Bị sởi uống thuốc gì để nhanh khỏi bệnh?

Bị sởi uống thuốc gì để nhanh khỏi bệnh?
Sởi là căn bệnh tuy không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bị sởi uống thuốc gì là thắc mắc của rất nhiều bệnh nhân.

Bệnh sởi gây ra bởi siêu vi sởi. Căn bệnh này lây lan nhanh chóng, có đến khoảng 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây sởi nếu chưa được tiêm phòng. Vì thế, bị sởi uống thuốc gì cho nhanh khỏi là điều quan tâm của rất nhiều người để tránh sự lây nhiễm trong cộng đồng cũng như tránh những biến chứng nguy hiểm của nó.

Bị sởi uống thuốc gì?

Rất nhiều người thắc mắc "bị sởi uống thuốc gì?" mà không hề biết rằng sởi không có thuốc đặc trị. Điều trị sởi chủ yếu là điều trị triệt để các triệu chứng bệnh và cách chăm sóc người bệnh đúng đắn.

Thông thường, hệ miễn dịch sẽ tự loại bỏ virus sởi trong khoảng từ một tuần tới 10 ngày. Nếu bệnh nhân mắc sởi bị nặng thì cơ thể sẽ để lại các vết sẹo, thậm chí nặng hơn là gặp các biến chứng hậu sởi như viêm phổi, viêm màng não... Trong trường hợp thể sởi là lành tính thì bệnh nhân có thể điều trị tại nhà và cách ly tại phòng riêng ngay khi có biểu hiện sốt và dấu hiệu viêm họng.

1. Thuốc điều trị triệu chứng sốt cao

Nếu người bệnh sốt cao, có thể uống paracetamol hoặc ibuprofen để giảm sốt, giảm đau và mệt mỏi. Nếu như bệnh nhân không thực sự chắc chắn bản thân nên dùng loại thuốc nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc . Bệnh nhân cũng có thể dùng phương pháp vật lí để giảm sốt như lau người bằng khăn ấm.

2. Điều trị triệu chứng ho bằng thuốc

Khi bệnh nhân sởi bị ho, nên uống nhiều nước ấm, đặc biệt là nước có chứa mật ong hoặc chanh để giúp thả lỏng đường hô hấp, giảm chất nhầy trong đường hô hấp, từ đó giúp giảm ho. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc ho, long đờm theo chỉ định của bác sĩ.

Bị sởi uống thuốc gì để nhanh khỏi bệnh? - Ảnh 2.

Khi bệnh nhân sởi bị ho, nên uống nhiều nước ấm, đặc biệt là nước có chứa mật ong hoặc chanh để giúp thả lỏng đường hô hấp - Ảnh Internet

3. Phát ban cần uống thuốc gì?

Khi bệnh nhân mọc các nốt ban thì dùng các thuốc kháng histamin bởi vì histamin là một trong những chất trung gian trong sốc phản vệ và phản ứng dị ứng, có tác dụng làm giảm các trạng thái phát ban, mề đay, dị ứng mũi. Cụ thể, khi bị phát ban, bệnh nhân có thể sử dụng Dimedron, Pipolphen.

4. Giảm các triệu chứng ở mũi họng

Khi người bệnh có các triệu chứng ở mũi, họng, cần tiến hành sát trùng mũi họng bằng cách nhỏ mắt nhỏ mũi bằng dung dịch Chloromycetin, Argyrol…

5. Khi có biến chứng viêm phổi, viêm thanh quản, viêm não

Nếu bệnh nhân mắc sởi đã bị các biến chứng như viêm thanh quản, viêm phổi, đặc biệt là viêm não thì cần dùng kháng sinh và corticoid để tránh những nguy hại sức khỏe lâu dài.

6. Bổ sung vitamin A cho người bệnh bằng cách nào?

Nhiều nghiên cứu cho thấy, tình trạng thiếu vitamin A gặp ở 90% bệnh nhi mắc sởi ở châu Phi và gặp ở 22-72% bệnh nhi ở Hoa Kì khi bị sởi. Hơn nữa, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có mối tương quan giữa nồng độ Vitamin A trong máu với mức độ nặng của căn bệnh sởi.

Bị sởi uống vitamin A qua đường uống đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như biến chứng có thể gặp ở những bệnh nhân mắc sởi. Theo đó, liều khuyến cáo là 100.000 đơn vị quốc tế cho trẻ 6 tháng đến 1 tuổi. Liều 200.000 đơn vị cho trẻ trên 1 tuổi và chỉ nên dùng liều duy nhất.

Bị sởi uống thuốc gì để nhanh khỏi bệnh? - Ảnh 1.

Cho bệnh nhân uống vitamin A đúng liều trong quá trình điều trị sởi - Ảnh Internet.

Khi điều trị sởi, bệnh nhân cần lưu ý không dùng thuốc kháng sinh với mục đích dự phòng biến chứng vì điều này dễ gây loạn khuẩn và dị ứng bởi kháng sinh với bệnh sởi không có tác dụng.

Chỉ khi người bệnh bị viêm tai giữa, viêm khí quản, thanh quản, phế quản, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn mới cho dùng thuốc kháng sinh và nhớ rằng chỉ nên dùng khi có chỉ định của các bác sĩ.

Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi "Bị sởi uống thuốc gì". Ngoài ra, bên cạnh việc dùng thuốc để điều trị các triệu chứng của bệnh sởi trên, người bệnh cần được chăm sóc đúng cách.

Theo đó, bệnh nhân cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất; ăn các loại thực phẩm đa dạng: 15 – 20 loại thực phẩm/ngày. Đối với trẻ em mắc sởi đang bú mẹ: cần cho trẻ tăng bú sữa, bú sữa nhiều lần hơn, người mẹ cũng cần ăn bổ sung để cấp đủ chất dinh dưỡng hơn để đảm bảo sức khỏe cho bản thân.

Với các bệnh nhân đã có biến chứng hay những bệnh nhân không thể ăn được, cần được truyền dinh dưỡng và tuân theo sự hướng dẫn của các chuyên gia y tế. Kể cả khi đã điều trị khỏi bệnh, người bệnh vẫn phải đảm bảo cung cấp lượng dinh dưỡng nhiều hơn bình thường để bổ sung đủ dinh dưỡng, bù đắp lượng dinh dưỡng mất đi trong quá trình mang bệnh.


Tác giả: Ngọc Điệp