Bị tê tay khi ngủ khi nào thì nguy hiểm?

Bị tê tay khi ngủ khi nào thì nguy hiểm?
Bị tê tay khi ngủ có thể khiến nhiều người lo lắng, đặc biệt nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra.

Tê tay được mô tả là sự mất cảm giác ở bàn tay hoặc ở ngón tay. Thường thì khi một người bị tê tay sẽ kèm theo một số triệu chứng khác như cảm giác châm chích, ngứa ran hoặc nóng rát ở tay và cảm giác yếu ớt hơn. Tê tay có thể xảy ra ở một bên hoặc ở cả hai bên tay.

1. Nguyên nhân tê tay khi ngủ là gì?

Có nhiều nguyên nhân có thể gây tê tay khi ngủ với mức độ từ nhẹ tới nghiêm trọng.

- Tư thế ngủ

Một số tư thế ngủ là nguyên nhân phổ biến gây tê tay do các dây thần kinh bị chèn ép và ảnh hưởng tới quá trình lưu thông máu dẫn tới cảm giác tê tay, ngứa ran hoặc như bị kim châm khó chịu. Nằm nghiêng hoặc nằm sấp có thể dễ gây ra tình trạng này nếu đặt tay dưới cơ thể hoặc dưới gối trong thời gian dài.

Bị tê tay khi ngủ khi nào thì nguy hiểm? - Ảnh 2.

Nằm sấp có thể gây tê tay khi thức dậy (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Tư thế nằm ngủ tốt cho sức khỏe

Đau ở bàn tay, cổ tay và khuỷu tay khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Thay đổi tư thế ngủ, chẳng hạn như nằm ngửa, có thể giúp giải quyết vấn đề.

- Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi ngang qua ống cổ tay, hậu quả là gây viêm, đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác, thậm chí gây teo cơ, yếu cơ, giảm chức năng vận động của vùng bàn tay thuộc chi phối của dây thần kinh giữa.

Chuyển động tay lặp đi lặp lại, mang thai và một số tình trạng gây sưng cổ tay hoặc bàn tay (ví dụ như viêm khớp), bệnh đái tháo đường, suy giáp dễ bị hội chứng ống cổ tay hơn.

Tê tay vào buổi sáng thường là dấu hiệu đầu tiên của hội chứng ống cổ tay. Khi tình trạng tiến triển, nhiều người báo cáo rằng họ bị tỉnh ngủ vào ban đêm do tay bị tê và đau. Những triệu chứng khác của hội chứng ống cổ tay bao gồm: cảm giác sưng ở ngón tay, cơn đau và châm chích từ ngón tay có thể lan tới phần cẳng tay và vai, cơ tay yếu và gặp khó khăn trong các hoạt động sử dụng tay.

- Thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ, hay viêm khớp cổ, phát triển do sự thoái hóa (hoặc suy giảm) các đĩa đệm và khớp ở cổ liên quan đến tuổi tác. Đôi khi, sự hao mòn thông thường trên cột sống có thể gây hẹp ống sống - nơi mà tủy sống và các rễ thần kinh đi qua để tới phần còn lại của cơ thể. Nếu rễ thần kinh qua tay bị chèn ép, bạn có thể bị tê tay và tê ngón tay kèm theo cảm giác ngứa ran và yếu hơn.

Các triệu chứng khác của thoái hóa đốt sống cổ bao gồm: đau cổ, cứng cổ, đau vai, nhức đầu, có âm thanh kèn kẹt khi xoay cổ, yếu tay hoặc chân. Nếu thoái hóa nặng có thể gây ra các vấn đề với thăng bằng.

Bị tê tay khi ngủ khi nào thì nguy hiểm? - Ảnh 3.

Cảm giác tê tay được mô tả như cảm giác châm chích, ngứa ran hoặc nóng rát ở tay và cảm giác yếu ớt hơn (Ảnh: Internet)

- Bệnh lý thần kinh ngoại biên

Bệnh thần kinh ngoại biên là tình trạng xảy ra khi các dây thần kinh bao quanh não và tủy sống của bạn bị tổn thương. Một số loại bệnh thần kinh ngoại biên thỉnh thoảng gây tê và ngứa ran ở tay, trong khi một số loại khác gây tổn thương thần kinh mãn tính (vĩnh viễn).

