Bí tiểu ở người già là một vấn đề tương đối phổ biến, hay gặp ở nam giới hơn là phụ nữ. Theo thống kê, cứ 1000 người trong độ tuổi từ 40-83 tuổi sẽ có 4,5-6,8 người bị bí tiểu. Khi tuổi tác tăng dần, nguy cơ bị bí tiểu ở người già cũng sẽ tăng lên. Nếu như những người 70 tuổi chỉ có 10% nguy cơ bị bí tiểu, thì khi đến 80 tuổi nguy cơ này sẽ tăng lên đến 30%.
Bí tiểu ở người già không những gây nên các khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sinh hoạt hằng ngày. Mà nó còn có thể dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm khác nhau cho sức khỏe của người bệnh khi mắc phải.
Hệ thống tiết niệu của con người là một hệ thống quan trọng. Các vai trò của hệ tiết niệu có thể kể đến như đào thải chất độc, cân bằng nội môi,... Hệ tiết niệu ở người được tạo thành từ các bộ phận chính bao gồm thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo.
Sau khi dịch lọc cầu thận (nước tiểu đầu) được cô đặc tại thận sẽ tạo thành nước tiểu trưởng thành. Thể tích của nước tiểu trưởng thành chỉ bằng 1-2% thể tích nước tiểu đầu, phần còn lại được cơ thể tái hấp thu vào máu. Nước tiểu trưởng thành được dẫn từ hai thận xuống bàng quang thông qua hai ống niệu quản.
Nhờ có các cơ thắt ở cổ bàng quang mà nước tiểu có thể được chứa trong bàng quang nhưng không bị rò rỉ ra ngoài. Khi bàng quang căng đến một mức nhất định, phản xạ đi tiểu để làm rỗng bàng quang sẽ được kích hoạt. Các cơ ở thành bàng quang co lại và cơ thắt ở cổ bàng quang giãn ra. Lúc này nước tiểu sẽ thoát ra khỏi bàng quang và được đào thải ra ngoài thông qua niệu đạo.
Bí tiểu ở người già được định nghĩa là tình trạng khó khăn khi đi tiểu. Người bệnh không thể đi tiểu dù cho bàng quang chứa đầy nước tiểu. Hoặc có thể đi tiểu được nhưng bàng quang không được làm rỗng hoàn toàn sau khi đi tiểu. Cảm giác mót tiểu nhanh chóng quay trở lại sau khi đi tiểu.
Đọc thêm:
- Đầy bụng khó tiêu là gì: Không đơn giản chỉ là rối loạn tiêu hóa bình thường
- Tiểu rát ở nam giới không phải luôn là nhiễm trùng
Căn cứ vào sự tiến triển, đặc trưng biểu hiện triệu chứng thì bí tiểu ở người già được phân chia làm hai loại chính là:
- Bí tiểu cấp tính: Là tình trạng bí tiểu xuất hiện đột ngột. Người bệnh đang đi tiểu bình thường thì đột nhiên bị bí tiểu hoặc thậm chí không thể đi tiểu hoàn toàn. Dạng bí tiểu này thường dẫn đến các biến chứng nhanh chóng do tình trạng ứ nước tiểu đột ngột.
- Bí tiểu mãn tính: Bí tiểu mãn tính có đặc trưng là sự bí tiểu xuất hiện từ từ. Người bệnh thường chỉ cảm thấy hơi khó khăn khi đi tiểu hoặc thậm chí không nhận ra các triệu chứng của bí tiểu. Dạng bí tiểu này thường không được quan tâm đúng mức nhưng lại có thể gây nên các hậu quả lâu dài cho hệ thống tiết niệu.
Tắc nghẽn đường tiết niệu là nguyên nhân rất phổ biến trong các trường hợp bí tiểu ở người già. Các nguyên nhân gây tắc nghẽn làm mất sự thông thoáng, hay liên tục của đường tiết niệu. Từ đó khiến cho hoạt động bài xuất nước tiểu từ bàng quang ra ngoài gặp khó khăn.
