Biến chủng mới SARS-CoV-2 vừa phát hiện ở Việt Nam nguy hiểm như thế nào?

Biến chủng mới SARS-CoV-2 vừa phát hiện ở Việt Nam nguy hiểm như thế nào?
Về lý thuyết, đột biến Y144 được cho là có thể giúp virus lẩn tránh một số siêu kháng thể.

Nhưng sự thực biến chủng mới virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam có lẩn tránh được hay không và ảnh hưởng đến vắc xin như thế nào, thì còn phải chờ đợi những dữ liệu quan sát dịch tễ trong thời gian tới.

Hiện nay trên toàn thế giới, SARS-CoV-2 có khoảng hơn 6.000 biến thể, nhưng các nhà khoa học quan tâm nhất tới biến thể B.1.1.7 của Vương quốc Anh, biến thể B.1.617 của Ấn Độ, biến thể B.1.351 của Nam Phi và biến thể P.1 của Brazil.

Có thể bạn quan tâm: Xếp loại mức độ nguy hiểm của các biến thể virus Covid-19 của WHO

Các biến thể, về cơ bản là virus đột biến hoặc tiến hóa, nghĩa là chúng có những thay đổi trong bộ gen. Điều này hết sức bình thường. SARS-CoV-2 là virus RNA, mỗi khi virus nhân lên, bộ gen của nó sẽ có sự thay đổi nhỏ; về bản chất đó là lỗi sao chép di truyền, hầu hết các lỗi đó không quan trọng.

Nhưng có một số biến đổi làm cho virus dễ lây lan hơn, đó là những đột biến ở các khu vực protein giúp virus dễ gắn vào tế bào cơ thể người, hay giúp virus lẩn tránh được một số loại kháng thể miễn dịch, thậm chí đột biến tạo ra tải lượng virus cao hơn trong cơ thể.

Biến chủng mới SARS-CoV-2 vừa phát hiện ở Việt Nam nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters.

Bởi vậy, sau khi các nhà di truyền học phân tử giải mã bộ gen virus, thì các nhà dịch tễ học sẽ phải quan sát và nghiên cứu, để đưa ra những dữ liệu đủ lớn, từ đó mới quyết định virus đột biến có phải là biến thể đáng quan tâm hay không.

Chúng ta có thể hình dung, SARS-CoV-2 có 30.000 chữ cái trong phân tử RNA, mỗi sự thay đổi một hoặc một số chữ cái sẽ tạo nên biến thể mới, nếu thay đổi hết sẽ có 30.000 lũy thừa 30.000 biến thể, trong khi tổng số nguyên tử trong hệ mặt trời của chúng ta cũng chỉ đến 50 lũy thừa 50.

Mới đây, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương giải trình tự gen 32 mẫu biến thể B.1.617 (lần đầu tiên phát hiện ở Ấn Độ), kết quả cho thấy có 4 mẫu xuất hiện đột biến mất Y144 trên protein S (giống với đột biến xuất hiện tại biến thể B.1.1.7 lần đầu phát hiện ở Anh).

Nói theo cách dễ hiểu, thì đó là "biến chủng mới có sự lai tạo giữa chủng Ấn Độ và chủng Anh", nhưng bản thân virus không phải là thực thể sống nên không có sự lai giống giữa hai chủng. Theo tôi, đột biến mất Y144 cũng không có gì đáng ngạc nhiên, nó có thể gặp ở bất cứ biến thể nào, đây mới chỉ là ghi nhận ban đầu.

Về lí thuyết, đột biến Y144 được cho là có thể giúp virus lẩn tránh một số siêu kháng thể, nhưng sự thực virus có lẩn tránh được hay không và ảnh hưởng đến vaccine như thế nào, thì còn phải chờ đợi những dữ liệu quan sát dịch tễ trong thời gian tới.

Đánh giá một biến thể, cần phải dựa vào một số đặc tính nhất định, như virus có dễ lây lan so với chủng gốc ở Vũ Hán hay không, mức độ lâm sàng có nặng hơn không, khả năng kháng lại kháng thể như thế nào ở nhóm bệnh nhân đã nhiễm virus trước đó hoặc những người đã tiêm vaccine. Nếu đáp ứng ít nhất một trong số những tiêu chí đó, thì biến thể virus được xếp loại đáng quan tâm, ngược lại chúng ta có thể tạm bỏ qua.

Với người dân, tôi cho rằng, điều quan trọng là vấn đề không đến nỗi quá nghiêm trọng, bởi các biến thể virus vẫn là SARS-CoV-2, nghĩa là đặc tính sinh học tương đồng nhau, tác động lên cơ thể con người theo cùng một cách.

Đọc thêm:

- Cách mà virus Covid-19 tác động tới các bộ phận trong cơ thể

Việt Nam đang nhiễm hai biến thể Ấn Độ và Anh với tốc độ lây nhiễm được các nhà khoa học ước tính tăng hơn 40 đến 90% so với chủng virus ban đầu, nhưng bằng quan sát cá nhân tại các ổ dịch trong nước, tôi ước tính khả năng lây nhiễm gấp ba đến bốn lần. Điều đó chỉ xảy ra với điều kiện chúng ta để cho virus có cơ hội lây lan.

Nếu mỗi cá nhân thực hiện các biện pháp phòng vệ cá nhân, như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách 2 mét, không tụ tập đông người ở những không gian kín kém thông gió như trong nhà, khai báo y tế; thì tôi tin những biến thể virus khó có cơ hội lan truyền trong cộng đồng với tốc độ cao.

Theo BS Trần Văn Phúc


Tác giả: DT