Tùy thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng, bệnh lý thần kinh ngoại biên cũng có thể dẫn đến: mất cảm giác (tê) ở bàn tay hoặc ngón tay, gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động sử dụng tay, cảm giác đau nhói ở vùng có dây thần kinh bị ảnh hưởng.

- Thiếu vitamin B12

Vitamin B12 là một chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể bạn sử dụng để duy trì sức khỏe thần kinh. Thiếu vitamin B12 có thể gây ra các vấn đề về thần kinh ở bàn tay và cổ tay, dẫn đến tê tay và các triệu chứng thần kinh khác, chẳng hạn như: mệt mỏi, yếu cơ và khó khăn trong việc phối hợp hoạt động tay-chân (ví dụ như đi bộ).

Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B12, chẳng hạn như cá, thịt, trứng, ngũ cốc tăng cường và các sản phẩm từ sữa, có thể giúp bổ sung lượng vitamin B12 bị thiếu.

- Bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) không kiểm soát tốt có thể dẫn tới biến chứng tổn thương thần kinh khắp cơ thể, trong đó có dây thần kinh ngoại biên ở bàn tay và bàn chân gây ra cảm giác tê, ngứa ran và đau. Tình trạng này thường nặng hơn vào ban đêm.

Bị tê tay khi ngủ khi nào thì nguy hiểm? - Ảnh 4.

Bệnh thần kinh tiểu đường có thể gây tê tay nặng hơn vào ban đêm (Ảnh: Internet)

- Hội chứng lối thoát ngực

Hội chứng lối thoát ngực là một nhóm các rối loạn không rõ ràng, được đặc trưng bởi đau và dị cảm tại bàn tay, cổ, vai, hoặc cánh tay. Chúng liên quan đến sự chèn ép lên đám rối thần kinh cánh tay (và có thể cả mạch thượng đòn) khi những cấu trúc này đi qua lối thoát ngực.

Các triệu chứng khác thường gặp của hội chứng lối thoát ngực bao gồm: tay lạnh, ngón tay hoặc bàn tay bị thay đổi màu sắc, sưng ở bàn tay và ngón tay.

- Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc hóa trị , thuốc điều trị bệnh tim và huyết áp , một số loại thuốc kháng sinh và thuốc chống động kinh, có thể làm tổn thương các tế bào thần kinh và có thể gây tê tay khi ngủ.

Trong hầu hết các trường hợp, việc dừng hoặc giảm thuốc có thể giúp giảm tê và khôi phục cảm giác bình thường ở tay. Nếu bạn nghi ngờ rằng thuốc của mình có thể gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến bàn tay của bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ để nhận được lời khuyên thay vì tự ý cắt hoặc giảm liều thuốc đang sử dụng.

Bạn cũng có thể bị tê tay khi ngủ nếu là người nghiện rượu, đang thực hiện hóa trị trong điều trị ung thư, bị viêm khớp dạng thấp ở tay, đa xơ cứng, bệnh lupus, bênh Lyme, bệnh giang mai, hội chứng Raynaud, hội chứng Sjogren,...

Bị tê tay khi ngủ khi nào thì nguy hiểm? - Ảnh 5.

Tê tay kéo dài dai dẳng cho thấy đã đến lúc bạn cần thăm khám bác sĩ (Ảnh: Internet)

2. Khi nào tê tay khi ngủ cần thăm khám bác sĩ?

Thỉnh thoảng bị tê tay khi ngủ là điều bình thường và có thể là do tư thế ngủ của bạn. Nhưng nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn hoặc bạn có thêm các triệu chứng khác thì đã đến lúc bạn nên thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính ra gây tê tay khi ngủ là gì.

Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn bị tê tay đột ngột mà không giải thích được nguyên nhân với mức độ nặng và kéo dài, nhất là khi cơn tê tay lan sang các bộ phận khác trên cơ thể bạn kèm theo cảm giác yếu và sưng đau.