Các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường tiết niệu cũng rất đa dạng như sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo, phì đại tuyến tiền liệt, sự chèn ép của các khối u hoặc tổ chức bất thường vào đường đi của niệu đạo,... Tất cả các nguyên nhân này đều có thể khiến đường đi của nước tiểu bị cản trở, từ đó gây nên bí tiểu ở người già.
Nếu sự tắc nghẽn diễn ra đột ngột (kẹt sỏi ở cổ bàng quang, kẹt sỏi niệu đạo,...) sẽ dẫn đến hậu quả là bí tiểu cấp tính. Còn trong trường hợp sự chèn ép diễn ra từ từ (phì đại tuyến tiền liệt, khối u từ lân cận,...) sẽ gây ra bí tiểu mãn tính.
Niệu đạo là con đường dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài môi trường. Do đó, khi niệu đạo bị mất nguyên vẹn cũng sẽ gây nên tình trạng bí nước tiểu ở người già. Các nguyên nhân gây mất nguyên vẹn niệu đạo thường thấy là tai nạn gây đụng dập, rách hoặc đứt niệu đạo; biến chứng do phẫu thuật,...
Các trường hợp bí tiểu ở người già do nguyên nhân mất nguyên vẹn niệu đạo thường dẫn đến hậu quả bí tiểu cấp tính.
Khi các thành phần của bàng quang mất đi sự phối hợp nhịp nhàng cần có sẽ dẫn đến các rối loạn tiểu tiện, trong đó bao gồm cả bí tiểu ở người già. Cơ thắt ở cổ bàng quang không giãn nở làm cản trở dòng nước tiểu, hay các cơ ở thành bàng quang co bóp quá yếu không đủ để tống nước tiểu ra ngoài,... là những rối loạn tại bàng quang liên quan đến bí tiểu ở người già thường gặp nhất.
Trong đa phần các trường hợp, rối loạn chức năng bàng quang đều là hậu quả của các bất thường thần kinh chi phối bàng quang. Chẳng hạn có thể kể đến gồm bệnh lý thần kinh tự chủ, bệnh bại liệt, thoát bị đĩa đệm, chấn thương cột sống hay tổn thương thần kinh tại vùng chậu.
Đôi lúc, tình trạng rối loạn chức năng bàng quang cũng có thể gây nên bởi tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc trị cao huyết áp, thuốc cường giao cảm, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn nhịp tim,...
Không ít các trường hợp người già bị bí tiểu vì lý do viêm nhiễm đường tiết niệu. Sự tấn công của vi khuẩn làm tổn thương đường tiết niệu, đồng thời cũng làm rối loạn chức năng vốn có của đường tiết niệu. Do đó, có thể gây bí tiểu ở người già.
Tuy nhiên, các trường hợp người già bị bí tiểu do viêm nhiễm thường sẽ đi kèm với các biểu hiện khác như tiểu buốt, tiểu rát, nước tiểu đục, có mủ hoặc dịch bất thường chảy ra từ niệu đạo, sốt,...
Biểu hiện của những người già bị bí tiểu có thể khác nhau. Sự biểu hiện sẽ phụ thuộc vào việc họ bị bí tiểu cấp tính hay bí tiểu mãn tính.
Với các trường hợp bí tiểu cấp tính, những triệu chứng của bí tiểu xuất hiện rất nhanh chóng và dữ dội. Người bệnh đang đi tiểu bình thường thì đột ngột bị bí tiểu hay thậm chí hoàn toàn không thể đi tiểu. Kèm theo đó thường là các cảm giác đau đớn do các tổn thương cấp tính tại đường tiết niệu do sỏi, hay do chấn thương,...
Khi thời gian kéo dài, nước tiểu ở bàng quang bị ứ đọng quá mức sẽ khiến áp lực trong bàng quang tăng cao. Người bệnh cảm thấy đau đớn ở vùng hạ vị, nơi tương ứng với vị trí của bàng quang.
Đồng thời, bàng quang chứa đầy nước tiểu sẽ trở nên tròn lên như một trái cầu lớn và gồ lên trên thành bụng. Khối này được gọi là cầu bàng quang. Khi ấn vào cầu bàng quang, người bệnh sẽ cảm thấy rất mót tiểu và đau đớn.
Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể rơi vào các trạng thái nguy hiểm như mê sảng, hay sốt cao trong trường hợp nhiễm trùng.
