Bị rụng tóc ở tuổi dậy thì có mọc lại không?

Bị rụng tóc ở tuổi dậy thì có mọc lại không?
Rụng tóc ở tuổi dậy thì có thể ảnh hưởng đến tâm lý, ngoại hình của các bạn trẻ. Vậy rụng tóc ở tuổi dậy thì có mọc lại không? Tình trạng này có nguy hiểm không?

Tuổi dậy thì là thời gian cơ thể có nhiều thay đổi về ngoại hình, nội tiết, ... trong đó, rụng tóc là tình trạng nhiều bạn gặp phải khi bước vào độ tuổi này. Mặc dù không nguy hiểm nhưng rụng tóc nhiều làm ảnh hưởng đến tinh thần của các bạn trẻ, khiến mái tóc mỏng dần nếu không can thiệp sớm. Vậy tình trạng rụng tóc ở tuổi dậy thì có mọc lại không? Cách khắc phục tình trạng rụng tóc ở tuổi dậy thì như thế nào?

1. Nguyên nhân gây rụng tóc ở tuổi dậy thì?

Rụng tóc có thể do sinh lý hoặc bệnh lý và theo đó mức độ nguy hiểm và điều trị sẽ khác nhau. Trung bình mỗi người sẽ có thể bị rụng tóc sinh lý từ 20 tới 100 sợi tóc. Tuy nhiên, khi tình trạng rụng tóc với số lượng nhiều, trong thời gian dài rất có thể đây là rụng tóc do bệnh lý.

Ở giai đoạn dậy thì, rụng tóc chủ yếu tới từ nguyên nhân mất cân bằng nội tiết tố gây nên, ngoài ra thì cũng có một số các nguyên nhân khác.

1.1. Thay đổi nội tiết tố

Trong giai đoạn dậy thì, trẻ có sự thay đổi nội tiết tố, cụ thể do hormone Dihydrotestosterone (DHT) có hiện tượng tăng lên đột ngột. Mà các DHT sẽ làm thu nhỏ các nang tóc và gây ra tình trạng tóc rụng.

Vì vậy, nếu trẻ đang trong giai đoạn dậy thì việc tóc rụng với số lượng vừa phải là bình thường. Để chắc chắn về nguyên nhân rụng tóc do thay đổi nội tiết tố, có thể đến cơ sở y tế kiểm tra nồng độ hormone này.

1.2. Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc như: Thuốc tránh thai, thuốc ngăn ngừa mụn, thuốc điều trị lưỡng cực, … cũng có thể gây ra tác dụng phụ là rụng tóc.

Bị rụng tóc ở tuổi dậy thì có mọc lại không? - Ảnh 2.

Một số thuốc có tác dụng phụ gây ra tình trạng rụng tóc (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

Cách chăm sóc tóc cho người bị nấm da đầu vào mùa đông

8 thực phẩm nên bổ sung vào mùa đông giúp tóc, da và móng khỏe hơn

Thông thường rụng tóc do tác dụng phụ của thuốc sẽ được cải thiện nhanh chóng, khi các bạn ngưng sử dụng thuốc.

1.3. Chế độ dinh dưỡng

Thiếu chất cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc ở tuổi dậy thì. Cơ thể cần được nạp đầy đủ protein, vitamin và các khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của tóc, nếu thiếu hụt các chất dinh dưỡng sẽ khiến tình trạng của tóc trở nên khô, chẻ ngọn, tóc yếu và rụng.

Các loại vitamin A, B, C, Kẽm, Biotin, ... là những dưỡng chất rất tốt cho tóc, giúp tóc phát triển khoẻ mạnh. Vì vậy, các bạn có thể bổ sung những thực phẩm có chứa các chất này như: Cá, rau xanh, hoa quả, các loại hạt, ... 

