Bị đầy hơi sau khi uống cà phê: Nguyên nhân do đâu?

Bị đầy hơi sau khi uống cà phê: Nguyên nhân do đâu?
Ngoài các triệu chứng đau bụng hay đi tiểu nhiều hơn sau khi uống cà phê thì ống cà phê bị đầy hơi (đầy bụng) cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm.

Có nhiều lý do khiến bạn bị đầy hơi sau khi uống một cốc cà phê. Đầy hơi ở ruột gây ra nhiều triệu chứng hơn đầy hơi ở dạ dày vì nhiều khí được tạo ra trong ruột do sự hiện diện của vi khuẩn. Bình thường dạ dày của bạn không nên có vi khuẩn, trừ khi nó bị nhiễm trùng. 

1. Nguyên nhân do các bệnh đường tiêu hóa sẵn có

Không phải ai mắc bệnh đường tiêu hóa cũng bị đầy hơi sau khi uống cà phê nhưng một số  người có độ nhạy cảm cao với caffeine có thể phát triển các triệu chứng này.

- Cà phê và hội chứng ruột kích thích

Những người mắc các bệnh liên quan đến đường ruột, như hội chứng ruột kích thích (chứng IBS) và bệnh viêm ruột (IBD), có nhiều khả năng bị đầy hơi, đầy hơi và tiêu chảy sau khi uống cà phê. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy rằng cà phê là một trong những tác nhân gây ra các triệu chứng của chứng IBS như đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy được báo cáo phổ biến nhất. 

Một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên Frontiers in Nutrition đã tìm thấy mối quan hệ đáng kể giữa  lượng caffeine tiêu thụ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng IBS ở những người tham gia bị thừa cân, béo phì. Nói cách khác, theo nghiên cứu, cà phê chứa caffeine có thể làm trầm trọng thêm hoạc tăng mức độ thường xuyên của các triệu chứng IBS.

Bị đầy hơi sau khi uống cà phê: Nguyên nhân do đâu? - Ảnh 2.

Không phải ai mắc bệnh đường tiêu hóa cũng bị đầy hơi sau khi uống cà phê (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Thêm 6 thứ này vào ly cà phê của bạn để nhận được nhiều lợi ích sức khỏe hơn

Những loại thuốc cần lưu ý nếu bạn có thói quen uống cà phê mỗi ngày

- Cà phê và chứng không dung nạp Lactose

Các sản phẩm từ sữa, như kem và sữa, là một trong những thành phần phổ biến nhất trong latte, cappuccino và các đồ uống đặc biệt khác. 

Nếu bạn mắc chứng không dung nạp Lactose thì việc bạn thêm một thìa kem hoặc sữa vào cốc cà phê của mình có thể dẫn tới đầy hơi và chướng bụng do cơ thể không phân hủy được đường tự nhiên Lactose. Tình trạng không dung nạp này không quá hiếm gặp.

Để giảm tình trạng này, hãy thay thế bằng các loại sữa không chứa lactose như sữa gạo, sữa yến mạch, sữa đậu nành, đồng thời tránh hoàn toàn các loại đường lactose này. 

2. Nhạy cảm với chất tạo ngọt nhân tạo hoặc chất thay thế đường

Nếu bạn cảm thấy đầy hơi sau khi uống đồ uống cà phê có hương vị hoặc đường, bạn có thể đang phản ứng với chất tạo ngọt nhân tạo hoặc chất thay thế đường như rượu đường (sorbitol hay maltitol). Chẳng hạn, rượu đường bị phân hủy bởi vi khuẩn trong ruột già và giải phóng khí. Vì vậy, nếu bạn tiêu thụ một lượng lớn chúng trong một khoảng thời gian ngắn, bạn có thể gặp các triệu chứng về đường tiêu hóa trong đó có đầy hơi.

Một đánh giá vào tháng 10 năm 2016 trên tạp chí Journal of International Dentistry cho thấy rượu đường khi tiêu thụ với số lượng lớn có thể tăng thúc đẩy nhu động ruột dẫn tới tiêu chảy, đầy hơi và chướng bụng.

Các chất làm ngọt khác, như mật ong và xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao, cũng có thể gây đầy hơi, đặc biệt ở những người mắc bệnh tiêu hóa như chứng IBS.

Bị đầy hơi sau khi uống cà phê: Nguyên nhân do đâu? - Ảnh 3.

Nhạy cảm với chất tạo ngọt nhân tạo hoặc chất thay thế đường trong cà phê có thể gây đau bụng, đầy hơi (Ảnh: Internet)

3. Cách cà phê "tương tác" với hệ tiêu hóa

- Kích thích axit dạ dày

Cà phê ảnh hưởng đến nhu động ruột và tăng tiết axit trong dạ dày. Việc sản xuất axit tăng lên được biết là gây ra chứng khó tiêu hoặc chướng bụng được đặc trưng bởi các triệu chứng như khó chịu ở dạ dày, đầy hơi, ợ hơi.