Các biểu hiện khi người già bị bí tiểu mãn tính thường ít dữ dội hơn rất nhiều so với bí tiểu cấp tính. Thậm chí, đôi lúc các biểu hiện mơ hồ đến mức người bệnh không hề cho rằng bản thân bị bí tiểu. Biểu hiện thường thấy trong các trường hợp này là cảm giác khó khăn khi đi tiểu, hoặc phải rặn nhiều hơn để tống nước tiểu ra ngoài, dòng nước tiểu chảy yếu hơn,...
Người bệnh cũng thường xuyên có cảm giác không thoải mái sau khi đi tiểu, trong bàng quang vẫn còn nước tiểu và nhanh chóng buồn tiểu trở lại sau đó,... Điều này khiến người họ phải đi tiểu nhiều lần trong ngày và luôn có cảm giác căng tức, khó chịu ở vùng hạ vị.
Với các trường hợp bí tiểu mãn tính ở người già, bàng quang sẽ bị giãn ra và tăng kích thước từ từ. Lâu dần cũng sẽ tạo thành một cầu bàng quang gồ lên ở hạ vị của bệnh nhân. Tuy nhiên, sự xuất hiện của cầu bàng quang rất chậm, và người bệnh có xu hướng quen dần với sự tồn tại của nó.
Để chẩn đoán một người già có bị bí tiểu hay không không phải một điều quá khó khăn. Dựa trên lời khai về bệnh sử của người bệnh (cảm giác khó khăn khi đi tiểu, không đi tiểu được, đau tức hạ vị,...), kết hợp với các triệu chứng thăm khám được (cầu bàng quang,...) thì bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán sơ bộ bệnh nhân có bị bí tiểu hay không.
Nếu trường hợp các biểu hiện không quá rõ ràng để chẩn đoán ngay, các bác sĩ có thể tiến hành đặt ống thông tiểu cho người bệnh để đánh giá lượng nước tiểu còn sót lại trong bàng quang, hoặc tiến hành siêu âm đánh giá kích thước bàng quang,...
Tuy rằng chẩn đoán bí tiểu không khó, nhưng điều quan trọng ở đây là phải tìm được nguyên nhân bí tiểu và đánh giá được các hậu quả mà bí tiểu đã gây ra với sức khỏe của người bệnh. Các xét nghiệm, cận lâm sàng thường được chỉ định thực hiện trên một bệnh nhân bí tiểu có thể kể đến gồm:
- Siêu âm hệ tiết niệu
- Chụp X-Quang, CT-SCanner hệ niệu có cản quang hoặc không có cản quang.
- Tổng phân tích nước tiểu.
- Xét nghiệm công thức máu, hóa sinh máu (đặc biệt là xét nghiệm định lượng ure-creatinin máu)
- Nội soi bàng quang.
- Điện cơ.
Bí tiểu ở người già là một tình trạng nguy hiểm. Các trường hợp bí tiểu cấp tính nếu không được điều trị có thể nhanh chóng rất đến các biến chứng khác nhau như vỡ đường tiết niệu, tổn thương thận cấp do tắc nghẽn sau thận, mê sảng do ứ đọng chất chuyển hóa và rối loạn nội môi, nhiễm trùng huyết có tiêu điểm từ nhiễm trùng tiết niệu,...
Nhưng điều này không có nghĩa là các trường hợp bí tiểu ở người già mãn tính không nguy hiểm. Ngược lại, những hậu quả của bí tiểu mãn tính cũng rất trầm trọng bởi các triệu chứng thường không được phát hiện sớm, quan tâm đúng mức và điều trị kịp thời.
Bí tiểu mãn tính làm cho bàng quang bị căng ra liên tục, lâu ngày lại càng làm tăng nặng sự rối loạn hoạt động của bàng quang. Ứ đọng nước tiểu còn khiến các chất có trong nước tiểu bị dễ lắng đọng làm tăng nguy cơ gây sỏi tiết niệu và là điều kiện thích hợp để vi khuẩn phát triển.
Nguy hiểm và nặng nề nhất trong các biến chứng của bí tiểu mãn tính phải kể đến là tổn thương thận kéo dài do ứ đọng ngược dòng, rất dễ gây nên bệnh thận mạn.