Đặc biệt, cần tới cơ sở y tế ngay lập tức nếu bạn bị tê liệt một bên tay hoặc cánh tay, lú lẫn, rối loạn ngôn ngữ, mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu đột ngột và dữ dội, bất tỉnh và mất ý thức. Các dấu hiệu này có thể cảnh báo một cơn đột quỵ nghiêm trọng.

Chẩn đoán

Khi chẩn đoán tình trạng tê tay khi ngủ, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn liệt kê một số thông tin, bao gồm:

- Khi nào cơn tê tay khi ngủ bắt đầu

- Tần suất tê tay của bạn như thế nào và các triệu chứng tê tay kéo dài bao lâu

- Phần nào của bàn tay bị ảnh hương

- Ngoài tê tay thì có triệu chứng nào kèm theo không.

Một số bài kiểm tra sức mạnh thể chất có thể được chỉ định bao gồm kiểm tra sức mạnh cơ, phản xạ, khả năng thăng bằng,...

Nếu nguyên nhân cơ bản khiến bạn bị tê tay khi ngủ không rõ ràng thì những xét nghiệm bổ sung như:

- Xét nghiệm máu kiểm tra thiếu hụt vitamin, tiểu đường, các vấn đề tuyến giáp

- Chẩn đoán hình ảnh giúp kiểm tra các vấn đề về cấu trúc hoặc các bất thường ở dây thần kinh, cột sống, cánh tay, cổ tay hoặc não

- Kiểm tra dẫn truyền thần kinh để đo tốc độ và cường độ tín hiệu thần kinh từ não đến phần còn lại của cơ thể.

Bị tê tay khi ngủ khi nào thì nguy hiểm? - Ảnh 6.

Tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây tê tay khi ngủ là gì mà điều trị sẽ có sự khác biệt (Ảnh: Internet)


3. Cách giảm tê tay

Điều trị tê tay tập trung vào việc giải quyết nguyên nhân cơ bản để giúp giảm triệu chứng. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng tê tay khi ngủ là gì mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

- Trị liệu bao gồm các bài tập tăng cường cơ, gân, dây chằng và cải thiện phạm vi chuyển động của bàn tay và ngón tay; các bài massage tay; băng nén giảm sưng và viêm. Nếu một người bị tê tay vào ban đêm hoặc khi thức dậy vào buổi sáng, việc xoa bóp hoặc lắc tay có thể giúp giải quyết tình trạng tê.

Việc tê tay tự khỏi trong một thời gian ngắn thường cho thấy dây thần kinh hoặc mạch máu bị chèn ép và gây ra tình trạng tê và việc thay đổi tư thế ngủ có thể giúp ngăn ngừa chứng tê tay này.

- Thuốc không kê đơn hoặc thuốc kê đơn như ibuprofen, acetaminophen, NSAID, naproxen hoặc các thuốc giảm đau hỗ trợ như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh có thể giúp giảm tê và đau tay. Lưu ý chỉ dùng thuốc khi đã có chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý uống hoặc sử dụng đơn thuốc cũ.

- Khi dây thần kinh bị chèn ép gây tê tay, tiêm corticosteroid vào tay và cổ tay có thể giúp giảm viêm và sưng tấy để giảm triệu chứng. Nếu việc tiêm thuốc không giúp bạn giảm bớt cơn đau, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

Nhìn chung, tê tay không phải lúc nào cũng có thể phòng ngừa được, đặc biệt khi nguyên nhân lgây tê tay khi ngủ là do bệnh lý tiềm ẩn. Tuy nhiên, một số thói quen sinh hoạt nhất định có thể giúp bạn giảm hoặc tránh tình trạng tê tay khi ngủ chẳng hạn tránh các tư thế ngủ gây áp lực lên tay, thực hiện giãn cơ tay, cổ tay trước khi đi ngủ hoặc đeo nẹp cổ tay khi đi ngủ để giúp cổ tay ổn định trong khi ngủ. Nếu đang điều trị bệnh, bạn cần tuân thủ theo đúng phác đồ của bác sĩ.

Nguồn dịch:

1. Why Your Hands Feel Numb When You Sleep—and How To Find Relief

2. What can cause numbness in hands while sleeping?

3. Why Are My Hands Numb When I Wake Up and How Can I Treat This?


Tác giả: Allen