Biến chứng nguy hiểm do bệnh chốc lở ở trẻ em gây ra

Biến chứng nguy hiểm do bệnh chốc lở ở trẻ em gây ra
Chốc lở là bệnh nhiễm trùng da, rất dễ lây và hay gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh chốc lở thường xuất hiện ở mặt, quanh mũi và miệng trẻ. Để giúp các bậc cha mẹ có thêm kiến thức phòng bệnh chốc lở cho trẻ, dưới đây là những thông tin cơ bản nhất về triệu chứng và cách điều trị chốc lở ở trẻ em.

1. Chốc lở ở trẻ em là bệnh gì?

Chốc lở ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng nhẹ. Trẻ bị bệnh chốc lở không có đau đớn, thỉnh thoảng có triệu chứng ngứa.

Bệnh chốc lở ở trẻ thường là do nhiễm khuẩn qua vết trầy xước trên da hoặc vết côn trùng đốt.

Bệnh rất dễ lây nhiễm khi trẻ tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người mắc bệnh chốc lở. Việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân, chăn màn, quần áo cũng làm trẻ dễ mắc bệnh chốc lở. Bệnh có thể lây lan ở những khu vực đông người như nhà trẻ, trường học, siêu thị…

2. Triệu chứng của bệnh chốc lở ở trẻ em

Bệnh chốc lở ở trẻ em được chia làm 3 thể là chốc lở truyền nhiễm, chốc lở dạng phỏng, chốc lở thể mủ. Triệu chứng mỗi thể bệnh này như sau:

2.1. Chốc lở truyền nhiễm

Đây là thể bệnh hay gặp nhất với triệu chứng: nổi mụn đỏ trên mặt, quanh mũi và miệng. Các nốt mụn vở ra, chảy dịch và đóng vảy màu nâu. Bệnh chốc lở sẽ làm trẻ bị sưng hạch ở quanh vùng có vết chốc lở và rất dễ lây sang các vùng da lành nếu bị dây dịch của vết chốc lở.

Biến chứng nguy hiểm do bệnh chốc lở ở trẻ em gây ra - Ảnh 2.

Chốc lở ở trẻ em có triệu chứng là nổi mụn đỏ trên mặt, quanh mũi và miệng (Ảnh: Internet)

2.2. Chốc lở dạng phỏng 

Thể bệnh chốc lở ở trẻ em này thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi với biểu hiện có những nốt phỏng nước chứa đầy dịch và không đau. Da xung quanh nốt phỏng đỏ ngứa nhưng không loét. Khi vỡ ra sẽ đóng vảy màu vàng và lâu liền hơn thể dạng chốc lở khác.

2.3. Chốc lở thể mủ

Khi bị thể bệnh này, trẻ sẽ thấy các triệu chứng nốt mụn đau chứa nhiều dịch hoặc mủ, vết loét sâu. Trên vết mủ có vảy dày, cứng màu xanh xám, sưng hạch ở xung quanh vết chốc lở.

3. Cách điều trị bệnh chốc lở ở trẻ em 

Bệnh chốc lở ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận, viêm mô tế bào, biến chứng sẹo, nám da… Do đó, ngay khi phát hiện thấy trẻ có những biểu hiện của bệnh chốc lở, cha mẹ cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế chuyên môn để khám và được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng, gây tử vong.

Biến chứng nguy hiểm do bệnh chốc lở ở trẻ em gây ra - Ảnh 3.

Bệnh chốc lở ở trẻ em cần được điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm (Ảnh: Internet)

Hiện nay, điều trị chốc lở cho trẻ em bằng phương pháp điều trị nội khoa là chủ yếu. Các loại thuốc kháng sinh uống và bôi được sử dụng để chữa bệnh chốc lở cho trẻ. Cha mẹ nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về đơn thuốc và liều lượng để điều trị hiệu quả bệnh chốc lở cho trẻ.

4. Phòng bệnh chốc lở ở trẻ em

Biến chứng nguy hiểm do bệnh chốc lở ở trẻ em gây ra - Ảnh 4.

Phòng bệnh chốc lở ở trẻ em bằng cách tắm rửa sạch sẽ cho bé hàng ngày (Ảnh: Internet)

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để bệnh chốc lở ở trẻ em không có cơ hội "hoành hành", các bậc phụ huynh cần lưu ý một số điều sau đây để phòng bệnh cho con:

- Cha mẹ cần vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày. Trẻ cần thường xuyên thay quần áo, cắt tóc gọn gàng, cắt móng tay, móng chân.

- Điều trị các vết thương, vết xước, vết côn trùng cắn trên da của trẻ bằng cách rửa sạch vết thương, dùng thuốc sát khuẩn, mỡ kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

- Không để trẻ tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với những người mắc bệnh chốc lở. 

- Không cho trẻ sử dụng chung các đồ dùng cá nhân như chăn màn, khăn tắm, khăn mặt, chậu rửa mặt… để tránh nhiễm bệnh chốc lở.

- Cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau xanh.

Tác giả: D.A