Giải pháp đối phó để giảm tác dụng tăng tiết axit dạ dày này của cà phê chính là thay đổi cách rang cà phê mà bạn uống, theo Livestrong. Trong một bài báo tháng 6 năm 2014 trên tạp chí Molecular Nutrition & Food Research, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ở những người tình nguyện khỏe mạnh, cà phê rang đậm (so với rang vừa) làm giảm sự tăng tiết axit dạ dày và do đó có thể dễ tiêu hóa hơn. Nguyên nhân là do hạt cà phê rang đậm được rang lâu hơn hoặc ở nhiệt độ cao hơn hạt rang vừa hoặc rang nhẹ, điều này làm giảm hàm lượng caffeine trong chúng.

- Giải phóng các hormone liên quan tới phản xạ dạ dày - kết tràng (gastrocolic reflex)

Cà phê cũng kích thích giải phóng các hormone liên quan đến phản xạ dạ dày - kết tràng, đây là một quá trình tự nhiên xảy ra sau khi ăn. Phản xạ này kiểm soát sự di chuyển của thức ăn qua đường tiêu hóa dưới sau khi ăn. 

Uống cà phê kích hoạt giải phóng hormone gastrin và cholecystokinin (CCK), làm trung gian cho phản xạ dạ dày - kết tràng của bạn. Ở những người mắc bệnh tiêu hóa như chứng IBS, việc tiêu thụ một số loại thực phẩm và đồ uống như cà phê có thể gây ra phản ứng thái quá của phản xạ dạ dày - kết tràng, dẫn đến các triệu chứng như đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy.

Bị đầy hơi sau khi uống cà phê: Nguyên nhân do đâu? - Ảnh 4.

Cà phê cũng kích thích giải phóng các hormone liên quan đến phản xạ dạ dày - kết tràng (Ảnh: Internet)

4. Bạn đang uống quá nhiều cà phê

Uống một lượng lớn cà phê cũng có thể khiến một người cảm thấy đầy hơi do có thể hít vào nhiều không khí khi uống cà phê, từ đó gây ra cảm giác hơi chướng bụng.

Theo Livestrong, uống một lượng lớn bất kỳ loại đồ uống nào, kể cả nước lọc, có thể khiến bạn cảm thấy quá no và khó chịu do dạ dày phải căng ra để chứa một lượng lớn chất lỏng. Uống quá nhiều nước quá nhanh cũng có thể khiến bạn cảm thấy buồn nôn và khó chịu.

Cách giảm triệu chứng đầy hơi tự nhiên nhanh chóng

Dưới đây là một số cách giúp bạn giảm đầy hơi hiệu quả nếu bị đầy hơi sau khi uống cà phê và không phải do bệnh lý tiềm ẩm:

- Đi dạo

Hãy thử đi dạo vài vòng nếu cảm thấy bị đầy hơi sau khi uống cà phê. Điều này cũng giúp ổn định lượng đường trong máu sau khi ăn hoặc uống.

- Uống trà thảo mộc

Một số loại trà thảo mộc như trà bạc hà, trà gừng, trà bồ công anh, trà thì là có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn nếu uống cà phê bị đầy hơi.

Bị đầy hơi sau khi uống cà phê: Nguyên nhân do đâu? - Ảnh 5.

Trà thảo mộc như gừng, thì là, bạc hà có thể giúp giảm tình trạng uống cà phê bị đầy hơi (Ảnh: Internet)

- Thử massage vùng bụng nhẹ nhàng

Massage bụng nhẹ nhàng có thể giúp giảm đầy hơi và đẩy khí dư thừa trong ruột ra ngoài. Hãy thử massage nhẹ nhàng từ phía bên phải dạ dày (vị trí gần xương chậu) theo chuyển động vòng tròn lên phía trên bên phải bụng (gần xương sườn) rồi tới bên trái bụng cũng theo thứ tự từ trên xuống dưới. Massage vòng tròn theo chiều kim đồng hồ lặp lại khoảng 10 phút.

Nhìn chung, đầy hơi sau khi uống cà phê không phải là một vấn đề nghiêm trọng, tuy nhiên một số bệnh lý tiềm ẩn có thể khiến bạn đầy hơi dù ăn uống bất cứ thứ gì chẳng hạn như ung thư buồng trứng và viêm ruột. Hãy thăm khám bác sĩ nếu bạn bị đầy hơi liên tục, đau đớn và không giảm nhẹ sau khi thử các biện pháp tại nhà khoảng vài giờ để được chẩn đoán chính xác nhất.

Bị đầy hơi sau khi uống cà phê: Nguyên nhân do đâu? - Ảnh 6.

Nguồn dịch tham khảo:

1. My Stomach Is Bloated After Drinking Coffee

2. Does Coffee Make You Bloated? Here's Why & What To Do About It


Tác giả: Allen