Ngứa họng là tình trạng ngứa ở vùng cổ họng, nhiều người thường xuyên gặp vấn đề này. Ngứa họng lâu ngày không khỏi sẽ gây ra cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vậy bị ngứa họng thường xuyên cảnh báo bệnh lý gì, có gây nguy hiểm không?
Cổ họng là một trong những cơ quan bảo vệ cơ thể khỏi những tác xấu động từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Việc bị ngứa cổ họng thường xuyên có thể là do một số nguyên nhân:
- Môi trường sống: Môi trường nhiều khói bụi, ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể dẫn đến tình trạng bị ngứa vùng họng, thậm chí là mắc các bệnh liên quan đến hô hấp.
- Thay đổi thời tiết: Đây là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng ngứa họng. Những thời điểm giao mùa hoặc khi di chuyển đến những khu vực có sự khác biệt về khí hậu sẽ khiến cổ họng trở nên khó chịu.
- Bị viêm mũi dị ứng: Viêm mũi dị ứng làm cho người bệnh bị ngứa họng thường xuyên, hắt hơi, nhảy mũi liên tục, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau tức vùng mặt, mắt sưng, . Ngoài ra còn có thể xuất hiện tình trạng hắt xì, mệt mỏi trong người.
- Bị dị ứng: Dị ứng thực phẩm, penicillin hay kháng sinh có thể khiến cho khu vực cổ họng và khoang miệng bị ngứa. Thêm đó, người bệnh có thể bị phát ban đỏ ngứa, đỏ da vùng quanh mắt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, sưng môi, lưỡi và cổ họng, khó thở. Thậm chí có thể tụt huyết áp và mất ý thức.
Đọc thêm:
+ Hướng dẫn xịt rửa mũi, súc họng hàng ngày giúp phòng ngừa Covid-19
+ Bật mí những cách chữa ho ngứa họng đơn giản và hiệu quả
- Thói quen xấu: Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ăn đồ lạnh, đặc biệt uống nhiều nước đá có thể gây tổn thương cổ họng. Triệu chứng điển hình nhất là ho, ngứa vùng cổ họng.
- Không uống đủ nước: Việc không cung cấp đủ nước khiến cổ họng khô rát, ngứa, dễ xuất hiện tình trạng đau họng. Khi cơ thể cảm thấy khát nước, khô miệng, nước tiểu sậm màu chứng tỏ bạn đang trong tình trạng cần bổ sung nước.
- Bệnh lý: Ngứa cổ họng cũng là một trong những triệu chứng của một số bệnh lý, điển hình như trào ngược dạ dày thực quản ...
Ngứa họng có thể xuất hiện với các mức độ từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào thể trạng mỗi người. Nhẹ sẽ xuất hiện cảm giác ngứa râm ran, khàn tiếng, hơi khó phát âm. Nặng hơn là tình trạng ngứa rát cổ họng, dẫn tới ho liên tục và dữ dội kèm có đờm, khản tiếng.
Nếu bị ngứa họng thường xuyên, dai dẳng không khỏi kèm theo một số triệu chứng bất thường, có thể là dấu hiệu cảnh bảo một số bệnh lý sau:
- Viêm họng
Triệu chứng ban đầu của các bệnh lý này là ngứa họng và ho, gây ra cảm giác khó chịu. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những cơn ho kéo dài, tình trạng viêm, cổ họng bị sưng.
- Cảm cúm
Ngứa họng thường là triệu chứng điển hình của người bị cảm lạnh, cảm cúm. Tình trạng này sẽ thường gặp phải khi thời tiết thay đổi, nhất là với người có sức đề kháng kém. Cảm cúm sẽ thường đi kèm với một số biểu hiện như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt.
- Viêm phổi, viêm phế quản
Khi bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản hay viêm amidan sẽ thường có các biểu hiện như: Ngứa họng, ho khan, ho có đờm, đau rát họng kéo dài. Nếu trường hợp nặng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, nếu có biểu hiện ngứa họng thì có thể là những dấu hiệu của viêm mũi, viêm xoang dị ứng.