1.4. Do tác động của hóa chất

Việc làm đẹp ở tuổi dậy thì như tạo kiểu tóc, nhuộm tóc có sử dụng tới hóa chất cũng là một trong các nguyên nhân khiến tóc rụng nhiều. Việc tạo kiểu tóc, uốn, nhuộm ngoài sử dụng hóa chất thì tóc cũng phải chịu tác động của nhiệt độ cao từ máy sấy tóc, máy tạo kiểu, máy là, … khiến tóc bị tổn thương, yếu và rụng.

1.5. Rụng tóc do bệnh lý

Ngoài các nguyên nhân gây rụng tóc ở trên, rụng tóc ở tuổi dậy thì do bệnh lý cũng gặp khá nhiều. Ở tuổi dậy thì phát hiện tình trạng rụng tóc bất thường có thể là do dấu hiệu của các bệnh lý thường gặp như: suy tuyến giáp, bệnh tiểu đường, cũng có thể là do bệnh ung thư, …

Trong trường hợp phát hiện việc rụng tóc ở trẻ trong giai đoạn dậy thì nhưng có biểu hiện bất thường về số lượng tóc rụng và thời gian rụng kéo dài, thì bố mẹ nên đưa con tới các bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám chẩn đoán chính xác nhất.

Bị rụng tóc ở tuổi dậy thì có mọc lại không? - Ảnh 3.

Một số bệnh lý về tuyến giáp, tiểu đường, ung thư là nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc (Ảnh: Internet)

2. Bị rụng tóc ở tuổi dậy thì có mọc lại không?

Tình trạng rụng tóc do nhiều nguyên, nếu tình trạng rụng tóc này là do những nguyên nhân cơ bản như thay đổi nội tiết tố, chế độ ăn, do tác dụng phụ của thuốc hoặc do sử dụng hóa chất tạo kiểu thì hầu hết có thể cải thiện được.

Tuy nhiên, nếu tình trạng rụng tóc do bệnh lý gây ra thì vấn đề này còn phụ thuộc vào tình hình bệnh hiện tại và sự tiến triển của bệnh.

3. Cách khắc phục rụng tóc ở tuổi dậy thì

Việc rụng tóc ở tuổi dậy thì gây ảnh hưởng tới tâm sinh lý của trẻ, trẻ dễ bị tự ti, lo lắng. Vì vậy để cải thiện tình trạng tóc rụng ở tuổi dậy thì, bố mẹ cần chú ý tạo cho trẻ những thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng đầy đủ.

Đồng thời nên thực hiện các biện pháp sau đây giúp phòng tránh tình trạng rụng tóc ở tuổi dậy thì:

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển của tóc

- Sau khi gội đầu không nên chải tóc ngày khi còn ướt, khi chải cũng cần nhẹ nhàng để tình trạng rụng tóc giảm hơn

Bị rụng tóc ở tuổi dậy thì có mọc lại không? - Ảnh 4.

Khi chải tóc nên chải nhẹ nhàng và không nên chải khi tóc còn ướt để tránh rụng tóc (Ảnh: Internet)

- Luôn giữ cho cơ thể đủ nước

- Có thể massage với dầu dưỡng tóc một cách nhẹ nhàng, cấp ẩm và nuôi dưỡng tóc khỏe mạnh

- Không nên thường xuyên sử dụng các loại hóa chất để tạo kiểu, nhuộm, uốn, là, ép gây ảnh hưởng tới tóc

- Nếu được nên làm khô tóc tự nhiên thay vì sử dụng máy sấy có nhiệt độ cao

- Hạn chế tình trạng căng thẳng, stress cũng là biện pháp giúp giảm tình trạng tóc rụng

Trên đây là những giải đáp cho vấn đề: "Rụng tóc ở tuổi dậy thì có mọc lại được không?". Có thể nói, rụng tóc ở tuổi dậy thì là tình trạng nhiều bạn trẻ gặp phải nhưng hầu hết đều không nguy hiểm và có thể cải thiện được. Tuy nhiên, nếu tình trạng rụng tóc kéo dài, đã có biện pháp khắc phục nhưng không thuyên giảm, các bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra và có hướng điều trị.


Tác giả: Nguyễn Lương