Bị tổn thương gan và não bộ do thừa mangan

Bị tổn thương gan và não bộ do thừa mangan
Thừa mangan là nguyên nhân dẫn đến nhiều nguy hiểm cho sức khỏe nếu như chúng ta không có hướng điều trị kịp thời. Dấu hiệu thừa mangan có thể nhận biết đó là suy giảm chức năng phổi, tạo ảo giác,...

1. Nhu cầu mangan trong cơ thể

Theo nghiên cứu, nhu cầu mangan với từng độ tuổi và giới tính được quy định như sau:

- Trẻ em từ 9 đến 13 tuổi: 1,9 miligam/ngày

- Thanh thiếu niên từ 14 đến 18 tuổi: 2,2 miligam cho nam giới; 1.6 miligam cho nữ một ngày

- Người lớn từ 19 tuổi trở lên: 2,3 miligam cho nam giới; 1,8 miligam cho nữ một ngày

- Phụ nữ có thai và cho con bú: 2 đến 2,6 miligam một ngày.

Mangan có nhiều trong thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày gồm hải sản, ngũ cốc, các loại hạt, các loại đậu, gạo và rau lá... Tuy nhiên nếu như dung nạp quá nhiều mangan vào cơ thể sẽ dẫn đến thừa mangan và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.

Sẽ tùy vào những điều kiện khác nhau mà cơ thể có những dấu hiệu thừa mangan. Cụ thể:

- Nếu bạn thừa mangan do dùng thuốc uống bổ sung có thể có một số triệu chứng như: ăn mất ngon, tăng trưởng chậm, thiếu máu, gặp vấn đề về sinh sản, nhức đầu, mất ngủ, mất trí nhớ, khả năng vận động kém, tổn thương thần kinh gây ra bệnh parkinson,...

- Nếu bạn thừa mangan do bụi khói, triệu chứng gồm: cáu gắt, dễ xúc động, ảo giác,..

- Hàm lượng mangan quá nhiều, phát triển nhanh có thể gây các triệu chứng giống bệnh parkinson như: run rẩy, đi lại khó khăn, co cơ,...

- Ngoài ra, hít phải mangan có thể gây ra phản ứng viêm trong phổi, với các tác dụng phụ bao gồm: ho, viêm phế quản, chức năng phổi giảm,...

2. Nguy hiểm khi cơ thể thừa mangan

Dư thừa khoáng chất này có thể gây ra nguy hiểm cho phổi, gan, thận và hệ thống thần kinh trung ương. Dư thừa kéo dài có thể gây ra các triệu chứng giống bệnh Parkinson, chẳng hạn như run rẩy, chậm vận động, cứng cơ và cân bằng kém.

Do chức năng gan bị suy giảm, những người mắc bệnh gan mãn tính có thể không loại bỏ lượng mangan dư thừa một cách hiệu quả. Sự tích tụ mangan ở những người bị xơ gan hoặc suy gan có thể góp phần gây ra các vấn đề về thần kinh (theo cảnh báo Viện Linus Pauling).

Hàm lượng mangan cao trong cơ thể, đặc biệt là trong não, có liên quan đến rối loạn thần kinh. Một số quần thể có nguy cơ nhiễm độc mangan cao hơn, bao gồm cả những người bị tổn thương gan hoặc nghiện rượu. Những người làm việc trong các nhà máy thép hoặc mỏ, thường xuyên hít phải hơi mangan, cũng có nguy cơ nhiễm độc mangan cao hơn.

Não của trẻ sơ sinh có thể dễ bị nhiễm độc mangan hơn do các tế bào thần kinh đang phát triển và gan chưa trưởng thành (gan rất quan trọng để loại bỏ mangan). So với người lớn, trẻ sơ sinh và trẻ em có khả năng hấp thụ mangan trong ruột cao hơn và khả năng bài tiết khoáng chất thấp hơn, khiến chúng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng đến hệ thần kinh khi cơ thể dư thừa quá nhiều mangan.

Ngoài ra, hàm lượng sắt thấp có thể làm tăng nguy cơ tích lũy mangan trong não.

3. Kết luận

Mangan là khoáng chất quan trọng, nhưng không vì thế mà chúng ta lạm dụng và bổ sung quá nhiều gây thừa mangan. Điều quan trọng là bạn nên tìm hiểu kỹ về nhu cầu và hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình để có thể cung cấp cho cơ thể hàm lượng mangan cần thiết.

Tránh để thừa mangan vì nó sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe mà nếu không điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi nhận thấy cơ thể có thay đổi, có những dấu hiệu thừa mangan, bạn nên tìm gặp bác sĩ, bác sĩ sẽ khám, có cái nhìn tổng quan và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất, giúp bạn luôn có một sức khỏe tốt, tránh để lại những nguy hại về sau.

Nguồn dịch: https://www.livestrong.com/article/520170-taking-too-much-manganese/


Tác giả: Lan Anh