quen này gây ra tình trạng kháng kháng sinh ngày càng phổ biến hiện nay.

Nhiễm trùng tiết niệu có những đặc điểm rất dễ nhận biết nên đa số các trường hợp nhiễm trùng đường tiểu đều được phát hiện và điều trị sớm. Người bệnh sẽ được kê thuốc kháng sinh theo toa dựa trên từng loại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng. Thời gian điều trị kéo dài trong khoảng vài ngày là có thể hoàn toàn hồi phục. Với những trường hợp bị trùng thận, thời gian điều trị có thể kéo dài một vài tuần.

Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu

Chị em cần vệ sinh đúng cách như đã hướng dẫn ở trên, đồng thời cần uống đủ ít nhất 2 lít nước một ngày, tránh thói quen nhịn tiểu. Bệnh cũng có thể lây sang cho nam giới cũng như lây ngược lại, nên cần điều trị cả hai và dùng biện pháp an toàn trong sinh hoạt để phòng tránh. Để tránh bệnh tái phát, chị em nên lưu ý về chế độ điều trị và sinh hoạt hàng ngày. Nếu bệnh tái phát đến lần thứ 3, vi khuẩn đã kháng thuốc rất mạnh. Bạn nên đến bệnh viện làm kháng sinh đồ để tìm đúng loại kháng sinh còn có hiệu lực với loại vi khuẩn gây viêm.

Lời khuyên cho chị em

Khi các chị em phụ nữ có một trong những dấu hiệu của bệnh viêm đường tiết niệu kéo dài nhiều ngày không khỏi cần đến ngay những trung tâm chuyên về phụ khoa để kiểm chính xác bệnh và điều trị kịp thời, tránh tình trạng chủ quan sức khỏe dẫn đến biến chứng nghiêm trọng khó điều trị. Để phòng ngừa các biến chứng do bệnh ĐTĐ nói chung và biến chứng tiết niệu nói riêng, nguyên tắc hàng đầu:

- Chính là người bệnh cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Cần kiểm soát cholesterol trong máu ở mức độ cho phép. Cần duy trì huyết áp ổn định. Nên thường xuyên tập thể dục. Duy trì cân nặng khỏe mạnh để ngăn ngừa các biến chứng lâu dài của bệnh ĐTĐ.

- Vệ sinh đường tiểu tốt, đặc biệt là với phụ nữ bị ĐTĐ, có thể giúp giảm thiểu khả năng bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Thực hiện bằng cách tẩy rửa nhà vệ sinh sạch sẽ, rửa sạch sẽ sau khi quan hệ tình dục, không nhịn tiểu và uống nhiều nước.

- Nhiễm nấm men đường sinh dục thường có thể tránh được bằng cách vệ sinh âm đạo tốt. Ngoài ra, ăn các thực phẩm có lợi, chẳng hạn như sữa chua chứa vi khuẩn acid, có thể hữu ích để ngăn ngừa nhiễm trùng nấm men.

- Nhiễm trùng đường tiểu có thể được điều trị một cách dễ dàng khi phát hiện sớm, bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Ngoài ra còn có thể gặp những nhiễm khuẩn hiếm gặp khác như viêm túi mật khí thũng, viêm tai ngoài ác tính, viêm tuyến mang tai...

BS. NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT


Tác giả: Minh Ngọc