Với các trường hợp bí tiểu ở người già cấp tính, mục tiêu điều trị là phải giải phóng nước tiểu sớm nhất cho bệnh nhân. Điều này giúp giảm nhanh triệu chứng và hạn chế tối đa các biến chứng do bí tiểu cấp tính gây nên.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bí tiểu cấp tính là gì mà bác sĩ sẽ có các cách can thiệp khác nhau. Đặt ống thông tiểu thường là lựa chọn phổ biến nhất cho các trường hợp này.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà việc đặt ống thông tiểu không thể thực hiện được chẳng hạn như sỏi niệu đạo hay dập, rách, chấn thương niệu đạo,... Lúc này bệnh nhân có thể được lựa chọn điều trị bằng các phương pháp khác như tán sỏi, gắp sỏi cấp cứu hoặc làm phẫu thuật mở thông bàng quang qua da,...
Không yêu cầu can thiệp cấp cứu là đặc điểm của dạng bí tiểu này. Do đó, một kế hoạch hoàn thiện và phù hợp nhất đối với bệnh nhân có thể được cân nhắc và lựa chọn sau khi đã làm đủ các thăm khám cần thiết.
Trong trường hợp chưa tìm được nguyên nhân hoặc không thể can thiệp trên nguyên nhân gây bí tiểu, bệnh nhân có thể được chỉ định đặt thông tiểu.
Nhưng ở hầu hết các trường hợp đây thường chỉ là một sự lựa chọn tạm thời. Bởi chừng nào vẫn chưa giải quyết được nguyên nhân thì bí tiểu ở người già vẫn sẽ còn tồn tại. Mà đặt thông tiểu lại không phải là một phương pháp có thể giúp giải quyết nguyên nhân gây bí tiểu ở người già.
Do đặt thông tiểu là một thủ thuật xâm lấn nên việc sử dụng thông tiểu trong thời gian kéo dài dễ dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau. Trong đó thường thường gặp nhất là tổn thương đường tiết niệu do kỹ thuật đặt thông tiểu không đúng và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Trong điều trị bí tiểu ở người già, một số nhóm thuốc khác nhau cũng có thể được dùng như:
- Thuốc kháng sinh khi có nhiễm khuẩn tiết niệu.
- Thuốc giãn cơ trơn cho các trường hợp bị có sỏi, hoặc phì đại tiền liệt tuyến.
- Thuốc ức chế sự phát triển của tuyến tiền liệt.
Nội soi không chỉ là một phương pháp được sử dụng để chẩn đoán bí tiểu ở người già. Mà nó còn là một phương pháp điều trị rất hiệu quả. Thông qua hình ảnh thu được từ nội soi, các vật thể lạ trong niệu đạo hoặc các bất thường cấu trúc được phát hiện.
Nếu kích thước và tính chất của dị vật cho phép, các bác sĩ có thể can thiệp ngay khi nội soi bằng cách tán hoặc gắp dị vật để giải phóng đường tiết niệu cho bệnh nhân.
Phương pháp này thường là phương pháp được áp dụng cho những trường hợp bị hẹp niệu đạo. Một dụng cụ đặc biệt sẽ được đưa vào trong lòng niệu đạo. Khi được kích hoạt, nó sẽ tạo thành một khung để làm tăng đường kính niệu đạo. Từ đó giúp người bệnh đi tiểu dễ dàng hơn.
Những trường hợp người già bị bí tiểu do các nguyên nhân bất thường về cấu trúc, không thể được giải quyết bằng điều trị nội khoa thì phẫu thuật là phương pháp được chỉ định. Những phẫu thuật thường thấy bao gồm cắt bỏ tiền liệt tuyến, cắt bỏ khối u chèn ép niệu đạo,...
Có thể thấy rằng, bí tiểu ở người già thực sự là một vấn đề phổ biến và nguy hiểm. Do đó, điều quan trọng là phải luôn theo dõi sức khỏe để có thể phát hiện sớm bí tiểu. Từ đó giúp đưa ra các phương pháp kịp thời và thích hợp nhất.
Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health/urinary-retention