- Nhiễm khuẩn hoặc virus
Khi vi khuẩn tấn công vào cơ thể thông qua đường hô hấp sẽ gây ra các tổn thương ở vùng họng. Do vậy, khi xuất hiện triệu chứng ngứa họng, đau vùng họng, có đờm kèm theo sốt thì có thể đã bị nhiễm vi khuẩn, virus.
- Trào ngược dạ dày, thực quản
Thực tế, khi lượng axit có trong dạ dày, thực quản dư thừa dẫn đến hội chứng trào ngược dạ dày. Khi đó sẽ kích thích vùng cổ họng, tạo ra cảm giác ngứa kèm theo ho khan, ho có đờm.
Để cải thiện tình trạng ngứa họng thường xuyên cần tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, một số phương pháp sau có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng ngứa họng mà các bạn có thể tham khảo.
(Lưu ý, những biện pháp này mang tính hỗ trợ, không thay thế được các chỉ định của bác sĩ. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng.)
- Súc miệng bằng nước muối: Để làm giảm tình trạng ngứa họng, các bạn súc miệng bằng nước muối 2 lần/ngày vì nước muối có tính sát khuẩn tốt. Tuy nhiên cần phải pha đúng nồng độ để tránh làm tổn thương vùng niêm mạc.
- Ngậm mật ong: Sử dụng một thìa mật ong tươi nguyên chất vào buổi sáng hoặc sử dụng trà gừng với chanh và mật ong là một cách giúp làm nhẹ vùng cổ họng, giảm ngứa hiệu quả.
- Sử dụng trà thảo mộc: Nhiều loại trà thảo mộc có tác dụng làm dịu cổ họng khi bị ngứa, điển hình như: bạch quả, cam thảo, cỏ ba lá đỏ hay hoa cúc, …
- Sử dụng kẹo ngậm ho, siro ho hoặc các loại xịt mũi, xịt họng chuyên dụng.
- Thoa dầu nóng vào lòng bàn chân và cả vùng cổ họng, mát xa nhẹ nhàng và cần bảo vệ vùng họng thật tốt.
Ngoài ra để giảm triệu chứng bị ngứa họng thường xuyên, bạn có thể sử dụng thuốc dị ứng không kê đơn (OTC), các loại viên ngậm hoặc thuốc cảm không kê đơn theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu cổ họng của bạn thường xuyên bị ngứa thì việc thay đổi những thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng là cách để phòng tránh khá hiệu quả. Một số cách phòng ngừa chứng ngứa họng mà bạn có thể áp dụng như sau:
- Bỏ hoàn toàn thuốc lá cũng như hạn chế sử dụng cafein, chất kích thích.
- Bổ sung ít nhất 2 đến 2,5 lít nước cho cơ thể mỗi ngày.
- Thường xuyên vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các đồ dùng chung. Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo vệ sinh cho răng miệng và cổ họng.
- Luôn bảo vệ vùng cổ một cách khoa học với các phương pháp như: Giữ cho cổ họng được ấm khi trời trở lạnh , không ăn hoặc uống nhiều đồ lạnh, không sử dụng các chất kích thích có hại, ...
- Không nên mở cửa sổ hoặc mặc quần áo quá mỏng khi đi ra ngoài trong những thời điểm giao mùa.
- Sử dụng các loại thức ăn mềm, đã được nấu chín để hạn chế những tổn thương lên vùng niêm mạc.
Có thể nói, bị ngứa họng thường xuyên có thể do các yếu tố môi trường, thời tiết hoặc bệnh lý. Để phòng ngừa tình trạng này, việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ, tăng cường hệ miễn dịch, vệ sinh răng miệng là điều cần thiết. Nếu bị ngứa họng thường xuyên mà không thuyên giảm, các bạn nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.